Tin

Hà Tĩnh: Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con bản Thoọng Pẹ

Trời tháng 5 nắng như đổ lửa, từ Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, chiếc xe của Đoàn công tác Bệnh viện Quân y 4 và BĐBP tỉnh Hà Tĩnh ì ạch băng qua những con dốc, con đèo của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đến bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cợt, tỉnh Bô-ly-khăm-xây (Lào) để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nơi đây. Qua đỉnh Keo Nưa, Thoọng Pẹ hiện lên thanh bình với những nếp nhà sàn, với dòng Nậm Pao uốn lượn e ấp.

Đúng 7 giờ, Đoàn công tác đã có mặt tại Trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xây (Lào). Bản Thoọng Pẹ là một bản nghèo, có 320 hộ và 2.353 nhân khẩu đa phần là dân tộc Mông, dân tộc Lào sinh sống. Trước đây người dân bản Thoọng Pẹ nghèo lắm! Họ đi du canh du cư, đốt rừng làm rẫy nên cái nghèo cái đói cứ bám riết lấy. Rồi dần dần họ trồng cây anh túc, rồi nơi đây trở thành thủ phủ của hoạt động buôn bán ma túy từ lúc nào không hay!

 
Khám bệnh cho bà con bản Thoọng Pẹ.

Thế mà giờ đây, nhờ có sự giúp đỡ của BĐBP tỉnh Hà Tĩnh cuộc sống của họ thay đổi. Dân không còn cảnh thiếu ăn. Hủ tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ. Mừng hơn, nhiều con em trong bản được đưa sang nước mình học đại học… Nhưng nhìn chung, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, việc chăm sóc sức khỏe chưa được tốt. Nhận được tin có bộ đội Việt Nam sang khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, dân Thoọng Pẹ “ưng cái bụng” lắm! Bà con đến từ sáng sớm, xếp hàng trật tự chờ các bác sĩ  quân y khám bệnh.

Ông Doong De, Trưởng bản Thoọng Pẹ nói tiếng Việt rành mạch, bày tỏ: “Các bác sĩ và bộ đội Việt Nam không quản ngại đường xa, thời tiết nắng nóng đến khám bệnh, phát thuốc cho bà con. Bản chúng tôi trước đây còn nhờ thầy mo, thầy cúng nhưng giờ hết rồi, giờ có bệnh đều tìm đến bệnh xá. Được tin bác sĩ Việt Nam đến bản làng chúng tôi ai cũng vui mừng lắm!”.

Ông Pho-xăm-may, 75 tuổi bị đau dạ dày đến khám và lấy thuốc cho biết: “Đợt trước bộ đội Việt Nam đến khám và cho thuốc đỡ nhiều. Đợt này hết thuốc, may bộ đội Việt Nam đến khám cho thuốc nữa, Xăm-may sẽ đỡ đau”. Bà Na-vua, 45 tuổi cùng hai con đến khám và lấy thuốc nói: “Thuốc này cho Na-vua ngày uống hai lần, mỗi lần 2 viên, thuốc này cho Ne-va-canh và Nhớ. Biết ơn bộ đội Việt Nam nhiều lắm!”

Trong đoàn lên bản Thoọng Pẹ lần này có các y, bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 4, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ, chiễn sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Những giọt mồ hôi lăn dài vì nắng nóng, bà con lại xếp hàng đông. Tuy vậy các y, bác sĩ vẫn động viên bà con khẩn trương khám bệnh để khỏi phải chờ lâu. Những câu nói bông đùa, những lời hỏi han chân tình khiến tình cảm của bà con dành cho các y, bác sĩ và bộ đội Việt Nam thêm nồng hậu.

Chị Nguyễn Thị Giang, Thượng úy, bác sĩ điều trị Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Quân y 4 là người tham gia rất nhiều đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa nhưng đây cũng là lần đầu tiên chị đến với bản Thoọng Pẹ. Chị cho biết: “Cũng không nhớ chính xác đây là lần thứ mấy mình đi làm nhiệm vụ như thế này. Cảm giác nhìn bà con vui mừng khi được khám và lấy thuốc bao mệt nhọc trong mình dường như tan biến. Bà con các dân tộc ta cũng như dân tộc Lào anh em còn nhiều cái khổ, giúp được phần nào cho bà con mình thấy rất hạnh phúc”.

Một lực lượng rất quan trọng trong đợt khám, chữa bệnh này là các y, bác sĩ ở trạm xá quân dân y kết hợp bản Thoọng Pẹ. Có 4 đồng chí quân y sang đây cùng sống và làm việc với bà con bản Thoọng Pẹ. Các anh vừa hỗ trợ các y, bác sĩ khám chữa bệnh vừa làm phiên dịch. Sống với dân bản đã lâu, các anh nói tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ vậy. Xa gia đình, xa quê hương các anh coi mảnh đất Thoọng Pẹ như quê hương thứ hai của mình. Anh Nguyễn Đức Việt, trạm trưởng tâm sự: “Sang đây làm nhiệm vụ cũng đã được gần hai năm, thân thiết với bà con như người trong bản. Vừa làm công tác khám chữa bệnh, vừa làm công tác dân vận, gắn kết tình hữu nghị Việt-Lào. Tuy còn nhiều thiếu thốn nhưng nhận được nhiều tình cảm của dân bản nên chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thiện trình độ chuyên môn để làm tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Khi mặt trời đã khuất sau dãy Keo Nưa, dân Thoọng Pẹ đã được khám bệnh hết, các y, bác sĩ tranh thủ về luôn để sáng mai kịp cho công việc ở cơ quan. Trước khi chia tay, dân bản đồng thanh hô to “Việt-Lào Sa-ma-khi” (Việt-Lào đoàn kết). Những ánh mắt bịn rịn, cái nắm tay chan chứa của bà con Thoọng Pẹ khiến bước chân người đi muốn chậm lại, lòng nặng trĩu…

Bài và ảnh: HOA LÊ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP