Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh khai hội tưởng niệm 226 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 12/11/1720 tại thôn Văn Xá, huyện Hương Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hưng Yên, lúc sinh thời Đại danh y sớm hiểu được nỗi thống khổ của dân nghèo trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, đói rét và bệnh tật, ông nhất quyết xa lánh chốn quan trường, dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp “trị bệnh, cứu người”.

Chiều 9/2, Sở VHTTDL Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn long trọng tổ chức Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông và tưởng niệm 226 năm ngày mất đại danh y Lê Hữu Trác. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh về cùng dự.
Thứ Sáu, ngày 10/02/2017 – 15:00
Hà Tĩnh khai hội tưởng niệm 226 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông  - ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh trống khai hội Hải Thượng Lãn Ông

Phát biểu khai hội, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn đã khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ.

Mặc dù Ông chỉ thọ 71 tuổi nhưng đã có 44 năm sống và làm thuốc trên mảnh đất Hương Sơn với một y sư tài cao, đức rộng, cốt cách thanh cao và nhiều giá trị trường tồn vĩnh cửu. Ông đã để lại di sản vô giá cho nền y học nước nhà, đặc biệt là bộ sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” với 66 tập là đúc kết tinh hoa y học cổ truyền; Chín điều “Y huấn cách ngôn” trở thành khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề y dược, là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.

Đã thành thông lệ, hàng năm, đúng ngày rằm tháng Giêng – ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, nhân dân cùng những người công tác trong nghề y lại tề tựu về khu mộ và nhà thờ Đại danh y (tại xã Sơn Trung và Sơn Quang, huyện Hương Sơn) dự Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với nền y học và văn hóa nước nhà.

Lễ hội đã góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết, đồng thời quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất Hương Sơn nói riêng, Hà Tĩnh nói chung. Sau khi hồi trống khai hội của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, lễ hội bước vào phần lễ tế tại nhà thờ Lê Hữu Trác ở thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang. Cùng với đó, các hoạt động thể thao, văn hóa như đua thuyền, đánh bóng, văn nghệ cũng diễn ra sôi nổi trong chuỗi hoạt động của tuần lễ hội Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác.

Hà Tĩnh khai hội tưởng niệm 226 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông  - ảnh 2Phần lễ tế tại nhà thờ Lê Hữu Trác ở thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang

Lễ hội có ý nghĩa to lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Đặc biệt, sau khi Khu lưu niệm Đại danh y được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì lễ hội đã được hồi sinh và ngày càng phát triển về quy mô, nội dung, hình thức.

Ngân Nga

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP