Hồ chứa ngày càng xuống cấp
Ông Ngô Đức Hợi – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 345 hồ chứa do Chi cục Thủy lợi quản lý thì 219 hồ chứa cần được nâng cấp, sữa chữa. Trong đó có 129 đập bị thấm, nhiều đập thấm lớn, nước chảy thành dòng. Hầu hết là đập đất đồng chất, được xây dựng trong điều kiện vật tư khó khăn, thi công bằng thủ công và cơ giới kết hợp thủ công, đến nay đã bộc lộ nhiều nguy cơ, mất an toàn”.
Đối với những hồ chứa có hệ thống tràn xả lũ, mặc dù đã được gia cố bằng đá xây và bê tông. Tuy nhiên, nhiều tràn đã hư hỏng, đặc biệt, có 55 tràn xả lũ hư hỏng thân tràn, xói lở tiêu năng; 141 hồ chứa là tràn đất tự nhiên bị xói lở và không đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ.
Hiện nay, chỉ 4 hồ chứa có cống vận hành bằng điện, còn lại đang vận hành bằng thủ công. Nhiều cống đã bị hư hỏng phần bê tông, khớp nối không đảm bảo an toàn. Hệ thống điều tiết (cửa cống) một số hồ chứa đã hư hỏng không còn khả năng giữ nước, chảy liên tục quanh năm như: hồ Khe Dẻ, Cao Thắng, Vực Rồng (Hương Sơn); đập Làng (Phú Gia – Hương Khê)… Ngoài ra, 170 cống dưới đập không có cầu công tác để quản lý, vận hành, mỗi lần điều tiết phải dùng thuyền, thậm chí, bơi ra đóng mở cống như: hồ Khe, Chà Chạm, hồ Khe Cáo, hồ Zec Tường… “Hệ thống vận hành, điều tiết nước cũng rất đáng lo ngại, nguy cơ mất an toàn lao động trong công tác vận hành, quản lý của cán bộ rất lớn” – ông Ngô Đức Hợi nói thêm.
Nhiều hồ chứa xuống cấp do được xây dựng cách đây 40 – 50 năm trong điều kiện phương tiện thi công còn thiếu và yếu, đặc biệt là về thủy văn, tài liệu đo đạc chưa đầy đủ, quá trình lập hồ sơ dự án và thiết kế kỹ thuật chưa đề cập hết các trường hợp bất lợi của thiên tai… nhiều hạng mục hiện xuống cấp nghiêm trọng, do chịu tác động thiên tai lại không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Hệ thống hạ tầng phục vụ công tác vận hành và quản lý còn bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hiện nay, chỉ có 150/345 hồ chứa có đường quản lý, còn lại chưa có đường quản lý đảm bảo cho xe cơ giới tiếp cận để kiểm tra, ứng cứu khi có sự cố, thậm chí một số hồ chứa ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang không có đường vào mà phải đi qua nhà ở của dân. Phần lớn các hồ chứa còn thiếu nhà quản lý và chưa có đường điện đến công trình đầu mối, chưa được lắp đặt hệ thống quan trắc thủy văn, các thiết bị giám sát, theo dõi an toàn công trình, hệ thống thông tin liên lạc chưa được trang bị…
Ông Ngô Đức Hợi tỏ ra lo lắng, “Trước mùa mưa bão 2015, Hà Tĩnh hiện có 28 hồ xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao (Huyện Hương Khê 11 hồ; Hương Sơn 7 hồ; Kỳ Anh 3 hồ; Vũ Quang 3 hồ; Can Lộc 2 hồ; Nghi Xuân 2 hồ). Để nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm nay, chúng tôi cần 30 – 40 tỷ đồng mới có thể triển khai được nhưng hiện nay chưa có dự án cho việc này”.
Cần được đầu tư để thực hiện các giải pháp đồng bộ
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, Hà Tĩnh rất cần sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức, đảm bảo kinh phí sữa chữa, nâng cấp hồ chứa và lắp đặt các thiết bị tự động cho các hồ chứa để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra do thiên tai trước mùa mưa bão năm 2015.
Chia sẻ với chúng tôi ông Hà Huy Quyết – Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Thủy Lợi Hà Tĩnh cho biết: Thời điểm hiện nay, mực nước các hồ chứa xuống thấp, hầu hết hồ chứa nhỏ đã cạn… Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể tất cả các hạng mục công trình, tập trung để xử lý ngay các ẩn họa, hư hỏng, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du. Đặc biệt là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa cơ quan các cấp từ tỉnh, huyện, xã đối với công tác đảm bảo an toàn đập
Những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao có giải pháp mở rộng hoặc hạ thấp tràn xả lũ, chuẩn bị các điều kiện vật tư chống nước tràn đỉnh đập, chủ động không tích nước trong mùa mưa lũ.
Tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn hồ, đập thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác quản lý và bảo vệ hồ đập trên địa bàn. Đặc biệt, rà soát, điều chỉnh, phân cấp quản lý, vận hành khai thác và bảo vệ các hồ chứa theo đúng năng lực quản lý của từng tổ chức, cá nhân và đặc điểm công trình.
An toàn hồ, đập là vấn đề cấp bách hiện nay, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng cực đoan, bất lợi, mưa, lũ vượt tần suất thiết kế và bất thường xảy ra nhiều hơn, nguy cơ sự cố vỡ đập rất lớn, đặc biệt là đối với đập của các hồ chứa nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, khi xảy ra sự cố sẽ vô cùng nguy hiểm.