Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Hàng trăm tấn sứa gây ô nhiễm cần “giải phóng”

Gần 2 năm trôi qua, hàng trăm tấn sứa sau sự cố môi trường biển đã hết hạn, bốc mùi hôi thối nồng nặc nhưng người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa dám “định đoạt số phận” do chưa được áp giá đền bù và chưa có biện pháp tiêu hủy.

Sứa ảnh hưởng từ sự cố môi trường phân hủy mạnh khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng. Ảnh: HY

Những kho chứa sứa biển hư hỏng đang dần trở thành nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống cũng như việc kinh doanh, buôn bán của người dân.

Chứa “bom độc” trong nhà

Sứa được người dân vùng bãi ngang các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh… của tỉnh Hà Tĩnh thu mua và tiêu thụ ngay trong dịp hè.

Năm 2016, hàng trăm tấn sứa được người dân lưu kho chờ ngày xuất, thậm chí đã có khách đặt cọc tiền rồi nhưng do sự cố môi trường, mọi dự định của người dân bị ứ đọng cùng với sứa. Từ đó, dân phải “sống chung” với sứa ô nhiễm.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bắc (thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị, Thạch Hà) mấy tháng nay sống khổ sở vì sứa, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. 23,2 tấn sứa cất giữ trong kho nhưng vì gần nhà nên bốc mùi hôi thối không thể chịu nổi.

“Ba tháng nay sứa phân hủy mạnh, màu đen kịt, nắng lên bốc mùi khiến chúng tôi sống khổ sống sở, không những người nhà không chịu nổi mà hàng xóm cũng kêu la inh ỏi, họ buộc phải mua gạch về xây hàng rào lên cao để cản mùi. Vừa rồi cả nhà tôi từ nhỏ đến lớn đều bị sốt, ho khục khặc suốt ngày, nổi mẩn ngứa, chịu không nổi nên chúng tôi lên trình bày với huyện. Huyện cho người về kiểm tra, họ vào và nói chỉ đứng trong nhà tôi được 3 giây chứ không chịu nổi 1 phút”, bà Bắc nói.

Dẫn chúng tôi ra kiểm tra số lượng sứa tồn kho, vừa mở nắp đậy, mùi hôi thối đã xộc thẳng vào mũi khiến chúng tôi ngộp thở. Từng thùng sứa đã ngả vàng, thối rửa, nổi bọt, nhỉnh lên bốc mùi thối nồng nặng. Bà Bắc cho biết, nhà có đứa con lớn phải đi ngủ nhờ nhà bạn, còn 3 người trong nhà thường xuyên tiếp xúc với sứa thối nên sức khỏe bị ảnh hưởng mạnh. Đêm đến cả nhà ra hiên để ngủ chứ không thể nằm được trong nhà. “Người lớn chúng tôi có bị bệnh cũng chịu được nhưng tội nhất là trẻ con”, bà Bắc than thở.

Cách nhà bà Bắc không xa là gia đình ông Nguyễn Đình Hương cũng chung cảnh ngộ. Hộ ông Hương là điểm thu mua sứa thuộc dạng lớn nhất ở xã Thạch Trị, sau khi xảy ra sự cố môi trường, gia đình ông ứ đọng hơn 59 tấn sứa.

“Số sứa này trị giá gần 3 tỉ đồng, khách Trung Quốc họ đặt cọc 300 triệu đồng, đưa thùng đựng đến để ở kho nhà tôi rồi nhưng nghe tin sự cố môi trường, họ đến lấy mẫu về kiểm tra, sau đó quay lại lấy tiền cọc chứ không mua hàng nữa. Từ đó đến nay, mặc dù được ướp muối nhưng do để lâu quá khiến sứa bốc mùi, ngày đêm hành hạ chúng tôi”.

Gia đình ông Hương thu mua sứa từ năm 2003 đến nay đã 14 năm, chưa khi nào họ phải kêu ca điều gì. Sự cố môi trường khiến sứa ứ đọng hơn 1 năm, mùa sứa năm 2017 ông Hương cũng như hầu hết những hộ làm sứa ở Hà Tĩnh đều phải ngừng do không còn kho để chứa. “Kể cả mình có thu mua nhưng do còn sứa cũ nên khách hàng họ cũng không dám đến lấy”, ông Hương bức xúc nói.

Sứa ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Không những vậy, vốn thu mua hàng tỉ đồng giờ nằm lại với sứa thối khiến các hộ gia đình lâm nợ chồng chất. Gia đình bà Bắc hiện còn nợ gần 2 tỉ, mỗi tháng trả 16-17 triệu đồng tiền lãi.

Ông Bùi Đức Cường (thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà) cho biết: Do ứ hơn 16 tấn sứa nên gia đình còn nợ ngân hàng 440 triệu đồng, hàng tháng phải trả 5 triệu tiền lãi. Nếu “giải phóng” được từng đó sứa ế thì mùa vừa rồi gia đình tôi khai thác tiếp cũng đủ để trả nợ. Đến giờ vẫn chưa có thông tin gì về việc được đền bù hay không, cũng không có hướng dẫn tiêu hủy như thế nào khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa.

Theo thống kê, số sứa ứ đọng do sự cố môi trường của Hà Tĩnh là hơn 839,5 tấn, trong đó huyện Thạch Hà 303 tấn, Kỳ Anh 36 tấn, Lộc Hà hơn 500 tấn.

Để dân chờ đến bao giờ?

Cần tiêu hủy gần 840 tấn sứa ứ đọng để cứu lấy môi trường. Ảnh: HY

Việc hàng trăm tấn sứa gây ô nhiễm cho người dân tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết khiến người dân lâm vào cảnh khốn đốn, giữ không được mà tiêu hủy cũng không xong. Hệ lụy từ việc sứa tồn kho đã rõ, nhưng đến nay sự việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”, trong khi sứa ngày càng phân hủy mạnh. Việc tiêu hủy số sứa quá “đát” hết sức bức thiết đối với người dân nhưng hiện cả chính quyền lẫn người dân lại “lo sợ”.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ cho giải pháp đối với hơn 837 tấn sứa và 417 tấn hải sản khô (cá, mực, tép khô…) vì số hải sản này không nằm trong danh mục được bồi thường theo Quyết định 1880 và Quyết định 309 của Chính phủ. Theo đó, phải chờ đến lúc đền bù xong cho các đối tượng theo 2 Quyết định này lúc đó mới tính đến các đối tượng bổ sung.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Thống kê đến ngày 7/1/2017 Hà Tĩnh có là hơn 4.000 tấn hải sản tươi, trong đó gần 1.300 tấn đã được bồi thường, còn lại 2.700 tấn chưa được bồi thường (hải sản đông lạnh là 1.300 tấn; sứa, hải sản khô hơn 1.400 tấn). Hơn 2.700 tấn hải sản chưa được bồi thường vì còn nhiều trục trặc, do không thuộc đối tượng theo Quyết định 1880 và Quyết định 309. Đến bây giờ sứa đã hư hỏng hoàn toàn, ảnh hưởng đến cả môi trường sống lẫn việc kinh doanh, buôn bán của người dân. Nếu cho tiêu hủy sợ đến khi được bồi thường lại không còn bằng chứng”.

Theo ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Anh, nếu đưa đến nhà máy xử lý rác thì 1 tấn sứa chi phí hết 8 triệu đồng, số tiền này dân không bỏ ra, chính quyền cũng gặp khó khăn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Đo lường chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Tĩnh, việc tiêu hủy sứa có thể đào hố chôn vì sứa có 90% là nước, không chứa chất độc, đã được ướp muối, mùi thối là do lượng đạm trong sứa gây ra, việc chôn lấp sẽ không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.

Ông Dũng cũng thông tin, tại các Quảng Bình, Quảng Trị, tỉnh đã ứng ngân sách giao cho huyện đền bù trước cho dân nên không có hiện tượng sứa ứ đọng như ở Hà Tĩnh. Tổng số tiền tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đền bù cho hải sản khô là 21 tỉ đồng, sứa gần 30 tỉ đồng, người dân hi vọng trong thời gian tới cơ quan chức năng Hà Tĩnh sớm có chính sách giải quyết thỏa đáng để giải phóng số lượng hải sản hư hỏng trên.

Tác giả: Hải Yến

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP