Các tiểu thương cho rằng việc áp giá hỗ trợ quá thấp sẽ khiến họ lỗ nặng, nguy cơ phá sản. |
Theo nội dung thông báo của VPCP ngày 16/11, hải sản tồn kho tại 4 tỉnh miền Trung sẽ được hỗ trợ, đối với các lô hàng không đảm bảo an toàn hỗ trợ 100% giá trị; 100% tiền điện; 100% lãi suất và chi phí tiêu huỷ.
Lô hàng bảo đảm an toàn được hỗ trợ 30% giá trị, 100% tiền điện; 100% lãi suất.
Các tiểu thương kinh doanh hải sản cấp đông tại Hà Tĩnh cho rằng mức mức hỗ trợ này chưa phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Viết Long – chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) nói, hầu hết lượng hải sản trong kho cấp đông tại huyện đều được người dân thu mua trước sự cố biển nhiễm độc, đây là loại hải sản an toàn nhưng không xuất bán được sự cố.
Bà Trần Thị Hiền có 90 tấn hải sản quá hạn sử dụng |
“Hiện hải sản hầu hết đã quá hạn sử dụng. Nếu căn cứ vào các định mức hỗ trợ 30% thì người dân sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ” – ông Long lo lắng.
Bà Trần Thị Hiền, chủ cơ sở đông lạnh Thanh Hiền (xã Thạch Bằng) nói, nếu không có sự cố môi trường, 90 tấn hải sản trong kho đã xuất bán từ lâu.
Trực tiếp mở các thùng hàng còn nguyên, đưa ra những mớ hải sản đã vàng, bốc mùi, chị Hiền cho biết, gần 90 tấn hải sản phần lớn đã xuống cấp trầm trọng.
Bên cạnh mức hỗ trợ thấp khiến người dân lo lắng thì việc chính quyền không kịp thời giải quyết hải sản tồn kho cũng khiến người dân thêm khó khăn.
Hầu hết chất lượng hải sản tại các cơ sở đông lạnh đã xuống cấp hoặc quá hạn sử dụng |
Bà Trần Thị Loan chia sẻ: “Hải sản không bán được phát sinh rất nhiều chi phí. Bản thân các cơ sở kinh doanh rất muốn tỉnh nhanh chóng giải quyết lượng hải sản tồn kho để các cơ sở sớm chuyển đổi nghề nghiệp, kiếm việc làm mới”.
Tách hải sản quá hạn, báo cáo Thủ tướng
Tại buổi làm việc của tổ công tác Thủ tướng với UBND tỉnh Hà Tĩnh tuần qua, lãnh đạo tỉnh đã báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng về thực trạng này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiểm tra kho hải sản cấp đông tại Hà Tĩnh |
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lượng hải sản an toàn nhưng đã quá hạn, chất lượng xuống cấp hiện khá lớn. Nếu chỉ được hỗ trợ 30% thì người dân sẽ không đồng tình. Vì số tiền đầu tư lớn, do sự cố môi trường nên không bán được, dẫn đến quá hạn.
“Yêu cầu của các kho đông lạnh có hải sản quá hạn là chính đáng, mong Chính phủ quan tâm, xem xét nâng mức hỗ trợ cho đối tượng này”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, qua kiểm tra thực tế, có nhiều kho đông lạnh không đảm bảo quy trình cấp đông. Bộ trưởng yêu cầu Hà Tĩnh thành lập hội đồng, tách đối tượng này ra, kiểm kê và báo cáo Thủ tướng để có phương án.
“Qua kiểm tra tình hình hải sản tại các kho đông lạnh, tôi thấy người dân bức xúc, hải sản càng để lâu trong kho càng nhanh hỏng, không giải quyết ngay rất khó cho doanh nghiệp” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng giao Hà Tĩnh chịu trách nhiệm phân loại lượng hải sản tồn kho này, đồng thời báo kết quả Chính phủ trước ngày 20/12.
Lê Minh