Hàng loạt mỏ khai thác đá xây dựng tại Hà Tĩnh đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, phá sản do mức thu giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng quá cao. |
Trước những bất cập đó, ngày 20/12/2015, Hiệp hội các mỏ đá tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 18, trình Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các Sở ngành liên quan xem xét cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về mức giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng thông thường.
Công văn chỉ rõ, giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng thông thường do UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành số 59/2014/QĐ – UBND đối với đá xây dựng là 120.000đ/m3 là quá cao, không phù hợp với mức giá thị trường hiện tại trên địa bàn Hà Tĩnh (giá tính thuế tài nguyên cao hơn 35% giá bán thực tế tại thị trường đá xây dựng thông thường trên địa bàn Hà Tĩnh). Trong khi đó, mức thu giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng thông thường của các tỉnh Bắc Trung Bộ là thấp hơn rất nhiều so với tỉnh Hà Tĩnh (Thanh Hóa 80.000đ/m3, Nghệ An 50.000đ/m3, Quảng Bình 80.000đ/m3, Quảng Trị 80.000đ/m3…).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn áp dụng năm 2015 mức thu giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng thông thường tại văn bản đã ban hành số 59/2014/QĐ –UBND ra ngày 03/9/2014, là không phù hợp với quy định tại khoản 2, điểm a, Điều 4 của Nghị định Chính phủ số 50/2010/NĐ – CP ngày 14/5/2010, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế tài nguyên.
Công văn số 18 của Hiệp Hội các mỏ đá xây dựng tỉnh Hà Tĩnh gửi các Bộ ngành liên quan xin điều chỉnh lại mức thu giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng. |
Công văn của Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa áp dụng Công văn 651 của Tổng cục Địa chất về việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh. |
Tại Khoản 4, Điều 6 Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế tài nguyên số 105/2010/ TT- BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên phải đảm bảo phù hợp giá tài nguyên bán ra trên thị trường địa phương có tài nguyên khai thác và tham khảo thêm giá bán tài nguyên trên thị trường lân cận. Khi giá bán của loại tài nguyên có biến động tăng hoặc giảm 20% trở lên thì phải điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên …
Không những vậy, theo Điều 6.2 Luật Cạnh tranh ban hành năm 2014, thì việc tỉnh Hà Tĩnh tính giá thu thuế tài nguyên quá cao so với các tỉnh lân cận là không đúng, dẫn đến tính cạnh tranh không đảm bảo, phân biệt, đối xử giữa các doanh nghiệp tỉnh khác.
Trước đó, do cách tính thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản, giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn Hà Tĩnh theo Công văn hướng dẫn của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam còn nhiều bất cập ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, tài chính của các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn, Hội các Mỏ đá Hà Tĩnh đã có hàng loạt Công văn yêu cầu các Bộ, ban ngành liên quan xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Ngày 30/10/2015, Bộ TN&MT đã có công văn số 4617 yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa áp dụng công văn số 651/ĐCKS – KTĐCKS ngày 13/3/2015 của Tổng cục Địa Chất và Khoáng sản Việt Nam.
Ông Phan Xuân Hồng – Hội trưởng các Mỏ đá xây dựng Hà Tĩnh cho biết thêm: Ngoài những bất cập trên, hiện tại, tất cả doanh nghiệp khai thác đá xây dựng thông thường tỉnh Hà Tĩnh đang trong tình trạng vô cùng khó khăn vì thực hiện đúng chủ trương UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định theo Luật Khoáng sản nhà nước đã ban hành, chỉ cấp giấy phép khai thác cho doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng phải đầu tư từ 120 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng đáp ứng điều kiện quy định, trong khi đó thị trường tiêu thụ đá xây dựng thì giảm mạnh, giá bán đá giảm xuống 35% so với giá bán năm 2014, dẫn tới đa số doanh nghiệp đá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa mỏ, nguy cơ phá sản là rất cao…
Ông Phan Xuân Hồng – Hội các mỏ đá xây dựng Hà Tĩnh cho biết, những bất cập trong mức thu giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng dẫn tới tất cả doanh nghiệp khai thác đá xây dựng thông thường tỉnh Hà Tĩnh đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. |
Trước những bất cập nói trên, Hiệp hội doanh nghiệp đá Hà Tĩnh đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở ban ngành liên quan xem xét và chỉ đạo điều chỉnh lại mức giá tính thuế tài nguyên đá xây dựng thông thường cho phù hợp thị trường đá xây dựng tỉnh Hà Tĩnh. Để đảm bảo cho lợi ích chính đáng, hợp pháp, sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng tại Hà Tĩnh.
Đặng Sơn – Hà Vy