Người cựu chiến binh đó là ông Nguyễn Như Trinh (ngụ thôn 5, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) – nguyên Trưởng Ban liên lạc tình nghĩa, tình báo quốc phòng Hà Tĩnh.
Suốt 9 năm băng rừng, vượt suối đi tìm hài cốt liệt sỹ
Năm 1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Như Trinh lên đường nhập ngũ. Ông Trinh tham gia chiến đấu ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 74, Tổng cục Quốc phòng, Cục nghiên cứu Bộ Tham mưu.
Chiến tranh kết thúc, ông Trinh về công tác tại Ban liên lạc tình nghĩa, tình báo quốc phòng Hà Tĩnh. Lành lặn trở về bên gia đình và người thân, được sống trong cảnh đất nước hòa bình nhưng ông vẫn đau đáu niềm trăn trở về những người đồng đội, đồng chí của mình vẫn đang nằm lại đâu đó trên mọi miền tổ quốc.
Cựu chiến binh Nguyễn Như Trinh (bìa phải) đang kể cho PV về hành trình 9 năm đi tìm hài cốt liệt sỹ của mình. |
“Rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống, cho đến bây giờ vẫn chưa biết phần mộ của họ đang còn thất lạc nơi đâu. Nhiều đêm nằm ngủ, nhắm mắt lại là tôi lại thấy hình ảnh của các đồng đội hiện ra trước mặt nên tôi quyết định phải đi tìm hài cốt của họ để mong xoa dịu bớt nỗi đau của gia đình các liệt sỹ”, ông Trinh kể lại.
Không để ý nghĩ trôi qua, ông Trinh bắt tay vào làm. Năm 2006, ông lên huyện xin thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Tổng cục II và bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt đồng đội.
Ông thức trắng nhiều đêm nghiên cứu hồ sơ, địa hình, nơi các trận đánh diễn ra…để có thể xác định được vị trí các đồng đội của mình đã hy sinh. Khắp các chiến trường từ Quảng Trị cho đến Gia Lai, Đắc Lắc, Tây Ninh cả chiến trường Lào, Campuchia không có nơi nào ông không đặt chân tới.
Bản đồ xác định vị trí nơi các liệt sỹ đã hy sinh. |
Một trong những kỷ niệm mà ông không thể quên, đó là trường hợp liệt sỹ Nguyễn Đình Thục, hy sinh ở Dốc Miếu, Quảng Trị. Gia đình bà Đặng Thị Cháu mẹ của liệt sỹ đã đi tìm từ năm 2001 đến 2008 không có kết quả. Năm 2009, sau khi biết được thông tin, ông Trinh đã đến gặp gia đình bà Cháu để lục lại tất cả hồ sơ, giấy tờ và quyết tìm cho bằng được. Đến năm 2010, ông Trinh đã tìm được một phần mộ có tên là Nguyễn Đình Thục nhưng không có địa chỉ, nên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị không chấp nhận và yêu cầu phải tìm được 2 người làm chứng. Thế là sau đó, ông lại phải lặn lội ra Bắc để tìm lại các đồng đội của mình xác nhận. Và sau hai năm, ông Trinh mới hoàn tất thủ tục, đưa hài cốt của đồng đội về quê an táng.
Cách đây 4 ngày (tức ngày 22/7), ông Trinh vừa mới quy tập thêm một mộ liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị). Ảnh nhân vật cung cấp. |
“Việc ở trong rừng nhiều tháng là chuyện bình thường rồi. Đôi khi thiếu lương thực, tôi phải hái măng, rau dại ăn để cầm cự. Có lần không có tiền, tôi đã phải đưa sổ đỏ ra thế chấp ngân hàng để lấy tiền làm kinh phí. Nhưng mỗi lần tìm thấy được người đồng đội thì dường như mọi mệt mỏi trong tôi đều tan biến”.
Hình ảnh ông Trinh với chiếc ba lô trên vai cùng chiếc gậy Trường Sơn năm nào ngày ngày lặn lội đi tìm hài cốt liệt sỹ, đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Tính đến nay, ông Trinh đã tìm thấy 46 mộ hài cốt liệt sỹ là con em Hà Tĩnh đã chiến đấu hy sinh trên các chiến trường.
Đi xin tiền làm nhà tĩnh nghĩa cho gia đình liệt sỹ
Không chỉ đi tìm lại những người đồng đội đã khuất của mình, ông Trinh còn tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng…
“Năm 2009 tôi tình cờ tới thăm bà Luận ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, có con là liệt sỹ, cũng là người đồng đội của tôi. Chứng kiến ngôi nhà tranh xập xệ, dột nát, người mẹ già đã phải dùng tấm cánh cửa làm nơi đặt bàn thờ con, tôi bị ám ảnh. Lúc đó tôi muốn làm một điều gì đó để có thể giúp đỡ họ”, ông Trinh nhớ lại.
Những hình ảnh ông Trinh cùng cơ quan chức năng bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình các liệt sỹ. |
Hơn 1 tháng sau, ông đã đi vận động, quyên góp được số tiền 60 triệu đồng. Và sau đó, ông phối hợp với chính quyền địa phương cất cho bà một căn nhà khang trang.
Có trường hợp là gia đình mẹ liệt sỹ Đặng Thị Cháu ở thôn 14, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông đi khắp tỉnh để kêu gọi, vận động quyên góp nhưng do kinh tế khó khăn nên không quyên góp được bao nhiêu.
“Suốt một thời gian dài tôi không quyên góp được số tiền để làm nhà cho mẹ Cháu, tôi tưởng chừng như dự định đã đi vào bế tắc. Cuối cùng tôi quyết định đi vào trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) để vận động. Rất may, đơn vị này đã đồng ý ủng hộ cho tôi 80 triệu. Lúc đó cảm xúc trong tôi như vỡ òa”, ông Trinh hồi tưởng.
Rất nhiều Huân chương chiến công của Đảng và Nhà nước trao tặng cho ông Nguyễn Như Trinh. |
Đến thời điểm này, người cựu chiến binh tình báo Nguyễn Như Trinh đã vận động và xây dựng được 6 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sỹ (khoảng 80 triệu đồng/ngôi nhà) và hàng nghìn suất quà được trao tận tay những gia đình thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn, những nạn nhân chất độc màu da cam.
Khi được hỏi có khi nào ông thôi ý định không đi tìm mộ liệt sĩ nữa không, ông Trinh vui vẻ đáp: “Tôi không có năng lực siêu phàm, cũng không phải làm vì tiền mà là làm vì cái tâm mong muốn tri ân, đáp đền công ơn đối với người đã ngã xuống. Mỗi cuộc hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ đối với tôi là cả một chuyến đi đầy thiêng liêng và cao cả, công việc này có lẽ sẽ còn theo tôi đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay”.