Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh – Đất đẹp, người tài từ ngàn xưa

Hà Tĩnh là một trong 31 tỉnh được thành lập từ cách đây tròn 180 năm. Vị vua ra chiếu thành lập là Minh Mạng. Nhân dịp này cũng nên tìm hiểu về bối cảnh ra đời của Hà Tĩnh cũng như cội nguồn xa xưa của mảnh đất miền Trung này.



Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Ông lên ngôi lúc 30 tuổi. Trong 20 năm (1820-1840), ông đã có công cải cách nhiều mặt, trong đó có việc cải cách hành chính. Từ những đơn vị gọi là trấn, ông đã cho đổi thành tỉnh vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), cả nước có 31 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh được tách ra từ trấn Nghệ An. Đến nay, nhiều tỉnh mà Minh Mạng đặt tên, địa giới vẫn được giữ nguyên, chứng tỏ ông có được cái nhìn xa trông rộng về mặt địa chính trị.

Dưới triều Minh Mạng, với chính sách khai hoang lập ấp, đất đai bờ cõi được mở rộng nhất và hùng mạnh, vì thế mà ông đã đổi tên nước là Đại Nam năm 1838 để có thể sánh với nước Đại Thanh bên kia biên giới. Đất nước qua nhiều thế kỷ chiến tranh mà các vị vua đầu triều Nguyễn đã làm được một việc là mở rộng và thống nhất đất nước thì quả là một điểm son trong lịch sử dân tộc. Các nhà sử học gần đây khi đánh giá về nhà Nguyễn đã thấy bên cạnh cái tiêu cực của một triều đại thì vẫn có những công lao lớn đối với đất nước như vừa kể. Một số cuộc cải cách khác dưới thời Minh Mạng như cải cách đo lường, cải cách chế độ thi cử (thành lập Quốc Tử Giám ở Huế, mở thêm kỳ thi hội và thi đình để chọn lọc người tài), đều được dân tình ủng hộ.


Minh Mạng cũng là vị vua có lòng tự tôn dân tộc, khi sai đúc “Cửu đỉnh” (tức 9 cái đỉnh đồng) nay vẫn còn đặt ở sân Đại Nội, Huế. Những cảnh đẹp của nước Nam đều được khắc vào đỉnh. Ông cũng rất có ý thức về các vùng biển của ta khi cho khắc hình của biển Đông ở Cao đỉnh, biển Tây (tương đương vịnh Thái Lan) ở Chương đỉnh và biển Nam (tương đương với vùng biển Nam Bộ tiếp giáp với Indonesia) ở Nhân đỉnh. Hà Tĩnh cũng có một sản vật được khắc trên “Cửu đỉnh”, đó là núi Hồng Lĩnh.


Dưới thời Minh Mạng, thủy quân phát triển mạnh mẽ và cũng là thời gian mà các đội dân binh liên tục được cử ra giữ gìn và khai thác vùng quần đảo Hoàng Sa của tổ quốc.


Tỉnh Hà Tĩnh mới có lịch sử thành lập chưa đầy hai thế kỷ, nhưng trên mảnh đất này đã có cư dân khai thác từ lâu đời, có thể do thế đất hợp “phong thủy”, có núi Hồng Lĩnh phía đông và dải Trường Sơn phía tây để tựa lưng, có sông Lam và nhiều sông khác như sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, lại có cả biển Đông chạy dọc cả chiều dài. Người nguyên thủy thuộc nền văn hóa Sơn Vi có mặt ở di tích đền Huyện, huyện Nghi Xuân cách đây một vài vạn năm. Hậu kỳ thời đại đá mới và sơ kỳ thời đại kim khí – cách đây khoảng 4.000 năm – cũng có mặt tại Hà Tĩnh với các di tích như Xuân Viên, bãi Phôi Phối dưới chân núi Hồng Lĩnh.

C

Bình gốm của văn hoá Sa Huỳnh (đều tìm được ở di tích Bãi Cọi, huyện Nghi Xuân).

Cho đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nhiều xóm làng đã mọc lên ở Hà Tĩnh, nhất là dọc sông Lam, khi mà thượng nguồn của con sông này đã tìm thấy địa điểm khảo cổ Làng Vạc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) với nhiều trống đồng và đồ đồng quý giá, thì vùng hạ lưu cũng phải là nơi tụ cư người Việt cổ như di tích Vườn Chùa, Cồn Chườm, Đền Huyện, Hội Thống thuộc huyện Nghi Xuân. Những phát hiện này chứng minh dọc sông Lam đã có thuyền bè tấp nập ngược xuôi trao đổi vật phẩm. Việc người Hà Tĩnh trong thời văn hoá Đông Sơn đã thạo đi biển và làm chủ biển Đông đã được các nhà khảo cổ đề cập tới khi rìu đồng và giáo đồng của người Đông Sơn vừa được phát hiện dưới đáy biển Vũng Áng, nam Hà Tĩnh.


Đáng chú ý hơn nữa, vài năm gần đây, nhờ một sự phát hiện ngẫu nhiên, di chỉ Bãi Cọi đã được tìm thấy. Di chỉ này đã được khai quật hai lần và đã thu được nhiều hiện vật quan trọng. Di chỉ này đã tìm được khá nhiều hiện vật của nền văn hoá Sa Huỳnh như các công cụ sắt, nhiều đồ gốm bình, vò, nồi đặc trưng Sa Huỳnh. Cách thức chôn người quá cố cũng mang các yếu tố Sa Huỳnh. Đó là cách chôn nồi vò úp nhau, chôn người trong chum gốm… Hiện vật điển hình cho văn hoá Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy như loại khuyên tai 3 mấu nhọn. Các bằng chứng khảo cổ mới đây đã cho thấy Hà Tĩnh trong lịch sử cổ đại mang ý nghĩa là đầu cầu giao lưu văn hoá giữa Sa Huỳnh và Đông Sơn và chậm hơn một chút là giữa Chăm và người Việt (bằng chứng là tìm được khá nhiều giếng Chăm cổ trong địa bàn Hà Tĩnh).


Mảnh đất Hà Tĩnh đã gắn bó với lịch sử dân tộc từ hồi còn thuộc bộ Cửu Đức trong số 15 bộ thời Hùng Vương cho đến quận Nhật Nam, Hoan Châu, châu Nghệ An, trấn Nghệ An trong các triều đại phong kiến sau này. Nhiều anh tài nước Việt đã sản sinh ra từ mảnh đất Hà Tĩnh như: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xí, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Phan Huy Chú, Mai Thúc Loan, Đặng Dung, Ngô Văn Sở, Phan Đình Phùng… Trong số danh nhân có đại thi hào Nguyễn Du, được UNESCO phong tặng là danh nhân thế giới, có quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).


PGS-TS Trịnh Sinh

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP