Dự án đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nhưng mới đang ở giai đoạn tích nước chưa sử dụng, đập đã bộc lộ những sự cố ảnh hướng tới an toàn đập.
Đập Cồn Tranh thuộc Dự án Hồ chứa nước Xuân Hoa, được thực hiện tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, do Ban Quản lý Dự án Xây dựng cơ bản nghành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 102 tỷ đồng .
Mang tràn của đập bị rỗng ruột |
Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 thực hiện xây dựng Hồ chứa nước Xuân Hoa và hệ thống kênh mương, với tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, được khởi công từ năm 2005 đến năm 2010 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn 2 thực hiện bổ sung các hạng mục gồm Đập Cồn Tranh và hệ thống kênh mương để nhằm khai thác tối đa nguồn nước từ hồ Xuân Hoa (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân).
Để bổ sung thực hiện công trình của giai đoạn 2 này, tháng 3/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 541/QĐ-UBND bổ sung làm mới các tuyến kênh chính, kênh nhánh, đặc biệt là nâng cấp hồ chứa nước Cồn Tranh (cách hồ Xuân Hoa vài km về phía Đông Bắc).
Theo đó, ngoài làm mới 9 km kênh chính từ sau cống lấy nước hồ Xuân Hoa đến khu tưới xã Xuân Mỹ, 8 km các tuyến kênh nhánh để phục vụ tưới cho 375 ha đất nông nghiệp 3 xã: Xuân Hoa, Xuân Thành, Xuân Mỹ, Dự án còn nâng cao trình đập đất từ 19 lên 22 m, nâng cao trình ngưỡng tràn từ 16,44 lên 20,44 m để tăng dung tích chứa từ 0,77 triệu m3 lên 2,5 triệu m3 nước, với tổng mức đầu tư là 57 tỷ đồng.
Công trình được khởi công từ đầu năm 2009, do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Hà Tĩnh làm tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Tư vấn cơ sở Xây dựng hạ tầng làm giám sát và Công ty cổ phần Xây dựng Phát triển nông thôn 10, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành là đơn vị thi công.
Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2009, tuy nhiên cho đến nay, đập chính đã hoàn thành hơn 1 năm, nhưng công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng được vì hệ thống kênh mương dẫn nước vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi đó, tại khu vực xa tràn của đập chính đã xảy ra xói lở, mái đập đã nứt rất nhiều, buộc phải tháo nước để khắc phục. Tại thời điểm vào những ngày đầu năm 2014, đoàn công tác chủ đầu tư kiểm tra thì mang tràn của đập chính đã bị xói lộng với chiều rộng 1m, chiều cao 1m và đục lỗ tại mang tràn thấy rỗng, thân đập đã có hiện tượng nứt mái…
Đục lỗ mang tràn của đập chính thấy rỗng bên trong |
Nhằm khắc phục tạm thời để tìm giải pháp cũng như trấn an dư luận, Ban Quản lý Dự án đã không thể yêu cầu nhà thầu sửa chữa mà tự xoay sở.
Gói thầu này do 2 dơn vị thi công là: về thân đập do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Thành thi công, phần đập tràn do Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Nông thôn 10 thực hiện.
Ông Trương Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Nông thôn 10 cho biết, Công ty đã thi công đúng với tiêu chuẩn của thiết kế, song do tích nước sai quy trình cho nên đã xảy ra sự cố.
“Khi sự cố xảy ra, dù không phải do chất lượng của đập tràn, nhưng vì trách nhiệm, chúng tôi đã cùng với Ban Quản lý chung tay cùng khắc phục tạm thời, hiện tại, đang chờ các đơn vị họp bàn để xác định phần sai sót để tìm biện pháp khắc phục”, ông Quang nói.
Được biết, ngày 17/1/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 268/UBND-NL giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra thực tế để làm rõ trách nhiệm của Ban Quản lý Dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu đã để xảy ra vụ việc trên.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan tự bỏ kinh phí để khắc phục khẩn trương trước ngày 20/2/2014 và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/2/2014.
Song, điều đáng quan tâm là, với những sự cố đã xảy ra và các phương án khắc phục, vá víu như vậy, liệu có thể yên tâm về chất lương công trình Đập Cồn Tranh hay không vẫn là một dấu hỏi, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.
Cũng phải nói thêm rằng, hiện còn một số dự án do Ban quản lý Dự án Xây dựng cơ bản nghành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư đã vượt thời hạn hoàn thành, song đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Theo Đầu Tư – Thế An