Tin

Hà Tĩnh: Cuộc đua bán trú!

Thực tế chủ trương bán trú cho học sinh mầm non và tiểu học đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tuy nhiên bên cạnh cái được còn rất nhiều bất cập cần ngành Giáo dục Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh chung tay tháo gỡ, tránh biến chủ trương đúng đắn này phản tác dụng trở thành “chỉ tiêu thi đua” để lấy thành tích.

Hatinh24h Hatinh24h 01

Trường tiểu học Nam Hà.

Thiếu cơ sở vật chất vẫn cố bán trú

Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn khi đi vào thực hiện bán trú đều thiếu cơ sở vật chất (CSVC). Quá trình thực hiện lại không có lộ trình rõ ràng, làm bán trú thiếu đồng bộ, theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Theo nguyên tắc, trước tiên phải đảm bảo CSVC như hệ thống bếp ăn, phòng nghỉ, trang thiết bị phục vụ bán trú, hợp đồng chọn cô nuôi đủ điều kiện, rồi đến khâu cuối cùng mới tổ chức cho HS ăn. Nhưng rất nhiều trường vừa tổ chức ăn, vừa kiến thiết CSVC, có trường lại “ăn” trước, xây dựng CSVC sau. Còn nữa, chưa tuyên truyền cho phụ huynh một cách đầy đủ chính vì vậy nhiều phụ huynh vẫn còn “làm theo” mặc dù chưa hiểu hết những yếu tồ cần và đủ của hình thức này. Chính vì vậy một số trường tổ chức bán trú không những không đáp ứng được yêu cầu mà còn phản tác dụng.

Trường Tiểu học Nam Hà – TP Hà Tĩnh (Đường Đồng Quế, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) hiện có 676 học trò, theo chủ trương trường đã tổ chức bán trú cho học sinh, nhưng cơ sở vật chất lại rất yếu.

Sau 1 trận mưa sân trường ngập úng, nước chảy băng sân nhất là dãy phía sau.Học sinh không có nơi vui chơi và đi lại ngoại trừ hành lang lớp học. Khi chúng tôi đến sân trường vẫn còn những “ao” nước lênh láng chưa rút kịp.

Sân trường biến thành ao sau mỗi trận mưa.

Đã thực hiện bán trú nhưng bếp ăn của trường chưa đúng quy chuẩn, không theo quy tắc một chiều, khu vực sơ chế, phân chia thức ăn chưa tách biệt, nhà bếp ẩm thấp, bốc mùi.

Điều đáng nói nhất là khu vực vệ sinh của nhà trường, khi chúng tôi hỏi các em nhà vệ sinh ở đâu, sau khi chỉ dẫn nhiều học trò còn thè lưỡi “kinh khủng lắm cô ơi”. Quả thật như vậy, nhà vệ sinh rất bẩn, lối vào ghép những tấm tôn tạm bợ. Bên trong rác và chất thải dồn ứ rất mất vệ sinh. Với điều kiện như vậy 676 em sử dụng đã không thể chấp nhận được chứ chưa nói đến việc ở lại bán trú.

Nhà vệ sinh  676 học sinh dùng hằng ngày.

Ngoài các khoản BHYT theo chủ trương, nhà trường thu tiền xây dựng đối với khối 1: 850.000 đồng/em, khối 2: 800.000 đồng/em, khối 3: 750.000 đồng/em, khối 4: 700.000 đồng/em và khối 5: 650.000 đồng/em. Riêng tiền xây dựng bán trú: khối 1: 320.000 đồng/em, khối 2: 300.000 đồng/em, khối 3: 250.000 đồng/em, khối 4: 150.000 đồng/em và khối 5 là 100.000 đồng/em. Ngoài ra tiền dịch vụ bán trú: 120.000 đồng/em, và 280.000 cho 14 bận ăn trong 1 tháng.

Mặc dù đã huy động phụ huynh đóng góp số tiền cũng không phải là nhỏ nhưng các em vẫn không đủ phòng để học phải ngồi lớp ghép – 5 lớp 4 dồn lại 4 lớp.Ngồi ăn phải chen chúc, riêng lớp 3,4,5 phải ăn cơm trưa tại lớp.

Trường tiểu học thị trấn Hương Khê cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, trong tháng 9 trường phải tổ chức bán trú theo ngày, các em “thay nhau” bán trú bởi không đủ phòng, nhiều phụ huynh đau đầu vì không nắm được lịch cụ thể hôm nào ăn, hôm nào không để đón con em.

Nhà trường cho biết, nhu cầu bán trú khoảng 700 em, mặc dù nhà bán trú chỉ đủ 300 đến 400 em. Hiện với 605 em bán trú buộc nhà trường phải vận động lớp 4, lớp 5 thôi bán trú nhường các em lớp 1, 2, 3.

Sở không hỗ trợ CSVC, chỉ dựa vào địa phương, nhưng khả năng này rất khó vì hầu hết các địa phương trong tỉnh ngân sách có hạn, việc huy động phụ huynh đóng góp là tất yếu, điều này không những làm tăng gánh nặng cho cha mẹ học sinh mà còn dẫn đến tình trạng “lạm thu” với những danh mục các khoản đóng đậu dài dằng dặc hiện nay.

Phụ huynh rất cần bán trú?

Bán trú là chủ trương đúng đắn nhưng để học sinh bán trú trong điều kiện như vậy rất dễ xẩy ra những rủi ro đáng tiếc về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm. Những yếu kém này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý, ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập của các em. Trường tiểu học Nam Hà và trường tiểu học thị trấn Hương Khê không phải là hai ví dụ duy nhất mà chúng tôi ghi nhận được.

Học sinh ăn bán trú ngay tại lớp.

Cô Trần Thị Nhàn Hiệu phó Trường Tiểu học Nam Hà cho biết: “Nhu cầu bán trú của phụ huynh rất bức thiết, phụ huynh không thể đưa đón con em ngày 4 lần, họ không chủ động được công việc của mình nhất là những người làm công chức”. Tuy nhiên, có bao nhiêu phụ huynh khi tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất yếu kém của nhà trường còn tự tin cho con mình ở lại ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt tại đó?.

Phụ huynh rất cần bán trú, đúng! Việc phát triển trường bán trú để HS có chỗ học cả ngày, được ăn ở tại trường, giảm đi lại cho phụ huynh trong việc đưa đón con, giúp phụ huynh HS yên tâm công tác, lao động, góp phần phát triển KT-XH. Tuy nhiên chưa đủ CSVC đâu nhất thiết phải tổ chức bán trú tạm bợ như vậy? Và từ trước đến nay không có bán trú phụ huynh không thể bố trí công việc đưa đón con?

Khăn treo nhếch nhác.

Sở chỉ đạo quá gắt gao?

Trong văn bản hướng dẫn thực hiện và định hướng phát triển công tác bán trú Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh ghi rõ kế hoạch thực hiện:

“Đối với các trường đã tổ chức bán trú cho học sinh năm học 2014 – 2015 tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm đồ dùng, trang thiết bị đảm bảo an toàn thực phẩm để duy trì số học sinh đã ăn bán trú trong năm 2014 – 2015 và đón thêm các em học sinh năm học 2015 – 2016”. “Hoàn thành quy hoạch nhà trường, trong đó chú trọng xây dựng khu bán trú hiện đại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với phòng bếp, phòng ăn, phòng ngủ và phòng học riêng biệt”.

Sân chơi bên cạnh hồ nước đọng rất nguy hiểm cho các em học sinh.

Chỉ tiêu đề ra: “Năm học 2015 – 2016, toàn cấp học phấn đấu 267/267 trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học tổ chức cho học sinh bán trú. Trong đó có ít nhất 70% số học sinh lớp 2 và trên 85% học sinh lớp 1 được bán trú”. “Duy trì số học sinh các lớp 1,2,3,4 đã tham gia bán trú trong năm học 2014 -2015 tiếp tục ăn bán trú trong năm học 2015 – 2016”.

Không có quy định nào của Sở Giáo dục đào tạo về việc chưa hoặc dừng tổ chức bán trú đối với những trường có cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu mà chỉ chú trọng đặt chỉ tiêu tỷ lệ học sinh bán trú. Năm học 2015 – 2016 trong 267 trường đó có bao nhiêu trường được các cơ quan ban ngành đánh giá, rà soát, kiểm tra chất lượng đủ cơ sở vật chất để thực hiện bán trú cho học sinh?

Các em phải nghồi chật trên một chiếc bàn để ăn bữa cơm trưa bán trú.

Nhiều lãnh đạo trường và phòng giáo dục phải “than” khổ vì “cấp trên chỉ đạo quá gắt gao”.  Trong khi thiếu CSVC Sở GD đề ra“chỉ tiêu thi đua” như vậy khiến nhiều trường phải “lao đao”. Thiết nghĩ đó là một loại bệnh thành tích mà ngành giáo dục nên loại bỏ. Không nên coi bán trú là 1 tiêu chí xét thi đua để các trường phải gồng mình “bán trú bằng được” dù không đủ điều kiện. Và cuối cùng học sinh phải bán trú trong điều kiện thiếu thốn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; phụ huynh phải gồng mình đóng đậu; các thầy cô phải tích cực “vận động” học sinh bán trú cho đủ chỉ tiêu.

Thừa nhận việc xây dựng trường bán trú khó khăn một phần xuất phát từ sự thiếu tầm nhìn chiến lược của những nhà quản lý giáo dục. Có nhiều trường sau khi được đầu tư xây dựng khang trang, những dãy phòng học cấp 4 cũ trở nên thừa bị đập bỏ, khi thực hiện mô hình bán trú, cần sử dụng thì không có. Chủ trương ghép trường cũng làm nhiều cơ sở bị bỏ hoang, đến khi chuyển đến cơ sở mới lại không có kinh phí xây dựng.

Trước những bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương bán trú sẽ cần nhiều hơn nữa sự chung tay của các cấp quản lý, nhà trường, phụ huynh để bán trú mang lại ý nghĩa đúng đắn, nhân đạo như chính ngành Giáo dục, tránh chạy đua thành tích.

Hải Đăng – Thiên Phú/VTOTO

(theo Đại Lộ)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP