Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Công tác hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự

Giao dịch giấy tờ có yếu tố nước ngoài tăng

Đoàn cán bộ Sở Ngoại giao tỉnh Bôlykhămxay (Lào) làm việc với Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh năm 2011.
Hà Tĩnh là một trong số ít tỉnh, nếu không muốn nói là tỉnh đầu tiên được Bộ Ngoại giao tin tưởng ủy quyền công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự tại địa phương; cơ sở dữ liệu về tiếp nhận hồ sơ hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự tại địa phương được kết nối và đồng bộ hóa với Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao, thông qua mạng máy tính thường xuyên được cập nhật. Việc tiếp nhận trực tiếp hồ sơ tại địa phương là một bước tiên phong, mang tính đột phá, tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhân dân khi có nhu cầu, giảm thiểu các chi phí gián tiếp về đi lại, chờ đợi không đáng có.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 2.221 người lao động nước ngoài đang làm việc tại 95 cơ sở, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1.101 người được cấp phép lao động; số còn lại đang làm thủ tục cấp phép hoặc không thuộc diện phải cấp phép. Năm 2014, ước tính có thêm khoảng 5.000-7.000 lao động nước ngoài sẽ vào làm việc cho các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài tại Hà Tĩnh. Có khoảng 35.572 người Hà Tĩnh đang làm việc, sinh sống ở ở 56 quốc gia khác nhau, tăng khoảng 2.000 người/năm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, các con số nêu trên hứa hẹn giao dịch giấy tờ có yếu tố nước ngoài chắc chắn sẽ ngày một tăng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, con số các đề nghị tiếp nhận hồ sơ hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự đang triển khai tại Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh, thông qua Trung tâm Dịch thuật và Dịch vụ Đối ngoại Hà Tĩnh, mặc dù đang gia tăng nhưng chưa phản ánh đúng cầu thực tế, chưa phát huy hết tác động tích cực vốn có tới doanh nghiệp và nhân dân khi họ có nhu cầu chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự tại địa phương.

Làm sao để thuận đường?

Theo Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 5 tháng 12 năm 2011, “Chứng nhận lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Sở ngoại vụ thành phố Hồ chí Minh, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài) chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng ở nước ngoài; “Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Hiểu rộng ra, việc hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự cũng là quy trình tương tự được thực hiện bởi Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện nước ngoài của các nước bạn đối với việc chứng nhận tính xác thực của chữ ký, chức danh, con dấu trên giấy tờ tài liệu của nước đó để sử dụng ở nước ngoài hoặc chữ ký, chức danh, con dấu trên giấy tờ của nước khác để sử dụng ở nước đó.

Với cách hiểu như vậy, để một giấy tờ của nước A được sử dụng hợp pháp ở nước B, nếu hai nước không ký hiệp định cho phép miễn trừ hợp pháp hóa, thì một giấy tờ đó phải được chứng nhận lãnh sự bởi Bộ Ngoại giao nước A hoặc bởi cơ quan được Bộ Ngoại giao nước A ủy quyền và đồng thời phải được hợp pháp hóa lãnh sự bởi Bộ Ngoại giao nước B hoặc cơ quan có thẩm quyền được Bộ Ngoại nước B ủy quyền. Hiện nay, với sự ủy quyền của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại các địa phương trong đó có Hà Tĩnh, quy trình hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự giấy tờ cho doanh nghiệp, cá nhân đã thuận lợi được nửa đường; doanh nghiệp và cá nhân trong một số trường hợp vẫn phải ra Hà Nội để thực hiện nốt nửa đường còn lại với các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước bạn.

Là cán bộ trực tiếp quản lý và thực hiện hoạt động tiếp nhận hồ sơ đề nghị hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự tại địa phương, tôi nhận thức đầy đủ và sâu sắc về hiệu quả và tác động tích cực của việc ủy quyền cho địa phương và lợi ích của nó mang lại cho doanh nghiệp và nhân dân.

Mong muốn rằng, trong các hoạt động hợp tác, phối hợp song phương, đa phương với các cơ quan làm công tác lãnh sự của các nước bạn tại Việt Nam và ở các nước, Bộ Ngoại giao có thể mở nốt nửa đường còn lại theo một cách thức phù hợp nào đó. Có thể là cơ chế các cơ quan đại diện ngoại giao các nước bạn ủy quyền cho cơ quan đối ngoại địa phương như Bộ Ngoại giao đã thực hiện với Hà Tĩnh, có thể là cơ chế không buộc đương đơn phải có mặt để nộp hồ sơ hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự nói riêng và các giấy tờ lãnh sự nói chung, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhân dân ở các địa phương sử dụng dịch vụ ở địa phương với chi phí thấp nhất, lợi ích cao nhất.

Cũng mong rằng, hoạt động tiếp nhận hợp pháp hóa và chứng nhận lãnh sự ở địa phương còn phát triển xa nữa. Cán bộ làm công tác lãnh sự ở địa phương có thể được “đi sứ” tới Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để thực tập tốt hơn nữa nghiệp vụ và “đi sứ” thực sự ở nước ngoài.

Nguyễn Thị Thanh Phúc
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch thuật và Dịch vụ Đối ngoại, Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP