Đơn của nhiều người dân xã Kỳ Thượng cho biết, trước đây chưa có cầu Nhà Cộ và cầu Bến Sắt, người dân ở đây như sống giữa ốc đảo, về mùa mưa con em họ đến trường phải đi vòng sang xã Kỳ Lâm dài thêm vài chục cây số; mưa dài ngày học sinh phải nghỉ học; cuộc sống của họ còn nhiều cơ cực. Sau khi có 2 cầu trên, học sinh trong vùng vẫn được Nhà nước hỗ trợ tiền theo chế độ của Chương trình 135 của Chính phủ, nhưng gần đây xã chỉ đạo nhà trường cử giáo viên đi đo đường làm căn cứ để không phát tiền hỗ trợ nói trên cho nhiều học sinh.
Người dân xã Kỳ Phương thắc mắc: Tại sao khi chưa có cầu xã không trả tiền đò cho các em học sinh, nay lại “xui” nhà trường dùng xe máy đi đo đường để cắt tiền chế độ mà con em của họ có quyền được hưởng? Trong khi các xã Kỳ Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Lâm… có nhà gần bên nách trường cũng được nhận tiền trợ cấp, hỗ trợ trên. Không những thế, dân ở các xã trên được nhận từ trong năm 2017, chứ không phải như ở xã Kỳ Thượng nhận tiền về ngâm gần 3 tháng, lại còn tìm cắt chế độ của dân (?!)…
Theo phản ánh của các hộ dân ở xóm 1 và xóm 8, xã Kỳ Thượng có con em bị cắt không được hưởng chế độ theo Chương trình 135, theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016, trước đây người được hưởng chế độ chỉ nhận được 60 kg gạo/năm, nhưng thực tế ở trên cấp về là 15kg/ tháng, không biết số còn lại đi đâu? Lúc nhận gạo cô thầy yêu cầu các phụ huynh làm đơn, để sau này có tiền hỗ trợ thì đến nhận. Sau 3 năm, nay mới có tiền về xã, thì bảo nhà em nào cách trường đủ cây số mới được nhận tiền (cấp I phải đủ 4 km, cấp II là 7km). Do đó nhiều hộ thiếu ki-lô-mét, nhà trường không cho nhận. Họ cho rằng, nói thì sợ mất lòng các cô thầy và cán bộ xã; sợ bị trù dập, mà không nói thì bị thiệt thòi.
Học sinh xã Kỳ Thượng ở bên kia sông đi học khi chưa có cầu |
Trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi, ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: Thực hiện các nghị định, quyết đinh, thông tư từ cấp Trung ương đến tỉnh, việc cấp tiền các học sinh được hưởng theo chế độ có một số hộ bên kia sông, sau khi hoàn thành cầu Nhà Cộ (năm 2014), cầu Bến Sắt (năm 2015), thì xóm Bắc Tiến và Phúc Thành đo lại không đủ 4km bậc tiểu học, 7 km trung học cơ sở, nên có một số em trước đây đã nhận gạo, nay không nhận được tiền.
Theo thầy Nguyễn Văn Mày, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Kỳ Tân, lúc đầu khi mới chuyển tiền về nhà trường định trả tiền theo danh sách cấp gạo như trước đây, nhưng sau đó có một số người thắc mắc, nên phải rà soát lại theo đúng chính sách đủ 7km tính từ nhà đến trường mới được hỗ trợ. Danh sách được hưởng năm 2015 là 24 em, năm học 2015-2016 là 12 em, năm 2016-2017 là 12 em. Hiện do một số phụ huynh yêu cầu, nên nhà trường đang xem xét, kiểm tra bổ sung.
Thầy Võ Tá Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Thượng cho rằng: Thực hiện theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cấp gạo 5 thôn, trong đó có thôn Phú Lộc (xóm 10), Phúc Sơn (xóm 9), Bắc Thành 2 (xóm 8B), Bắc Tiến (xóm 1), Tân Tiến (xóm 4), số còn lại dưới 4km là đối tượng khó khăn, qua sông suối, không về nhà trong ngày được, chỉ được cấp gạo, còn các chi phí khác người dân phải tự lo. Số gạo được cấp là 15kg/em/9 tháng = 135kg. Nay tiền trợ cấp lần này thực hiện theo Quyết định số 85/2010 và Thông tư liên tịch số 65/2011, đến năm 2016, Nghị định số 116 lại quy định chung tiền và gạo, dưới 4km đối với cấp tiểu học không được hưởng, nên nhà trường phải thực hiện. Trường đã có cuộc làm việc với Phó Chủ tịch UBND, Trưởng phòng Tài chính huyện, sau khi cấp phát xong, số tiền còn lại trả về kho bạc huyện, chứ nhà trường giữ lại.
Trong buổi làm việc với phóng viên, các thầy hiệu trưởng và Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng trả lời quanh co, không giải đáp thỏa đáng những yêu cầu của người dân trong việc cắt tiền hỗ trợ cho các em học sinh.
Nói về lí thì việc đo đoạn đường bằng xe máy đã chính xác chưa(?!) Dù 2 chiếc cầu đã rút ngăn khoảng cách, nhưng an toàn tính mạng cho người dân cũng chưa bảo đảm, chỉ trận mưa lớn nước đã tràn qua cầu, có khi ngập thành cầu vài ba mét, không bảo đảm việc đi lại của người dân. Phụ huynh muốn bảo đảm tính mạng cho con em mình, khi mưa to phải đi sang xã Kỳ Lâm rồi ngược lên phải mất hàng chục ki-lô-mét. Bên cạnh đó, đời sống của Nhân dân vẫn còn thấp, thu nhập chưa ổn định.
Nói về tình thì Nhà nước đã chuyển tiền về trong năm, mà chính quyền xã và nhà trường không cấp phát cho người dân, lấy cớ sổ sách chưa hoàn thành,… nhưng qua đó đủ để khẳng định cán bộ làm không hoàn thành trách nhiệm, thiếu trách nhiệm đối với dân.
Qua vụ việc trên, đề nghị các cấp quyền, các ngành liên quan của huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh soi xét, tạo điều kiện để Nhân dân ở vùng khó khăn được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, giúp họ có cuộc sống an bình, sung túc hơn
Tác giả: Trần Đông
Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn