Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép ngang hoạt động trong khu dân cư

Trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thời gian gần đây xuất hiện các cơ sở sản xuất dăm gỗ tự phát, hoạt động công khai, rầm rộ mà không bị xử lý.

Theo đó, trên địa bàn xã Hương Long (Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện tồn tại một số cơ sở chế biến - sản xuất lâm sản, sản xuất gỗ dăm nằm ngoài khu vực quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và khói bụi ngày đêm “hành dân”.

Qua tìm hiểu, hiện tại xã Hương Long có các cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp và Dịch vụ Vân H; Công ty TNHH Hướng H; Công ty Hoàng Sơn H… là các cơ sở chế biến lâm sản lớn.

Trong số này, Công ty Hoàng Sơn H là cơ sở khá quy mô, ngày đêm sản xuất gỗ băm dăm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo người dân địa phương, đây là cơ sở hiện do một người tên Đ. (thị trấn Hương Khê) làm chủ.

Một cơ sở chế biến lâm sản có hoạt động sản xuất gỗ dăm trái phép tại xã Hương Long, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tại cơ sở này mỗi ngày có hàng chục tấn gỗ được đưa vào sản xuất chế biến thành dăm gỗ, tiếng ồn ào của máy cưa gỗ, khói bụi từ gỗ dăm bay mù mịt khắp nơi khiến cuộc sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Được biết cơ sở này trước đây là của công ty khác nhưng đã bị UBND tỉnh có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động, tháo dỡ nhà máy và nhiều cán bộ liên đới bị xử lý kỷ luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa bàn xã Hương Long không được quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến gỗ băm dăm, tuy nhiên vẫn có nhà máy ngang nhiên mọc lên và tồn tại nhiều năm trời khiến người dân bất bình, không hiểu vì sao chính quyền địa phương cùng các ban ngành chức năng liên quan lại “làm ngơ” cho các cơ sở này ngang nhiên hoạt động mà không có hình thức xử lý?

Các cơ sở này sản xuất gỗ dăm qua tất cả các công đoạn từ bóc keo vỏ, xay dăm, hoạt động liên tục suốt ngày đêm…chưa tính đến tính hợp pháp hay không nhưng môi trường xung quanh đang phải hứng chịu bụi bặm từ các cơ sở sản xuất này.

Bà Nguyễn Thị T. một người dân sống tại xã Hương Long, cho biết: “Mấy công ty băm dăm hoạt động từ hơn năm rồi, ngày trước thấy dừng một thời gian, không khí dễ thở hẳn, tự dưng không hiểu sao nhà nước lại cho về đây làm tiếp. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã dời các nhà máy này, tránh việc ô nhiễm môi trường, bụi bặm cho người dân sống xung quanh nhà máy nhưng chưa thấy chính quyền xử lý”.

Làm việc với một số cơ quan liên quan như hạt Kiểm lâm, phòng Nông nghiệp huyện, Chi cục Kiểm lâm huyện Hương Khê, sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh được biết, các nhà máy này tự phát, ko được cấp phép, không nằm trong quy hoạch chế biến gỗ theo QĐ 111-UBND ngày 09/01/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản tại huyện Hương Khê đang có nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian qua

Cũng theo tài liệu từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh thì các đơn vị nêu trên có đăng ký kinh doanh, tuy nhiên ngành nghề trong đăng ký không hề có sản xuất dăm gỗ, vậy liệu nghĩa vụ thuế của các đơn vị này đối với nhà nước đã đúng hay chưa?

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 786/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành ngày 18/03/2019 nêu rõ: “Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, gắn với khai thác rừng bền vững, du lịch sinh thái. Tập trung phát triển hình thành các vùng liên kết trồng rừng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm gắn với Nhà máy chế biến gỗ (MDF, HDF) tại Vũ Quang; đẩy nhanh kế hoạch đầu tư đưa vào hoạt động Nhà máy gỗ MDF, OSP, OKAL thứ 2 tại Khu Kinh tế Vũng Áng của Công ty Thanh Thành Đạt; ngừng việc cấp mới và không tiếp tục cho gia hạn hoạt động đối với các nhà máy, doanh nghiệp chế biến gỗ dăm, gỗ băm dăm sau khi hết hạn giấy chứng nhận đầu tư theo quy định; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm gỗ chế biến xuất khẩu, góp phần phát huy lợi thế kinh tế từ rừng và đất lâm nghiệp, nâng cao đời sống người dân sống gần rừng, góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững”.

Các nhà máy chế biên gỗ dăm “đặt nhầm chỗ” ngoài quy hoạch đã khiến cho cuộc sống người dân xã Hương Long bị ”tra tấn” bởi tiếng ồn và sự ô nhiễm. Để chấm dứt tình trạng trên, cơ quan chức năng tỉnh và địa phương huyện Hương Khê cần vào cuộc mạnh mẽ để chấm dứt hoạt động của những cơ sở sản xuất dăm gỗ tự phát này.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Gia đình Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP