Địa Chí Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chuyện về cụ bà gác đền trên đỉnh Hoành Sơn Quan

Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, nhưng ở đâu đó xung quanh chúng ta vẫn xuất hiện những con người hết sức đặc biệt, họ dám hi sinh một cách thầm lặng những quyền lợi của mình hiến dâng cho xã hội mà không mảy may đòi hỏi một điều gì. Câu chuyện dưới đây là một tấm gương sáng như vậy, một cụ bà rất đỗi bình thường những đã làm một việc phi thường mà ít ai làm được.


Di tích Cổng Hoành Sơn Quan
Ăn cơm nhà, làm việc thiện
Bà là Nguyễn Thị Ngùy ở xã Kỳ Nam – Thị xã Kỳ Anh – tĩnh Hà Tĩnh, người năm nay đã ngoài 80 tuổi  nhưng  vẫn âm thầm trong suốt gần 30 năm qua sinh sống trên đỉnh đèo Ngang để chăm sóc bảo vệ di tích cổng Hoành Sơn Quan.

Được nghe câu chuyện kể về bà đã lâu những mãi tới một buổi chiều giữa tháng 4/2016 tôi mới có dịp tiếp xúc với con người đặc biệt này.  Nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo xã Kỳ Nam, tôi ( PV ) cùng anh Nguyễn Ngọc Oanh cán bộ phụ trách văn hóa xã  lên thăm bà trên đỉnh dãy Hoành Sơn dưới cái nóng đầy khó chịu ở xứ sở miền Trung đầy nắng và gió này. Vượt qua chặng đường đèo dốc gần 10 cây số, chúng tôi đặt chân trên đỉnh Hoành Sơn khi trong người đã thực sự thấm mệt. Trước mắt tôi là cổng Hoành Sơn Quan , công trình được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1833 trên đỉnh núi Hoành Sơn – Đèo Ngang giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Hoành Sơn Quan vẫn đứng uy nghi vững chãi như vậy dẫu trải qua bao thăng trầm lịch sử, vẫn trấn vũ tỏa bóng mát cả một vùng trời. Ở bên cạnh là túp lều của bà Ngùy được dựng cất đơn sơ, những tấm tôn lợp qua loa đã xỉn màu hoen gỉ vẫn cố làm nhiệm vụ che nắng che mưa cho bà trong năm tháng bà ở nơi đây. Thấy cửa túp lều khép hờ, anh Oanh (cán bộ văn hóa xã) bảo chắc bà đang đi đâu đó xung quanh khu vực để hái củi về nấu cơm.

Túp lều bà Nguyễn Thị Ngùy dùng để ở
Vậy là hai chúng tôi  ngồi đợi bà về, những đợt gió lào thổi rít từng cơn dưới cái nắng oi nồng mái tôn túp lều của bà ở rung lắc từng hồi như muốn cuốn bay theo làn gió. Gió thổi bật tung cánh cửa túp lều của bà, hơi nóng  phả ra hầm hập, tiện thể tôi đưa mắt quan sát trong lều, chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc chõng tre nhỏ bé là chiếc giường bà vẫn dùng để nằm ngủ trong những năm qua, vài ba cái nồi bà dùng nấu thức ăn và 3 bình đựng nước đã cạn. Trên nền túp lều là những xác bao mì tôm và  chiếc bếp củi đã tắt lửa từ lâu. Anh Oanh bảo ở đây cái gì cũng thiếu thốn, đặc biệt là nước sạch, muốn lấy phải đi xuống tận chân núi hoặc đi về nhà xách lên. Chúng tôi thật sự khâm phục bà, bởi nhìn những gì đang có thật sự là quá khổ cho cụ bà đã 80 tuổi nhưng  vẫn bám trụ nơi đây để chăm sóc và bảo vệ di tích Cổng Hoành Sơn Quan.

Vật dụng bên trong túp lều
Thế mới biết cuộc đời luôn có những con người dám chịu hi sinh và đáng để được tôn vinh trước khi quá muộn. Đang suy nghĩ miên man và tìm câu trả lời tại sao và điều gì lại có thể giúp một cụ bà tuổi “ xưa nay hiếm” ngày ngày sinh sống ở nơi này thì anh Oanh bảo “em vừa gọi điện về nhà bà,  hôm nay bà về dưới nhà anh à”. Anh Oanh bảo tôi đợi để anh chạy xe về chở bà lên, nhưng tôi không đồng ý vì sợ nhỡ đâu bà đang ốm đau về nhà nằm nghỉ như vậy lại làm tội cho bà. Chúng tôi vội khép cửa túp lều cho chắc chắn để tránh việc trâu bò vào phá, rồi vội cho xe chạy về để kịp gặp bà trong buổi chiều. Ra về mà lòng nặng trĩu nỗi lo túp lều này, thời tiết này .v.v làm sao đảm bảo cho bà sinh sống vào những ngày hè nắng cháy thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Về tới nhà bà, khác với túp lều trên cổng Hoành Sơn Quan, ngôi nhà nhỏ của bà nằm cạnh bên UBND xã và được 6 người con gồm 4 gái và 2 trai của bà xây dựng từ lâu thật gọn gàng và sạch sẽ. Trong nhà đầy đủ tiện nghi cho bà sinh hoạt lại ở gần con cháu ấy vậy mà bà chỉ ở vài hôm rồi lại lên túp lều trên núi. Chưa kịp nhấp vội ly nước chè vằng bà đem cho thì nghe bà bảo “chú nỏ phải phóng viên ở TW hè” tôi cười bảo “làm sao bà biết” thì bà bảo vì bà nghe giọng nói là biết người Hà Tĩnh ở lân cận đâu đây. Đúng thật, dù đã ngoài 80 nhưng bà còn rất khỏe và minh mẫn, có lẽ ông trời cho bà sức khỏe để bảo vệ chăm sóc di tích cổng Hoành Sơn Quan chăng?. Rồi bà kể vào những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó di tích Cổng Hoành Sơn Quan hoang vu lắm, cây cối mọc um tùm không có lối đi và cũng chẳng có ai quan tâm. Xót xa trước một di tích lịch sử quan trọng dễ bị lãng quên và ngày một xuống cấp, chồng của bà là ông Bùi Đức Bản lúc bấy giờ đã tự mình lên dọn dẹp sửa sang lại di tích Cổng Hoành Sơn Quan. Thấy ngày ngày chồng đi dọn dẹp một mình vất vả bà thương và thấy việc làm có ý nghĩa nên bà cũng làm theo.
Bà Nguyễn Thị Ngùy đang kể chuyện với phóng viên
Như một lời tri ân với di tích huyền thoại, tri ân với đại ngàn Đèo Ngang sừng sững vi vu với nắng, gió. Dưới chân núi Hoành Sơn Quan, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh lúc bấy giờ thường xuyên xuất hiện đôi vợ chồng già ông Bùi Đức Bản và bà Nguyễn Thị Ngùy, cứ ngày ngày lặn lội gần chục cây số từ nhà lên khu di tích để quét dọn, sửa sang. Lấy gió ngàn vi vu làm bạn, lấy cỏ cây để làm nhà. Và như vậy trong suốt gần 30 năm qua, vợ chồng ông Bùi Đức Bản và bà Nguyễn Thị Ngùy không kể ngày mưa hay nắng cứ vào buổi sáng hàng ngày đã lên đây chặt cây dại, quét dọn khu di tích Hoành Sơn Quan. Thậm chí, nhiều đêm mưa gió bão bùng hai ông bà đã thức trọn đêm để cùng bảo vệ di tích. Chả thế mà nhiều người ví von ông bà lão như là tri kỷ của Hoành Sơn Quan vậy. Trước việc làm không giống ai như trên, không ít người hỏi ông bà nghèo thế làm lụng kiếm ăn qua ngày chưa đủ sao lại làm cái việc không công của thiên hạ này. Tuy nhiên, ông bà chỉ cười: “Người ta cứ hay quan tâm đến chuyện công cán, lợi ích. Làm chi có ai thuê, ai nhờ đâu, chỉ biết xót xa trước sự lãng quên một di tích quan trọng nên tự mình làm vậy, càng ngày càng thấy yêu và quý nó hơn, không đi làm là bụng dạ không yên. Chứ không di tích Hoành Sơn Quan bao năm nay rừng hoang, cỏ rậm, cần người dọn dẹp, dâng hương cho khỏi lạnh lẽo, không ai làm thì sẽ thành phế tích thôi”

Rồi ngày này qua ngày khác, hai ông bà ròng rã làm cái việc mà thiên hạ cho là “vô công rồi nghề, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Hai ông bà dậy từ lúc sáng sớm, tay cầm rựa, tay kia cầm hương, vai khoác can nước, rời nhà, leo tuốt lên đỉnh đèo. Ông chặt cây, mở đường, dọn cỏ, xếp đá… lủi thủi thân già từ sáng sớm đến tối mịt, còn bà lo quét dọn di tích. Thức ăn của họ may ra chỉ là nắm cơm vắt và chút ít cá khô, ấy thế mà vẫn thấy vui và khỏe. Lâu lâu ông bà lại xin tiền con cái, tằn tiện chi tiêu mua lư hương, bát nước, cái chổi, ngày ngày chăm chút cho cả khu di tích nổi tiếng sạch đẹp và ấm áp hương khói, mở  lối cho khách du lịch thập phương đến tham quan ngày một đông. Và ít năm sau, ngành du lịch Hà Tĩnh cho trùng tu lại Hoành Sơn Quan, đền thờ bà Công chúa Liễu Hạnh và một số cụm di tích khác trên đỉnh đèo để bảo quản.

Nhưng rồi vào năm 2000 chẳng may ông lâm trọng bệnh rồi qua đời, trước lúc lâm chung ông cố nắm tay bà và căn dặn: “Nếu ai có nói gì thì kệ họ, tôi cũng đã hết sức rồi, nếu tôi có mệnh hệ nào thì bà nhớ thay tôi chăm sóc di tích Hoành Sơn Quan, chứ đừng để hoang, lãnh lẽo là tội lắm…” Ghi nhớ lời ông dặn từ đó cho đến nay một mình bà vẫn ngày ngày sinh sống ở túp lều nhỏ để chăm sóc và bảo vệ di tích. Sau khi ông mất vì lo tuổi cao sức yếu, chỉ còn lại một mình , nên 6 người con của bà đã yêu cầu bà không làm việc đó nữa, nhưng chỉ được vài hôm bà lại ngước nhìn lên bàn thờ ông, dường như bà cảm nhận ông lại nhắc nhở bà đừng bỏ dở công việc có ý nghĩa mà mình đã làm suốt bao nhiêu năm qua, nghĩ thế là bà lại chuẩn bị tư trang để đi. Thấy bà ngày một vui hơn, khỏe hơn trước công việc trên nên dần dần các con cũng không phản đối nữa. Bà kể và rưng rưng lệ “Tôi nhớ ngày ông còn sống, ông khóc vì thấy khu di tích này hoang phế. Hằng ngày, tôi phải canh chừng tụi con nít, chúng nó hay đùa nghịch, chặt cây, phá phách mái chùa, hương đèn, cho trâu bò  ăn cỏ, đi lại bừa bãi. Khách tham quan ăn uống xả rác khắp nơi”. Ngày nào tôi cũng phải nhặt nhạnh, dọn dẹp và nhắc nhở họ. Người tốt thì xin lỗi, số khác thì  tỏ thái độ không ưa: “Bà có phải nhân viên du lịch đâu mà yêu cầu khách phải giữ vệ sinh?”. Song bà không để bụng “Tôi gom vỏ bia, bao nilông, đem xuống bán cho mấy người đồng nát, góp từng đồng để mua hương đèn thắp tưởng nhớ đến các vị tiền nhân đã có công xây dựng lên di tích này, đồng thời cầu mong cho quốc thái dân an, thu hút khách thập phương đến tham quan chiêm bái.v.v ”. Thế là tưởng hôm nay bà xuống nhà vì ốm nhưng không phải, mà hôm nay hết gạo nên bà về lấy để đem lên, nhưng đang đợi anh con trai đi làm về rồi chở bà lên. Bà bảo mới về mà lòng lại thấy nhớ trên đó rồi, muốn lên ngay chứ ở nhà không yên. Hiểu được ý nghĩa to lớn của bà làm nên các con và các cháu đều hết sức ủng hộ và tạo điều kiện cho bà. Tôi hỏi nửa đùa nửa thật thế các anh chị sinh con thì bà có bế cháu được nhiều không, bà cười bảo “cố gắng lắm thì được đứa vài ba hôm là thôi, biết mẹ nó chăm sóc được nên tui lại lên trên đó, rứa mà đứa cháu mô cũng  yêu quý bà cả”.

Chỉ ước có được túp lều chắc chắn hơn
Khi PV hỏi bà có điều chi trăn trở  không, bà bảo đến giờ bà mãn nguyện rồi, di tích ngày một khang trang sạch đẹp, du khách tới thăm viếng ngày một đông, nhất là các đôi bạn trẻ lên đây chụp ảnh cưới cũng rất nhiều..vv. Bà cười nói “nhưng giờ chỉ ước có túp lều nó chắc chắn hơn, chứ túp lều đó giờ hư hỏng lắm, đến mùa mưa gió, nắng nóng không đảm bảo. Mưa to gió tạt vào ướt hết, ngày đông thì rét mà ngày hè thì nóng không chịu nổi, phải ra bụi cây để tránh nắng.” Cuộc sống vất vả khó khăn là vậy, nhưng bà bảo bà sẽ ở và chăm sóc di tích cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.

Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, ông Vin cho biết “lâu nay chúng tôi cũng muốn làm cho bà ngôi nhà tốt hơn để bà ở và chăm sóc bảo vệ di tích nhưng khổ nỗi ngân sách xã quá hạn hẹp nên chưa thể làm được, chúng tôi sẽ cố gắng trong điều kiện cho phép. Chứ anh thấy đó giờ hội trường xã chưa có điều kiện xây để mà làm việc.v.v và cũng đang liên quan đến nhiều thứ” ông Vin cười chia sẻ.

Chia tay bà ra về lúc ánh mặt trời gác trên đỉnh di tích Cổng Hoành Sơn Quan và đang chầm chậm khuất núi, chúng tôi canh cánh trong lòng câu hỏi “ai sẽ chăm sóc di tích cổng Hoành Sơn Quan khi bà khuất núi, ai sẽ giúp ước mơ cuối đời của bà sớm thành hiện thực”? .

Hoàng Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP