Bán nhà dành tiền nuôi con ăn học, đến nay 5 người con của ông Nguyễn Thanh Ước và bà Nguyễn Thị Vinh ở làng Trường Lưu (Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đều đỗ đạt, trưởng thành. Rất nhiều gia đình trong làng cũng đặt sự học lên hàng đầu.
 Ông Nguyễn Huy Hiền nói về truyền thống làng và thành tích học tập của các con. Ảnh: Đức Hùng
Ông Nguyễn Huy Hiền nói về truyền thống làng và thành tích học tập của các con. Ảnh: Đức Hùng

Theo Trưởng thôn Nguyễn Huy Hiền, chính vì nghèo nên con em trong làng đều cố gắng học tập. Ở làng có nhiều gia đình con cái đỗ đạt, như nhà ông Nguyễn Thanh Ước và bà Nguyễn Thị Vinh (cùng 75 tuổi). Bà Vinh làm giáo viên, ông làm cán bộ kỹ thuật, đồng lương ít ỏi, vợ chồng dành dụm nuôi 5 con ăn học.

“Ngày con trai đầu học đại học năm 3, các đứa sau chuẩn bị tiếp bước anh vào giảng đường, lương không đủ chi tiêu nên tôi xin về hưu trước tuổi rồi đi buôn. Nhà trước đó ở ngoài đường cái, nhưng vì con nên vợ chồng đã bán đi lấy tiền mua một mảnh đất nằm trong lối sâu làm nhà ở”, bà Vinh nhớ lại.

Ngày ấy, ông Ước cũng bỏ nghề kỹ thuật về khai hoang trồng trọt, nhận thêm nhiều ruộng để cùng vợ chèo lái gia đình. “Trước kia muốn vay tiền cũng không ai có mà cho vay. Nhà tôi nhận hàng chục mẫu ruộng, ai bảo đâu tôi cũng làm. Đến mùa thì bán hết lúa, lấy tiền gửi nộp học phí cho con”, ông Ước kể.

Thương bố mẹ, 4 con trai và người con gái của vợ chồng ông đã vượt khó trưởng thành. Nay anh đầu làm việc tại Australia, cậu thứ hai làm kỹ sư tại công ty nước ngoài, cậu ba công tác tại một bệnh viện trong tỉnh, người thứ tư làm giám đốc một doanh nghiệp, cô con gái út là giáo viên.

Gia đình trưởng thôn Nguyễn Huy Hiền (52 tuổi) cũng được dân làng ca ngợi bởi sự hiếu học. Con gái đầu của gia đình trước kia thi Đại học Ngoại thương được 29 điểm, nay đã ra trường và đi làm. 3 người con sau đều có thành tích xuất sắc ở các trường đại học, phổ thông và tiểu học.

“Trước tôi đi Nga bươn chải 7 năm để kiếm tiền về nuôi con. Nay sức yếu, vợ chồng tôi vẫn cày cấy để các em tiếp bước chị vào đại học”, ông Hiền nói.

Chủ tịch Hội cựu giáo chức làng Trường Lưu, ông Nguyễn Huy Lập (70 tuổi) cho biết, hơn 5 thế kỷ hình thành và phát triển, Trường Lưu là một trong những làng hiếu học nổi tiếng nhất của Hà Tĩnh. Thời kỳ nào làng cũng có người xướng tên trên bảng vàng khoa cử.

Tiêu biểu là thám hoa Nguyễn Huy Oánh, từng đỗ đầu nhiều kỳ thi thời Lê (1732). Con trai ông là Nguyễn Huy Tự, đỗ giải nguyên kỳ thi Hương (1759), sau đó được công nhận học vị tương đương tiến sĩ, là tác giả tập truyện thơ Nôm Hoa tiên truyện nổi tiếng. Cháu ông là Nguyễn Huy Hổ cũng là tác giả truyện Mai đình mộng ký lưu truyền nhân gian.

Sau năm 1945 tới nay, Trường Lưu có gần 50 giáo sư, tiến sĩ, có người đang làm lãnh đạo ở Tòa án tối cao, Bộ Ngoại giao. Những người làm lãnh đạo tỉnh, huyện, hiệu trưởng cũng vài chục vị. Cả làng có 190 hộ dân với 620 nhân khẩu, nhưng có gần 100 người đã nghỉ hưu, đang sinh sống tại làng. Có khoảng 150 người đang công tác tại các trường học trong và ngoài tỉnh. Chính vì có nhiều người đỗ đạt, nên Trường Lưu còn được gọi là “làng đỗ”, hay “xóm đỗ”.

Bảng vàng thành tích của các nhà giáo nhân dân, giáo sư, tiến sĩ… được đóng khung, treo trang trọng ở nhà văn hóa thôn. Ảnh: Đức Hùng

Công tác khuyến học luôn được người làng chú trọng. Trong nhà văn hóa thôn, bảng vàng về thành tích học tập của các thám hoa, tiến sĩ, nhà giáo được khắc tên và treo trang trọng. Hàng năm, vào ngày Tết và Quốc tế thiếu nhi (1/6), các trường học và dòng họ luôn tổ chức trao quà khuyến học cho các em có thành tích học tập xuất sắc.

“Mỗi năm xã chi hàng chục triệu để làm quà khuyến học, học sinh nhận 100-200 nghìn đồng mỗi suất, tùy theo thành tích. Mục đích là để các em trân trọng sự học của tổ tiên, phát huy truyền thống của làng xã”, Phó chủ tịch xã Trường Lộc Lê Đình Quang thông tin.

Nhiều thế hệ con em làng Trường Lưu nay thành đạt đã về góp sức xây dựng quê hương. Những người con của gia đình ông Nguyễn Thanh Ước vẫn thường xuyên góp tiền ủng xây dựng nhà tình thương, ủng hộ người nghèo, nạn nhân bị chất độc da cam. Một số người khác thì góp tiền xây dựng nhà văn hóa, đường làng, sân bóng chuyền.

“Để làng đỗ không là hư danh, các con em đang nỗ lực miệt mài học và học. Chỉ có học mới nhìn thấy ánh bình minh của tương lai”, ông Nguyễn Huy Lập thường răn dạy thế hệ sau như vậy.

Theo VnExpress