Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: Chủ đầu tư cho mượn công trình, 2,7 tỷ đồng thành… “cục nợ”

Thay vì bàn giao công trình cấp điện cho người dân hưởng lợi, chủ đầu tư lại cho ngành điện mượn công trình suốt hai năm. Từ đây hàng loạt vấn đề xảy ra khiến người dân bức xúc. Sự việc tréo ngoe này đang diễn ra tại Hà Tĩnh.

2,7 tỷ đồng ngân sách thành… “cục nợ”

Tháng 4/2014, trước nhu cầu bức thiết sử dụng điện phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân xã Thạch Bàn, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã cho khởi công dự án cấp điện có tổng mức đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng. Dự án gồm 2 hạng mục: 2 tuyến đường dây 35 kV (dài 717 m) và 2 trạm biến áp 250 KVA.

Ngày khởi công, người dân xã Thạch Bàn hết sức vui mừng, họ hi vọng công trình cấp điện này sẽ chấm dứt những mùa nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn điện.

Tháng 6/2014, sau hai tháng khởi công, công trình cấp điện nói trên hoàn thành. Thế nhưng, trái với niềm hi vọng của người dân, công trình đã trở thành một nỗi thất vọng, mang đến bao bức xúc, phiền toái cho người nuôi trồng thủy sản của xã Thạch Bàn.

Bức xúc đầu tiên của người dân đó là một công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng sau khi hoàn thành lại không được bàn giao cho dân hưởng lợi mà lại được đem cho Điện lực Thạch Hà “mượn tạm” để bán điện đến tận các hộ dân.

Người dân ấm ức, phản đối, nhưng việc chủ đầu tư “cho mượn” công trình này vẫn cứ xảy ra. Hàng loạt hệ lụy xảy ra, trong đó đáng chú ý nhất là công trình rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Công văn của Công ty Điện lực Hà Tĩnh giao Điện lực Thạch Hà tiếp nhận công trình điện Thạch Bàn mà UBND huyện Thạch Hà cho Điện lực Hà Tĩnh mượn tạm sử dụng.
Công văn của Công ty Điện lực Hà Tĩnh giao Điện lực Thạch Hà tiếp nhận công trình điện Thạch Bàn mà UBND huyện Thạch Hà cho Điện lực Hà Tĩnh mượn tạm sử dụng.

Trong 2 năm qua, công trình cấp điện này liên tục xảy ra sự cố hỏng hóc khiến tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra. Bức xúc ở chỗ, khi mất điện, nhất là trong các cao điểm vụ nuôi, người dân đề nghị UBND huyện Thạch Hà, ngành điện Hà Tĩnh cho sửa chữa thì chủ đầu tư “lờ” đi, còn Điện lực Thạch Hà từ chối bỏ chi phí sửa chữa cũng như thiết bị thay thế với lý do đây là công trình mượn tạm.

Cực chẳng đã, suốt hai năm qua, người dân xã Thạch Bàn đã phải tự bỏ kinh phí để “nuôi” công trình này.

“Sau 2 năm trở thành khách hàng ngành điện, ngoài việc đóng nộp hàng trăm triệu tiền điện, hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản xã Thạch Bàn chúng tôi đã phải còng lưng đóng nộp tiền “thuê” ngược lại Điện lực Thạch Hà sửa chữa mỗi khi gặp sự cố hư hỏng trạm biến áp. Điện lực Thạch Hà nói rằng, do trạm điện này chưa được huyện bàn giao cho điện lực nên việc sửa chữa khách hàng phải chịu trách nhiệm”- ông Nguyễn Phi Thắng – Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Diêm Hải (Thạch Bàn), người đang sốt ruột khi 50 ao tôm đang thời kỳ chuẩn bị thu hoạch đứng trước nguy cơ “thất thu” vì sự cố mất điện chưa được khắc phục – bức xúc phản ánh với PV.

 Cả hai trạm biến áp của công trình cấp điện cho khu nuôi trồng thủy sản của Thạch Bàn vốn được chủ đầu tư đem cho mượn suốt hai năm qua liên tục xảy ra sự cố chập cháy.

Cả hai trạm biến áp của công trình cấp điện cho khu nuôi trồng thủy sản của Thạch Bàn vốn được chủ đầu tư đem cho mượn suốt hai năm qua liên tục xảy ra sự cố chập cháy.

Theo ông Thắng, sự cố mất điện kéo dài xảy ra lần này là lần thứ 3. “2 lần trước chúng tôi phải nộp 13 triệu đồng mua vật tư và trả công sửa chữa cho Điện lực Thạch Hà để khắc phục sự cố. Nhưng lần này chúng tôi thống nhất là không góp tiền sửa chữa nữa mà yêu cầu xã phải có trách nhiệm đứng ra bảo lãnh gọi huyện, Điện lực Thạch Hà xuống sửa cho chúng tôi”- ông Thắng bức xúc.

Theo ông Thắng, để khắc phục sự cố mất điện lưới, các hộ nuôi tôm phải huy động máy nổ dự phòng để chạy máy sục khí. Việc chạy máy nổ hết sức tốn kém về công sức và tiền bạc. Mỗi ngày chạy máy sục khí cho 50 hồ nuôi này hết khoảng 25 triệu tiền dầu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì điện máy nổ không đủ công suất, làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của tôm, thậm chí làm tôm yếu dần và chết.

Ông Nguyễn Phi Thắng – Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Diêm Hải, cho biết, 2 năm nay ông và người dân nuôi trồng thủy sản ở Thạch Bàn phải bỏ tiền để sửa chữa công trình điện cho chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Phi Thắng – Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Diêm Hải, cho biết, 2 năm nay ông và người dân nuôi trồng thủy sản ở Thạch Bàn phải bỏ tiền để sửa chữa công trình điện cho chủ đầu tư.

Anh Lê Văn Quý, chủ 4 ao tôm khác ở khu nuôi trồng thủy sản này cũng hết sức bức xúc trước công trình cấp điện tiền tỷ nói trên: “Chúng tôi khổ quá rồi, mấy ngày hôm nay cả gia đình tôi phải thay nhau thức để canh máy nổ hoạt động để duy trì các ao tôm. Chúng tôi cần một công trình điện ổn định, có đơn vị chăm lo, chứ không phải một công trình điện ất ơ như thế này”.

Chủ tịch UBND xã Thạch Bàn Nguyễn Viết Hải thừa nhận, để bảo đảm ổn định cho người dân nuôi trồng thủy sản, xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện chấm dứt việc cho mượn, bàn giao hẳn công trình cho phía Điện lực Thạch Hà để đơn vị này có trách nhiệm hơn trong việc khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Cường, không hiểu sao kiến nghị trên vẫn chưa được thực thi.

 Những ao tôm của người dân xã Thạch Bàn có nguy cơ mất trắng vì nguồn điện liên tục xảy ra sự cố.

Những ao tôm của người dân xã Thạch Bàn có nguy cơ mất trắng vì nguồn điện liên tục xảy ra sự cố.

Ông Cường cho biết thêm, do áp lực của người dân, trong đó người dân kiên quyết không chi tiền chi trả chi phí khắc phục sự cố mất điện, chính quyền xã Thạch Bàn đã phải tạm đứng ra bảo lãnh, thuê phía Điện lực Thạch Hà về khắc phục cho bà con.

Huyện sai phạm, sở-ngành thiếu trách nhiệm

PV Dân trí đã làm việc với Ban Quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Thạch Hà, đơn vị được huyện giao triển khai dự án gây nhiều bức xúc nêu trên. Theo lý giải của chủ đầu tư, nguyên nhân của việc cho mượn là do UBND huyện Thạch Hà đã nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Hà Tĩnh tiếp nhận hệ thống lưới điện này nhưng không được chấp thuận.

Đáng chú ý là, chủ đầu tư thừa nhận cho Điện lực Thạch Hà mượn công trình này suốt hai năm nhưng không hề thu phí để tái đầu tư, sửa chữa hỏng hóc. Văn bản cho mượn tài sản mà bên A (UBND huyện Thạch Hà) giao bên B (Điện lực Thạch Hà) không chặt chẽ, không giao trách nhiệm rõ ràng nên khi có sự cố chỉ có người dân chịu thiệt.

Ông Nguyễn Thanh Hoa – Giám đốc Điện lực Thạch Hà – cũng xác nhận, đến thời điểm ngày 31/7, việc bàn giao công trình cấp điện khu nuôi trồng thủy sản xã Thạch Bàn giữa UBND huyện Thạch Hà và Điện lực Hà Tĩnh vẫn chưa được triển khai. Cũng theo ông Hoa, khi công trình chưa được bàn giao hẳn cho ngành điện thì đương nhiên mọi chi phí khắc phục, sửa chữa phải do chủ đầu tư chịu trách nhiệm.

Được biết ngày 9/10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Điện lực Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, tham mưu cho tỉnh phương án giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến công trình này. Tuy nhiên, đã 9 tháng trôi qua, các bên được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao nhiệm vụ vẫn chưa triển khai bất kỳ cuộc khảo sát cũng như cuộc họp nào.

 Công văn yêu cầu các sở, ngành giải quyết vụ việc của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Công văn yêu cầu các sở, ngành giải quyết vụ việc của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Người dân bức xúc: “Họ thiếu trách nhiệm đến thế là cùng. Nếu cứ thế này chắc những ao tôm của chúng tôi sẽ chết theo công trình điện mất thôi”.

Văn Dũng – Tiến Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP