Đoạn đường sau khi hoàn thành đã xuất hiện nhiều vết nứt mặc dù chưa đưa vào sử dụng. |
Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách, chủ đầu tư phải có một bộ hồ sơ đầy đủ, thí nghiệm toàn bộ vật liệu đầu vào trước khi thi công như: Đất, cát, xi măng, sắt, đá… các loại theo thiết kế, tất cả phải có đầu vào đầy đủ mới được thi công. Đối với nhà thầu thi công phải có nhà điều hành, có biên bản nghiệm thu nội bộ và nghiệm thu kỹ thuật cùng với bộ nhật ký công trình để thể hiện công việc nhà thầu làm hàng ngày và công việc đó làm đã được nghiệm thu và có đạt chất lượng theo thiết kế chưa, các bước đổ bê tông hàng ngày phải được đúc mẫu… Thế nhưng khi được hỏi về các hồ sơ liên quan trên thì đại diện chủ đầu tư “phủi tay” nói rằng: “Chúng tôi không có gì cả, các anh cần gì cứ hỏi nhà thầu”.
Thực trạng đó đã và đang diễn ra tại Dự án Đường giao thông nông thôn xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Công trình do UBND xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc) làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn – giám sát là Cty CP Tư vấn và Xây dựng 268 (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh), đơn vị thi công là Cty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 468 (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Dự án có mức tổng đầu tư gần 10,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh và huyện Can Lộc… Trong đó, chi phí xây lắp gần 8,3 tỷ đồng.
Với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho hơn 2,4km, công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông theo TCVN 4054 – 2005 nhưng theo người dân xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thì sau khi thi công được gần 1km con đường này trông chẳng khác gì những tuyến đường giao thông nội đồng do người dân tự thực hiện và họ (người dân địa phương - PV) cũng không giám tin rằng với hơn 2km đường “nội đồng” như thế mà “ngốn” hơn 10 tỷ đồng của Nhà nước.
Nhà thầu sử dụng cát mịn để thay thế cho cát vàng hạt to. |
Cụ thể, Dự án theo thiết kế được phê duyệt bởi ông Võ Hữu Hào – Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thì có tổng mức đầu tư là 10.179.986.000 đồng, chiều dài 2,440,31m; với bề rộng nền đường 5,0m; bề rộng mặt đường 3,5m; kết cấu áo đường bằng BTXM mác 300 đá 1x2 dày 22cm; lớp nilon tái sinh; lớp đá 2x4 chèn đá dăm dày 15cm; lớp đất đồi đầm chặt = k 98 dày 30cm; công trình phụ trợ gồm 11 cống thoát nước ngang, 2 cầu bản và 1 tấm đan qua mương thủy lợi.
Với dự án được phê duyệt bằng nguồn ngân sách, đáng ra, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn – giám sát và nhà thầu phải thi công theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế tại dự án này, từ việc quản lý, giám sát dự án đến biện pháp thi công, vật liệu thi công đều được thực hiện một cách cẩu thả, thiếu trách nhiệm, có thể coi là công khai “rút ruột” công trình… khiến chất lượng của dự án “xôi hỏng bỏng không”, chưa hoàn thành đã hư hỏng cục bộ.
Từ phản ảnh của người dân địa phương (xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc) về tình trạng nứt gãy cục bộ mặt đường bê tông tại Dự án đường giao thông nông thôn ở xã này, PV Báo điện tử Xây Dựng đã có mặt mục sở thị công trình. Tại đây, gần 1km mặt đường đã hoàn thành xuất hiện sự nứt gãy, những vết nứt lớn nhỏ, những vết nứt chân chim xuất hiện ngang – dọc mặt đường. Ông H (người dân địa phương) như để thuyết phục PV về phản ánh của mình đã dùng chân đạp mạnh xuống mép đường bê tông. Hầu hết mép đường gãy vỡ thành từng mảng lớn. Ông H cầm những mảng bê tông lớn bằng bàn tay đưa lên rồi bóp vụn. Sau nhiều lần thao tác đạp và bóp vỡ bê tông bằng tay không, ông H lắc đầu: “Đấy, bê tông mác 300 mà “cứng” như bánh quy thế đấy. Họ làm dối lắm, chú ạ”.
“Trạm trộn” bê tông nhà thầu tự chế đang trộn bê tông không theo một quy tắc nào. |
Sau đó, cũng ông H đưa PV đến địa điểm mà đơn vị thi công sử dụng để trộn bê tông phục vụ cho dự án. Tay chỉ vào vật liệu (đá, cát) ông H nói: “Loại đá lộn xộn (đá lớn lẫn đá vụn - PV) và cát bẩn (cát hạt mịn vốn chỉ để sử dụng trong san lấp hoặc là cát tô - PV) này mà đưa vào trộn bê tông thì làm gì đạt chất lượng hả chú, loại vật liệu này thì để đạt mác bê tông 200# còn khó, nói gì đến mác 300 như theo thiết kế”.
Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Xây dựng, tại địa điểm trộn bê tông, nhà thầu sử dụng “hệ thống” trộn bê tông tự chế, gồm máy múc, hộc sắt khoảng 2m3, xe bồn tự chế… dùng để trộn và vận chuyển bê tông từ điểm trộn đến công trình. Với “trạm trộn” tự chế này, vật liệu được đưa vào trộn gồm: Cát, đá, xi măng, nước… được thực hiện không theo một nguyên tắc nào và sản phẩm đầu ra mà nhà thầu gọi là bê tông mác 300 thực chất chỉ là một mớ “hổ lốn” kém chất lượng. Mặc dù, trong nội dung công việc ở hồ sơ kỷ thuật có ghi rõ: “Bê tông sản xuất bằng máy trộn, đổ bằng thủ công”.
Bê tông sau khi trộn như một “mớ hổ lốn” kém chất lượng. |
Cũng tại hiện trường thi công, sau khi kiểm tra sơ bộ công trình, ngoài phần bề mặt bê tông kém chất lượng, thì phần nền đường theo thiết kế là đất đồi đầm chặt k98 cũng khó có thể đạt, bởi hầu hết loại đất mà nhà thầu sử dụng là đất dạng đá cứng, dưới lớp áo đường là phần lót đá 2x4 chèn đá dăm dày 15cm cũng không có, thay vào đó là loại đá bây dạng bột dày khoảng 5 – 10cm. Theo đó, người dân nghi ngờ nhà thầu “rút ruột” và “ăn bớt” khối lượng công trình là hoàn toàn có cơ sở.
Để làm rõ về chất lượng dự án, PV đã có buổi làm việc với ông Võ Văn Chung – Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện. Ông Chung tiếp PV với thái độ thiếu thiện chí với lý do, mặc dù xã là đơn vị chủ đầu tư, nhưng dự án lại do doanh nghiệp “xin nguồn” về nên việc địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý.
Đá 1x2 loại A được nhà thầu “đánh tráo” bằng thứ đá lộn xộn vừa bẩn, đá lớn trộn đá lép và đá vụn. |
“Khi kiểm tra vật liệu đầu vào của dự án, tôi phát hiện thấy đá không đảm bảo, còn cát thì quá mịn, không phải là cát vàng hạt to như theo thiết kế, tôi đã yêu cầu đơn vị thi công thay đổi, nhưng nói là nói thế thôi chứ dự án là do họ (doanh nghiệp - PV) xin về nên họ toàn quyền quyết định… Anh muốn xem hồ sơ thì đến nhà thầu mà xin, thông cảm nhé”, ông Chung nói.
Một dự án tiền tỷ có đầy đủ các ban bệ liên quan gồm cả chủ đầu tư và đơn vị tư vấn – giám sát nhưng lại để cho nhà thầu “toàn quyền” quyết định “số phận” công trình. Hơn nữa, Dự án đang triển khai còn khoảng ½ khối lượng, vì vậy dư luận đang rất mong sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhất là đơn vị ký “cấp nguồn”, để dự án thực sự là dự án của dân, chứ không phải là dự án của nhà thầu, nhà thầu muốn làm gì thì làm. Bởi suy cho cùng, kinh phí để thực hiện dự án này, cũng là tiền trích từ nguồn thu thuế của người dân mà ra.
Rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc để một dự án sử dụng vốn ngân sách được thi công đúng theo thiết kế được phê duyệt, đảm bảo quyền lợi của người dân và đơn vị hưởng lợi từ dự án.
Tác giả: Lê Mỹ - Phi Long
Nguồn tin: Báo Xây dựng