Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: Chênh vênh những chuyến đò gỗ bám dây đu qua sông

Hàng chục năm qua, biết bao thế hệ người dân ở thôn Trung Lưu và Phố Tây, xã Sơn Tây, huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) mơ ước có một chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Ngàn Phố để đi lại an toàn, không còn bị cô lập mỗi khi mưa lũ về.

hatinh24h

Ngày qua ngày, mơ ước này chưa thể thành hiện thực. Người dân nơi đây vẫn đang chịu cảnh đánh cược tính mạng của mình trên con đò nhỏ bám dây thừng qua con sông này.

Thôn Trung Lưu và thôn Phố Tây, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn là 2 thôn nằm nằm nép mình bên dòng sông Ngàn Phố. Người dân nơi đây muốn đến trung tâm UBND xã Sơn Tây phải chọn một trong hai con đường “huyết mạch”. Một là đường bộ lởm chởm đá và phải đi vòng hơn 20km, hai là đi đò gỗ ngang qua sông Ngàn Phố, rút ngắn được quãng đường còn khoảng 5km.

Suốt mấy chục năm qua, người dân và học sinh các cấp ở nơi đây không còn cách lựa chọn nào khác, đành phải chọn con đường qua sông. Mặc dù, họ biết rằng mỗi lần qua sông là mỗi lần đánh cược tính mạng của mình với “hà bá”. Đặc biệt là các em học sinh tuổi mới lớn chưa được trang bị kỹ năng bơi lội.

Chênh vênh những chuyến đò gỗ bám dây đu qua sông  - Ảnh 1

Người dân muốn về trung tâm xã bắt buộc phải qua thuyền. Ảnh H.T

Để qua được bên kia bờ, phương tiện duy nhất là một chiếc đò bằng gỗ tự chế đã xuống cấp, dài khoảng 9m, rộng gần 2m, xung quanh không hề có lan can hay tay vịn chắn hiểm; mặt đò được lát ghép bởi các tấm gỗ mỏng.

Cứ mỗi lần di chuyển trước dòng nước chảy xiết, chủ đò phải dùng cả hai tay cố bấu víu chặt vào một sợi dây thừng được buộc nối từ phía bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, sau đó kéo mạnh sợi dây thừng để điều khiển. Nếu lỡ tay, cả chiếc đò và hành khách sẽ bị dòng nước cuốn trôi lật chìm ngay lập tức…

Chênh vênh những chuyến đò gỗ bám dây đu qua sông  - Ảnh 2

Dây thừng nối cố định từ bên này sang bên kia bờ để dùng làm “tay vịn” cho người đưa đò.

Anh Trần Văn Bình (SN 1974, người lái đò) cho biết: “Khoảng cách từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Ngàn Phố gần 100m. Hàng ngày, đò hoạt động liên tục đưa khoảng 600 lượt người qua lại. Đó là mới tính người dân, học sinh của thôn Trung Lưu, Phố Tây, còn các thôn vùng ngoài qua lại nơi đây nữa chắc phải gần 1000 lượt, chưa kể xe đạp, xe máy”.

“Đã có nhiều trường hợp bị ngã rơi xuống sông nhưng rất may được kịp thời phát hiện nên chưa xảy ra thiệt hại về người. Mỗi năm gia đình tôi chỉ nhận được 6 tấn lúa do người dân 2 thôn đóng góp khi làm công việc này. Tôi cũng như bà con nơi đây mong muốn có một cây cầu chứ lỡ không may có trường hợp xấu xảy ra thì nhà tôi biết lấy gì mà đền…”, anh Bình chia sẻ.

Được biết, vào thời điểm nước cạn, điểm sâu nhất của đoạn sông này là từ 1,5 – 2,5m. Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng lên 7 – 8m, khi đó cả hai thôn Trung Lưu và Phố Tây đều bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Đò cũng không thể hoạt động được vì quá nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Chị Lê Thị Quế, trú thôn Trung Lưu cho biết: “Tôi làm cán bộ xã đã 30 năm nay, mỗi ngày đi lại trên chuyến đò này đến gần chục lần nhưng lần nào đi qua là nín thở lần đó, may là dân mới góp tiền sửa được cái thuyền chứ trước đây nguy hiểm lắm. Dân chúng tôi ai cũng đều mơ ước có một cây cầu kiên cố để đi lại, đảm bảo an toàn cho tính mạng”.

Chênh vênh những chuyến đò gỗ bám dây đu qua sông  - Ảnh 3

Biết qua sông nguy hiểm nhưng chị Quế hàng ngày vẫn phải qua sông để lên trụ sở UBND xã làm việc. 

Tìm hiểu qua thực tế, các em học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3, do trường xa lại phải đi đò nên hàng ngày phải dậy từ rất sớm đi học cho kịp giờ. Đây cũng là lúc nguy hiểm nhất khi chỉ có mỗi một chiếc đò, trong khi học sinh lại quá đông, nếu xảy ra tai nạn thì có nguy cơ trở tay không kịp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn, cán bộ UBND xã Sơn Tây cho biết: “Hiện tại thôn Trung Lưu và Phố Tây có trên 400 hộ dân gần 1000 nhân khẩu, chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi, trồng chè công nghiệp, đi rừng… với mức thu nhập bình quân khoảng 15 – 16 triệu đồng/người/năm. Điều kiện ngân sách của xã có hạn nên cũng không thể làm gì được.

Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần họp dân lấy ý kiến, rồi làm văn bản kiến nghị lên UBND huyện, UBND tỉnh và các cấp ngành xem xét hỗ trợ kinh phí để có thể xây dựng một cây cầu dân sinh giúp người dân bớt khổ nhưng tất cả rồi đâu lại vào đấy, họ về kiểm tra, cũng quay phim chụp ảnh, đo đạc … nhưng rồi tất cả vẫn nằm trong im lặng”.

Chênh vênh những chuyến đò gỗ bám dây đu qua sông  - Ảnh 4

Việc hàng trăm lượt học sinh dậy sớm để kịp giờ đi học đã khiến con đò buổi sáng sớm thêm chông chênh và nguy hiểm. Ảnh: Xuân Sinh

Ông Nguyễn Sỹ Hùng, xóm trưởng xóm Trung Lưu giãi bày: “Khổ lắm, mỗi lần tổ chức họp xóm, câu đầu tiên dân hỏi tôi cũng là có dự án chưa, lúc nào có cầu, lúc nào thi công… Hàng trăm câu hỏi của người dân mà dù là xóm trưởng, tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi không biết trả lời thế nào. Kiến nghị nhiều lắm rồi nhưng không ai thấu”.

Liên lạc với ông Trần Quốc Pháp, Trưởng BQL Các dự án và đầu tư xây dựng huyện Hương Sơn, ông này cho biết: “Ban vừa mới lập xong dự án, Sở Giao thông và Vận tải đã thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt ngày 2/11. Chúng tôi đã luôn cố gắng làm đúng theo kế hoạch, quy trình, nỗ lực để sớm xây dựng công trình cầu mới bắc qua sông Ngàn Phố phục vụ người dân”.

Hy vọng ước mơ ấy của người dân sớm thành, cây cầu ấy sớm được xây nên để người dân 2 thôn Trung Lưu và Phố Tây, xã Sơn Tây không còn sợ hãi mỗi lần qua bên kia bờ. Ra về, tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cậu bé ấy: “Cháu không dám đi trên thuyền này đâu… Có cầu, cháu mới dám về quê thăm ông bà”.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, cán bộ xã Sơn Tây: “Mỗi năm có rất nhiều vụ tai nạn cả người và phương tiện bị rơi xuống sông khi đi trên đò. Rất may chưa có thiệt hại về người nhưng mong mỏi có một cây cầu bắc qua sông là hết sức cấp thiết”.

HỒ THẮNG / ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP