Bà Nguyễn Thị Long (64 tuổi, ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) phản ánh với Báo Đời sống & Pháp luật, gần 5 năm qua gia đình bà đội đơn gõ cửa các cơ quan lấy tiền bảo hiểm của người con tử nạn ở nước ngoài nhưng vẫn vô vọng.
Bà Long kể: Năm 2008, anh Phan Tiến Tùng (22 tuổi) được Công ty CP xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch TTLC môi giới đưa sang Malaysia xuất khẩu lao động.
Năm 2010, anh Tùng chết vì tai nạn giao thông trên đường đi làm. Công ty Jitsin Pack Sdn. Bhd (Malaysia), chủ sử dụng lao động, đã chi trả bảo hiểm tai nạn theo hợp đồng thông qua ngân hàng AFFINBANK. Theo đó, hơn 8.000 USD được chuyển về Việt Nam cho gia đình nạn nhân.
|
Đã gần 5 năm qua, bà Nguyễn Thị Long vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của chồng trước lúc qua đời là lấy được tiền bảo hiểm cho con trai Phan Tiến Tùng. |
Năm 2011, ông Phan Thanh Tịnh (bố anh Tùng) nhận được thông báo của công ty TTLC ra Hà Nội làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm.
“Chồng tôi ra Hà Nội ngay, nhưng ra đó họ lại nói là Séc thanh toán tiền bảo hiểm của con tôi từ nước Malaysia chuyển về đã quá hạn nên không được nhận. Chồng tôi ra về tay không.” – bà Nguyễn Thị Long cho biết.
Sau đó, gia đình bà Long nhận được văn bản của Ban quản lý lao động và chuyên gia trực thuộc đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia gửi cho công ty TTLC thông báo: “Trường hợp lao động Phan Tiến Tùng tử vong được quý doanh nghiệp đưa sang Malaysia làm việc trước đây, cơ quan lao động Malaysia đã can thiệp với ngân hàng Malaysia để tờ séc trên được cấp lại lần 2 – loại séc không kỳ hạn, không yêu cầu chứng minh tài khoản tại Malaysia theo đề nghị của ban”.
|
Đã nhiều lần ông Phan Thanh Tịnh bố đẻ anh Tùng lặn lội ra Hà Nội để làm các thủ tục nhận tiền bảo hiểm cho con nhưng đến nay ông Tịnh đã mất mà tiền bảo hiểm của con vẫn chưa nhận được. |
|
Hợp đồng lao động giữa anh Phan Tiến Tùng với đơn vị sử dụng lao động phía Malaysia. |
Tiếp tục ra Hà Nội theo sự hướng dẫn của công ty TTLC để làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm cho con nhưng gia đình vẫn không được ngân hàng chấp nhận.
“Sau nhiều lần đi lại ngược xuôi, năm 2013 chồng tôi đã qua đời sau trận ốm nặng. Trước khi nhắm mắt, ông ấy nắm tay tôi trăn trối rằng, tôi phải cố gắng lấy được tiền bảo hiểm về xây cho con phần mộ khang trang nhằm an ủi linh hồn con bà nhé.” – Bà Long nói.
Từ năm 2013 đến nay, bà Long lại thay chồng ra Hà Nội nhiều lần nhưng vẫn ra về với bàn tay trắng.
Ông Võ Văn Giơi, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Đồng xác nhận thông tin trên. Ông này cũng cho hay, gia đình bà Long vốn đã khó khăn, ngày lại càng kiệt quệ.
Trả lời PV, đại diện công ty TTLC cũng cho biết, công ty đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo đúng pháp luật. Kể cả khi anh Tùng tử nạn, công ty đã cử người sang Malaysia để hoàn tất thủ tục và hỗ trợ gia đình đưa thi hài nạn nhan về nước mai táng.
“Tuy nhiên, vì một số vướng mắc thủ tục giao dịch giữa các ngân hàng, gia đình phải chờ Sở Lao động Perak (nơi anh Tùng làm việc) giải quyết thì mới nhận được tiền bảo hiểm.” – Vị đại diện nói.
Còn nữa…
HỒ THẮNG