>> Hà Tĩnh: Thẩm phán hồn nhiên “chơi” điện thoại, phiên tòa lại hoãn!
Như đã phản ánh, vụ tranh chấp đất đai giữa ông Phan Như Quý (Tùng Ảnh, Đức Thọ) và ông Đoàn Ngọc Anh (thương binh ¼ tại thị xã Hồng Lĩnh) đã diễn ra nhiều năm. Nhiều phiên toà từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm đều bế tắc vì nhiều tình tiết phức tạp, nhiều thắc mắc không có lời giải.
Ngày 29/8/2013, toà mở phiên phúc thẩm. Do nhiều tình tiết phức tạp nên đến ngày 27/10/2014, TAND Hà Tĩnh ra xét xử lần thứ hai. Ông Trần Trọng Thưởng, đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh tham gia phiên tòa.
Khi kết thúc phần tranh luận, ông Thưởng – Kiểm sát viên tại phiên tòa công bố quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xử y án sơ thẩm (!?).
Quang cảnh phiên toà phúc thẩm ngày 29/8/2013 |
Nội dung quan điểm của ông Trần Trọng Thưởng:
Việc UBND thị xã Hồng Lĩnh ban hành Quyết định số 44 ngày 16/10/1992 cấp đất cho ông Phan Như Quý là đúng với quy định của Luật Đất đai năm 1987 và Nghị định 30-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng.
Trình tự thủ tục mà UBND thị xã Hồng Lĩnh lập hồ sơ cấp đất cho ông Quý là đúng quy định của pháp luật.
Quan điểm của ông Trần Trọng Thưởng khiến nhiều người dự phiên toà “mắt tròn mắt dẹt”, bởi vì không biết ông nói việc cấp đất cho ông Phan Như Quý đúng là hoàn toàn nguỵ biện.
Cụ thể: Tại Điểm đ, Khoản 3 Điều 13 Luật đất đai năm 1987: quy định về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quyết định:“giao đất khu dân cư thuộc nội thành nội thị theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”
Thời điểm tháng 10/1992, Hồng Lĩnh là thị xã trực thuộc tỉnh. Như vậy việc UBND thị xã Hồng Lĩnh ban hành Quyết định giao đất ở cho ông Phan Như Quý tại thị xã Hồng Lĩnh là hoàn toàn trái với quy định, cấp đất trái thẩm quyền.
Mặt khác, Khoản 5, Điều 28 Nghị định 30-HĐBT ngày 23/3/1989 về việc thi hành Luật Đất đai qui định:
5. Chỉ giao đất ở mới cho những hộ có nhu cầu về nhà ở và có đủ những điều kiện dưới đây:
a) Có hộ khẩu thường trú ở nơi xin đất ở.
b) Trong gia đình có thêm một cặp vợ chồng.
c) Diện tích đất ở tính theo đầu người trong hộ dưới 80% mức bình quân đất ở của địa phương.
Năm 1992, ông Phan Như Quý không có hộ khẩu ở phường Bắc Hồng, không có thêm một cặp vợ chồng và đất ở gia đình ông đang sử dụng là 333m2 tại xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ. Như vậy UBND thị xã Hồng Lĩnh cấp đất ở mới cho ông Phan Như Quý là trái với quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định 30/HĐBT.
Vậy mà ông Trần Trọng Thưởng vẫn cho rằng: đối tượng, trình tự thủ tục cấp đất cho ông Phan Như Quý phù hợp với quy định tại Điều 28 Nghị định 30/HĐBT (!?).
Chưa hết, ông Quý không thuộc đối tượng được giao đất theo Quyết định số 1040 ngày 22/9/1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trong Quyết định 1040, UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ đối tượng được giao đất là “cán bộ công nhân viên Xí nghiệp Công nghệ phẩm Hồng Lĩnh”. trong khi đó, ông Phan Như Quí năm 1992 là Phó Giám đốc Công ty thương nghiệp tổng hợp Hồng Lĩnh. Đây là hai cơ quan khác nhau, có con dấu riêng. Tại phiên toà sơ thẩm, ông Phan Như Quý cũng như luật sư bảo vệ đành im lặng không phản bác được gì.
Theo quy định, đối tượng cấp đất phải có đơn và phải được chính quyền địa phương (cấp xã, phường) xét duyệt. Hồ sợ vụ án cho thấy, ông Phan Như Quý không có đơn, và cũng không được UBND phường Bắc Hồng xét duyệt.
Như vậy, về trình tự, thủ tục, đối tượng và cả thẩm quyền cấp đất cho ông Phan Như Quý đều trái quy định của pháp luật, thế nhưng kiểm sát viên Trần Trọng Thưởng đã bất chấp tất cả, cho rằng đúng (?!).
Tại phiên toà ngày 29/8/2013, thẩm phán Nguyễn Thị Thương Huyền nhiều lần hồn nhiên “chơi” điện thoại, mặc diễn biến phiên toà |
Nếu sự việc chỉ đơn giản như vậy, thì Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã không phải hoãn đi hoãn lại phiên toà đến gần 1 năm để bổ sung hồ sơ, chứng cứ. Và cho đến nay, nhiều khuất tất trong hồ sơ vụ án vẫn chưa được làm rõ:
Ông Phan Như Quý có hai quyết định cấp đất (số 41 và số 44), vậy văn bản nào là hợp pháp? Chữ ký của kế toán và người nhận tiền trên phiếu nộp tiền đều của ông Mai Văn Danh (trưởng Phòng quản lý đất đai), vậy tiền đi đâu? Quyết định giao đất số 1040/QĐ-UB ngày 22/9/1992 của tỉnh Hà Tĩnh có hai số liệu khác nhau: nơi thì 14 hộ; nơi thì 15 hộ; nơi thì ghi chỉ giới thửa đất cách 9m; ghi chỉ giới thửa đất cách 19m, chữ “tim” hay “mép” đường đã bị sửa chữa, tẩy xoá.
Rồi giữa tờ trình của UBND TX Hồng Lĩnh và quyết định phê duyệt cấp đất của tỉnh Hà Tĩnh “vênh” nhau đến 298 m2 đất (TAND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 177/CV-TDS hỏi Chủ tịch UBND tỉnh về 298m2 đất này, đến nay chưa có phản hồi).
Với một vụ án mà còn nhiều tình tiết “rối bời” như vậy, vậy mà ông KSV Trần Trọng Thưởng đã “đơn giản, gọn nhẹ”, bỏ qua tất cả, để cho rằng ông Phan Như Quý đúng. Điều này đồng nghĩa với việc gia đình ông Đoàn Ngọc Anh, thương binh ¼ sẽ tan nát, phải từ bỏ tất cả nhà cửa, tài sản ra “đứng đường”.
Trong tột cùng bức xúc, gia đình ông Đoàn Ngọc Anh đã có đơn khiếu nại, yêu cầu VKSND tỉnh Hà Tĩnh rút nội dung quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/10/2014. Đồng thời, thay Kiểm sát viên tham gia phiên tòa vì ông Trần Trọng Thưởng không khách quan khi xét xử vụ án này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Quang Đại