Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Cảnh giác với “bà hỏa” do chập điện vào mùa cao điểm

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 30 vụ cháy, trong đó chủ yếu do sự cố chập điện, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, đe dọa tính mạng con người. Mùa hè năm nay được dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ cháy nổ do chập điện ngày càng cao khi nhu cầu sử dụng tăng đột biến…

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc – Đội trường Đội hướng dẫn kiểm tra và an toàn phòng cháy – Phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh), chập điện là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy nổ trên địa bàn vào nửa đầu năm 2016. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của thời tiết từ mát mẻ chuyển sang oi bức khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến kéo theo khả năng gây ra quá tải, chập cháy rất cao. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ 4/6-11/6), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy do sự cố về điện. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (tổ 14, phường Bắc Hà, Tp. Hà Tĩnh) với 7 triệu đồng; một số hộ dân khác cũng phải chịu cảnh “đứng ngồi không yên” do công tơ, đường dây điện bỗng dưng “trở chứng” phát hỏa. Không chỉ khu vực dân sinh, các chợ, trung tâm thương mại cũng là một trong những “điểm nóng” bà hỏa thường xuyên “ghé thăm”. Ở các quầy hàng quần áo (mặt hàng dễ bắt cháy) san sát nhau, chủ kinh doanh thường móc nối dây diện để mở thêm bóng đèn và sử dụng quạt tránh nóng vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, những chiếc dây điện bám bụi cũ kỹ lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Nếu chẳng may có sự cố xảy ra, lửa sẽ bén rất nhanh qua các ki ốt lân cận và không kịp kiểm soát dẫn đến thiệt hại về tài sản và con người.

Các cột điện đã trở nên quá tải vì phải gồng gánh các loại cáp, mạng lưới,…(Ảnh minh họa)

Tiểu đội trưởng đội PCCC&CNCH Trung tâm Nguyễn Doãn Công cho biết, công tác chữa cháy do các sự cố về điện gây ra có phần “khó nhằn” hơn thông thường. Sau khi tiếp nhận và xử lý tin báo từ phía các hộ dân, đơn vị sẽ nhanh chóng xuất xe chuyên dụng tới địa điểm xảy ra cháy. Mặc dù vậy, do tính chất đặc thù của các thiết bị điện nên việc cứu chữa còn phải phụ thuộc về phía ngành chuyên môn bởi chỉ một sơ sẩy nhỏ rất dễ gây ra hậu quả khôn lường. Song, tâm lý bất an, sốt sắng và hoảng loạn thường khiến người dân thúc giục lực lượng chữa cháy phải nhanh chóng triển khai nhiệm vụ. Chính vì vậy, công tác phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn đối với các trường hợp liên quan đến điện rất cần tới sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa lực lượng công an, ngành điện lực và đơn vị liên quan. Nếu như trước, cột điện chỉ có đường dây thắp sáng thì giờ đây đã trở nên quá tải bởi phải “gồng gánh” cáp truyền hình, các mạng lưới viễn thông… Chẳng may hỏa hoạn xảy ra, các đường dây dẫn sẽ nhanh chóng biến cột điện thành những bó đuốc khổng lồ, dễ lây lan sang nhà dân. Tuy nhiên, điều bất cập là khi “bà hỏa” ghé thăm, cảnh “cha chung không ai khóc” thường xuyên xảy ra do rất khó xác định nguyên nhân bắt nguồn từ đường dây nào.

Lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ KD ở Chợ,…

Để giảm thiếu và hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ liên quan đến các thiết bị điện trong mùa cao điểm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với ngành điện lực nhằm nắm bắt thông tin về các vấn đề liên quan đến điện, sử dụng điện trong nhân dân và nâng cao công tác phòng ngừa. Tuy nhiên, ý thức của người dân mới là yếu tổ quan trọng hàng đầu để phòng ngừa tối đa nguy cơ cháy nổ. Người dân phải thường xuyên kiểm tra, thay thế các đường dây đã cũ nát, chắp vá. Khi sử dụng thiết bị truyền tải điện phải tính toán được công suất nhằm đảo bảm an toàn. Để các vật dụng, các chất dễ cháy cách với thiết bị sử dụng điện ít nhất 0,5m; dây dẫn, ổ cắm, át tô mát phải lắp đặt, sử dụng đúng tiêu chẩn. Ngoài ra, nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan, công sở hay chợ, trung tâm thương mại sử dụng điện công suất lớn cần kiểm tra và ngắt hết các thiết bị điện trước khi ra về và ra khỏi nhà. Trong trường hợp bắt buộc phải để điện, cần phải chuẩn bị các thiết bị bảo vệ như rơle, cầu chì phòng xảy ra cháy nổ. Khi xảy ra hỏa hoạn, cần tìm mọi cách nhanh nhất ngắt nguồn điện, đặc biệt là điện cao thể, sau đó mới tiếp tục chữa cháy. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát PCCC&CHCN đã hướng dẫn, tuyên truyền cho BQL chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chủ DN kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp PCCC; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra; tổ chức học tập phương án chữa cháy; duy trì công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h tại các đơn vị… “Công tác PCCC phải được triển khai toàn diện, hiệu quả nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân”, thiếu tá Lộc khẳng định.

THẢO HIỀN -THÙY DƯƠNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP