Nhưng, đằng sau những tấm bảng biển ấy, điều kiện làm việc cũng như việc chấp hành các vấn đề an toàn lao động của công nhân vẫn còn nhiều điều đáng bàn…
Đùa với tử thần
Khảo sát tại nhiều công trình xây dựng ở các khu đô thị: Nguyễn Du, phường Nam Hà, Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, chúng tôi thấy có hàng trăm công trình đang được thi công xây dựng, trong đó có không ít tòa nhà cao tầng đang mọc lên là một tín hiệu vui trong tiến trình phát triển của quê hương tỉnh nhà. Tuy nhiên, qua những gì được tận mắt chứng kiến tại chân công trình, chúng tôi không khỏi băn khoăn về công tác bảo hộ an toàn lao động (ATLĐ).
Hầu như cả người lao động và người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về ATLĐ. Theo quy định, đối với những công trình xây dựng cao tầng phải được trang bị dàn giáo với đầy đủ các thiết bị như thang, chòi nâng, sàn treo, lưới bảo hộ… Công nhân làm việc trên cao phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có giấy chứng nhận đã học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về ATLĐ do giám đốc đơn vị xác nhận, được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ bảo hộ… Thế nhưng, xem ra không mấy công trình đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn trên.
Thâm nhập vào công trình trụ sở Sở NN&PTNT cao 10 tầng đang được xây dựng tại Khu đô thị Bắc Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh), chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy hai thợ hàn làm việc bên ngoài bức tường tầng thứ 10 chỉ đứng chênh vênh trên tấm ván mỏng, 2 đầu được bắc qua thanh sắt, dàn tre. Khoảng giữa tầng 8 được vây một dải lưới bảo hộ. Tuy nhiên, phần lớn những tấm lưới che chắn vật liệu xây dựng đã bị rách nát và không còn tác dụng. Những tấm bê tông treo lủng lẳng chực rơi xuống bất cứ lúc nào.
Cạnh đó, một tốp thợ xây đang “vô tư” thi công trên dàn giáo tre chỏng chơ ở những tầng trên cùng mà không hề thắt dây an toàn. Họ không hề biết rằng, với việc trang bị các thiết bị an toàn một cách thô sơ, qua quýt như vậy, tính mạng của họ sẽ bị tử thần “cướp” đi bất cứ lúc nào.
Khi phát hiện chúng tôi tiếp cận công trình, một người bảo vệ trên tay cầm con dao sáng loáng nhanh chóng đuổi chúng tôi ra khỏi khu vực thi công với thái độ đầy vẻ hằn học và ông ta không quyên khóa chặt 2 cánh cổng sắt lối vào công trình.
Làm việc chót vót trên tầng cao nhưng người lao động không thắt đai bảo hộ
Có mặt tại công trình xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm Kiểm định chất lượng các công trình xây dựng (Sở Xây dựng), nhận thấy, trên tầng thứ 3, hai thanh niên đang loay hoay làm một việc gì đó trên những dàn giáo tre lủng lẳng. Ngoài việc không được trang bị bảo hộ lao động, những công nhân này chỉ mang chiếc khẩu trang mỏng.
Khuôn mặt đầy bụi vôi, hai mắt đỏ ngầu vì bụi bẩn, anh Nguyễn Văn L., một trong số 2 công nhân cho biết: Chúng tôi chỉ là thợ cốt pha nên không được trang bị bảo hộ lao động. Biết là rất nguy hiểm nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh nên chúng tôi không thể bỏ nghề được”.
Việc thi công mất an toàn lao động cũng được chúng tôi ghi lại tại công trình xây dựng cho thuê ngân hàng, Thư viện TP. Hà Tĩnh, Trung tâm dạy nghề huyện Thạch Hà và một số công trình xây dựng của người dân trên địa bàn.
Sự rủi ro, nguy hiểm trên các công trình xây dựng cao tầng có lẽ ai cũng rõ. Tuy nhiên, qua những cuộc tiếp xúc trên cho thấy người sử dụng lao động và người lao động hầu như chưa có ý thức về thực hiện ATLĐ. Một thực trạng diễn ra phổ biến là đa phần các doanh nghiệp sau khi nhận thầu công trình thường hợp đồng lại với các cai thầu nhỏ. Những người này lại thuê lao động tự do bên ngoài, không có hợp đồng lao động nên gây khó khăn cho việc quản lý số lượng lao động cũng như công tác bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Những bài học nhỡn tiền
Đã có không ít vụ tai nạn lao động trên các công trường xây dựng thời gian gần đây. Đáng kể nhất chính là vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại khách sạn Sailing Tower (phường Nguyễn Du – TP. Hà Tĩnh) vào ngày 2/10/2011. Hàng chục khối bê tông đã sập xuống khi dàn cốt pha không đảm bảo khiến một công nhân bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng.
Sự cố sập sảnh toàn nhà Sailing Tower là bài học nhỡn tiền cho cả người sử dụng lao động lẫn người lao đông
Hay như vụ sập đốc mái trường mầm non Thịnh Lộc (Lộc Hà) vào ngày 15/9/2010 làm 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương.
Mới đây nhất, ngày 31/12/2012 là cái chết của anh Nguyễn Đăng Lâu (Xí nghiệp Trung Đô – Hồng Lĩnh) do bị ngã từ trên mái nhà xuống trong khi đang thi công.
Trước đó là cái chết tức tưởi của anh Hoàng Xuân Bính vào ngày 22/9/2012 do vướng phải dây điện hở khi đang làm việc cho Công ty TNHH Bossism (Kỳ Anh)…
Nhiều người cho rằng, những vụ tai nạn trên là sự cố rủi ro. Tuy nhiên, những bất cập, chủ quan, thiếu sót trong công tác đảm bảo ATLĐ là nguyên nhân chính của những cái chết đau thương này.
Theo thống kê của Sở Lao động – thương binh và xã hội, trong năm 2013, số vụ tai nạn lao động xảy ra với mức độ vi phạm và hậu quả lại nghiêm trọng hơn nhiều, nhất là các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đã có 4 vụ tai nạn xảy ra làm chết 3 người và một người bị thương. Nhưng xem ra con số này chưa sát với thực tế bởi có rất nhiều vụ tai nạn chủ sử dụng lao động báo cáo chưa đầy đủ. Nguyên nhân của thực trạng này không gì khác là do tình trạng mất an toàn tại các công trường xây dựng.
ATLĐ ở đâu khi những giàn giáo hoen rỉ được kê chông chênh trên những tấm ván mục nơi tầng cao
Rất nhiều công nhân làm việc trên các tầng cao nhưng không có dây an toàn, mũ bảo hộ, hệ thống giàn giáo được chống đỡ tạm bợ bằng tre, gỗ. Các công trình xây dựng hầu hết không quan tâm việc che chắn, không phủ lưới bảo vệ. Phần nhiều công nhân thi công các công trình nhỏ là lao động tự do, không được đào tạo chuyên môn, thiếu kiến thức về an toàn lao động. Không ít lao động làm việc theo công trình hoặc ngày công để giảm các chi phí về đào tạo, trang bị bảo hộ, bảo hiểm, và đương nhiên là không có các cam kết về an toàn lao động. Khi xảy ra tai nạn thì phần bồi thường của người sử dụng lao động chỉ là vì… “tình cảm” chứ chẳng theo quy định nào.
Ông Nguyễn Văn Thống – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Khắc phục tình trạng mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng là việc làm cần thiết, nhất là khi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và tỉnh ta đang thi công không ít công trình trọng điểm. Sắp tới chúng tôi sẽ siết chặt việc chấp hành quy định về an toàn lao động, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn lao động tại các công trình xây dựng, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng cho người lao động.”
Cũng theo ông Thống, Sở đã xử lý không ít công trình xây dựng không đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, Sở đã đình chỉ thi công một số công trình sử dụng dàn giáo tre không đảm bảo chất lượng.
Thay lời kết
Thiết nghĩ, để công tác ATLĐ tại các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng cao tầng được thực hiện tốt, các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tăng cường kiểm tra tại công trình, lập lại kỷ cương về công tác bảo hộ ATLĐ, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức thực hiện ATLĐ cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Có vậy mới hy vọng giảm thiểu các vụ tai nạn lao động đáng tiếc thường xuyên rình rập tại các công trình xây dựng.
Quang Linh – Quang Sáng
Báo Hà Tĩnh