Điển hình một số hồ chứa nước có dung tích lớn hơn 1 triệu m3, xuống cấp cần ưu tiên nâng cấp, sữa chữa trong năm nay như hồ Mục Bài xã Hương Xuân, hồ Đập Mưng xã Phương Điền (huyện Hương Khê) hồ Cổ Châu, xã Gia Hanh (huyện Can Lộc)… Các hồ trên đang trong tình trạng đập chính bị rò rỉ nặng, thân đập yếu, tràn hẹp không đảm bảo tiêu thoát lũ, thấm thân đập, đập có hiện tượng thấm, xói lở nặng.
Nguyên nhân là do các công trình thủy lợi ở Hà Tĩnh phần lớn được xây dựng từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, đưa vào sử dụng đã 30 đến 40 năm. Trong khi đó, điều kiện khảo sát thiết kế và thi công còn hạn chế, xây dựng không đồng bộ. Sau nhiều năm khai thác cùng với sự tác động của thời tiết, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình trên Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có báo báo, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ nguồn lực giúp tỉnh đầu tư nâng cấp, sữa chữa đối với 117 công trình hư hỏng, xuống cấp vận hành dưới năng lực thiết kế đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Dự kiến kinh phí ước tính 2.340 tỷ đồng.
Trước mắt, 10 công trình cấp bách cần được đầu tư sữa chữa khẩn cấp bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ năm nay, dự kiến kinh phí 170 tỷ đồng.
Ngoài ra, các địa phương cần được hỗ trợ kinh phí tổ chức kiểm định an toàn đập theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ (dự kiến kinh phí 103 tỷ đồng, bình quân 0,3 tỷ đồng đối với mỗi hồ).
Việc hỗ trợ lắp đặt các thiết bị giám sát mực nước, lượng mưa tự động cho các hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên cũng cần có để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu nhất do thiên tai gây ra./.