Chữa bệnh cho hàng ngàn người
Tôi biết câu chuyện về tài chữa bệnh của cụ ông Nguyễn Đình Nguyên nhờ một sự tình cờ. Vài ngày trước, không may bị té ngã xe máy, cổ tay bị sưng, đau nhức cử động rất khó khăn, đang tính đến bệnh viện chụp phim để kiểm tra và điều trị thì tôi gặp một phụ nữ ở phường Đại Nài giới thiệu đến gặp cụ Nguyên. Chị bảo, cụ ấy nắn rồi cho gói thuốc là lành ngay. Chưa tin lắm, nhưng tôi quyết thử cho biết. Tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Đình Nguyên (97 tuổi, trú khối 6, phường Đại Nài, TP.Hà Tĩnh) để chữa trị.
Thấy có người, cụ Nguyên chậm chạp từ trong buồng bước ra. Khi tôi trình bày, bị ngã đau nhức cổ tay, cụ Nguyên cầm lấy tay tôi rồi bất ngờ nắn, giật thẳng ra 3 lần. “Xong rồi đó”, cụ Nguyên nói làm tôi bất ngờ. Tôi hỏi: “Thế không cần phải cắt thuốc hả cụ?”. Cụ nói: “không cần đâu. Nhưng nếu cho nhanh lành hơn thì cắt lấy một nồi”. Đưa đùm thuốc, cụ dặn, về nhà hái thêm ít lá nhãn, đọt măng tre, ít lá diếp cá bỏ vào thang thuốc rồi nấu lên uống sẽ nhanh lành. Về nhà, tôi thực hiện đúng như thế, uống chưa cạn nồi thuốc thì tay đã đỡ rất nhiều, cử động không còn đau nữa…
Vài ngày sau, tôi trở lại xin viết bài về ông thầy thuốc cao tuổi đã chữa lành bệnh cho mình. Ban đầu, cụ Nguyên từ chối, nói không cần nổi tiếng, nhưng thuyết phục mãi, cuối cùng cụ cũng chia sẻ câu chuyện về cái nghiệp cứu người của mình. Cụ sinh năm 1920. Năm 16 tuổi, cụ theo làm đệ tử cho một ông thầy có các bài thuốc dân gian rất hay. Bệnh nào dùng lá thuốc nào, tất cả đều được cụ ghi chép và trải nghiệm thực tế khi đi vào rừng tìm hái lá thuốc. Sau 5 năm theo làm đệ tử, cụ xin về đi làm cách mạng, tham gia đấu tranh giành chính quyền. Thời gian sau, cụ làm xã đội trưởng, Bí thư, rồi Chủ tịch xã Thăng Bình (nay thuộc các xã Thạch Bình, Thạch Tân và phường Đại Nài).
Thời gian bận việc chính quyền, cụ Nguyên rất bận rộn, không thể đi lấy lá thuốc chữa bệnh được. Thế nhưng, hễ ai có bệnh tìm đến hỏi, cụ đều bày cho các loại lá thuốc lấy về uống. Những trường hợp bị nặng, cụ mới gắng thu xếp chữa trị. Cụ kể, năm 1957 ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có 36 người đi ăn cơm lợp nhà mới, không may bị ngộ độc thức ăn. Trong đó, 5 người bị nặng, phải nằm viện, tính mạng bị đe dọa. Người ta tìm đến, cụ tức tốc đi hái 2 thúng lá thuốc về sắc lấy nước cho người bệnh uống. Sau khi dùng thuốc của cụ, tất cả mọi người đều qua khỏi. Đặc biệt, có gia đình còn biết ơn cụ mãi, nhiều năm sau đó cứ dịp tết là lặn lội hàng chục kilomet đến nhà cụ chúc tết.
Một trường hợp đặc biệt khác, khoảng đầu năm 1956, một người đàn ông (không còn nhớ tên) ở xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) bị bệnh tích,
ăn không tiêu được, bụng phình trướng to như cái trống, đã điều trị ở bệnh viện nhưng không lành, bệnh viện trả về nằm chờ chết. Khi gia đình tìm gặp, cụ Nguyên đã lấy thuốc cho uống. “Tôi cho uống ly nước thuốc đầu, ít phút sau thấy anh ta thở mạnh, cựa quậy được. Cho thêm ly thứ hai, rồi thêm một ly nữa, anh ta thở mạnh, bụng thoi thóp, rồi tháo ra được 2 bô đầy. Bụng từ chỗ phình như trống đã dẹp lép hẳn, còn lại bộ xương với da. Từ đó, anh ta hết bệnh, rồi khỏe mạnh hẳn. Mấy năm sau, năm nào cũng tìm đến cảm ơn tôi”, cụ Nguyên kể lại.
Cụ Nguyên cho biết, mình thông thuộc hơn 100 vị thuốc và chữa rất nhiều bệnh như huyết bạch, sỏi thận, trĩ, ho lâu năm, ngứa, ngộ độc thức ăn, đầy hơi, phong thấp… nhưng phổ biến nhất vẫn là chữa lệch khớp, bong gân, trặc lưng. Bình quân mỗi ngày, cụ chữa cho 3 – 5 người, chủ yếu là thanh niên đá bóng bị trật khớp, người phụ hồ, xây dựng bốc vác nặng bị trặc lưng.
Chỉ truyền nghề cho người có tâm
Bà Lê Thị Hường (62 tuổi, trú khối 3, phường Đại Nài) cho biết, mỗi khi bị trặc lưng, ngã sái tay, chân, bà đều tìm đến nhờ cụ Nguyên chữa trị. Bởi cụ chữa rất hiệu quả, giá lại rẻ. Mỗi lần chữa như thế, cụ chỉ lấy 40.000 – 50.000 đồng, cả công nắn và tiền thuốc. Nhiều khi không có tiền, đến chữa cụ vẫn làm, khi nào có thì trả chứ cụ cũng không bao giờ đi đòi. “Cụ ấy hiền và tốt lắm. Cả cái phường này ai cũng quý trọng, biết ơn cụ. Cụ chữa bệnh giỏi nhưng không làm nghề để kiếm tiền. Thế mà, nghe nói rất nhiều người đến chữa lành bệnh mà vẫn không trả tiền cho cụ đó”, bà Hường tâm sự.
Ông Nguyễn Đình Quảng – Trưởng Trạm Y tế phường Đại Nài – cũng khẳng định, đã nghe nhiều người dân đến chữa bệnh ở cụ Nguyên và khen cụ chữa giỏi, nhanh lành. “Ông ấy chữa bệnh mà như làm cho vui thế thôi. Nhiều người đến chữa, ông không lấy tiền, có lấy thì cũng lấy rẻ lắm”, ông Quảng chia sẻ.
Trải lòng với tôi, cụ Nguyễn Đình Nguyên cho biết, cụ không có con. Năm 26 tuổi, cụ lấy vợ đầu nhưng bà này không sinh con được. Đến năm 70 tuổi, cụ lấy vợ thứ 2 nhưng cả 3 lần vợ mang thai đều bị sảy không giữ được. Hiện cụ đang sống với người con nuôi duy nhất tên Nguyễn Hữu Ngộ. Khi tôi hỏi, ở cái tuổi “gần đất xa trời” rồi, cụ đã truyền bài thuốc lại cho ai chưa? Trầm ngâm một lúc, cụ Nguyên lắc đầu nói: “Chưa truyền cho ai cả. Mà có lẽ không có người đáng để truyền. Tui chỉ truyền cho người có tâm, có đức thật sự thôi. Nếu không, họ làm nghề với mục đích kiếm tiền thì không được”.
Trần Tuấn