Được chính quyền, bà con lối xóm sửa lại nơi trú ngụ, cụ Tứ hạnh phúc rưng rưng, được an ủi phần nào sau những chuỗi ngày sống trong nỗi tủi hờn, cay đắng vì số phận gian truân, con cái bệnh tật…
Đội nắng nóng sửa nhà cho mẹ con cụ Tứ
Sáng 17/6, một ngày sau khi bài viết về hoàn cảnh của cụ Tô Thị Tứ được đăng tải, PV Dân trí đã trở lại xóm Thái Hòa, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục hành trình tìm lối thoát cho bà cụ 87 tuổi cùng đứa con gái điên dại đang sống chuỗi ngày tột cùng cơ cực của đời người.
Con đường đất nhỏ hẹp dẫn vào nhà cụ Tứ sáng 17/6 có rất đông người qua lại. Một người dân cho biết đó đều là những người dân trong xóm cùng nhiều cán bộ xã có mặt từ sáng sớm cùng chung tay sửa sang lại nhà cho mẹ con cụ Tứ. Hai cán bộ chúng tôi gặp ngay đầu ngõ cho biết, là cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được đơn vị cử về xác minh hoàn cảnh của cụ Tứ sau khi hoàn cảnh bi đát của cụ được Dân trí đăng tải.
Những người dân thôn Thái Hòa dẫu đang mùa cày cấy vẫn dành thời gian công sức sửa sang lại căn nhà nhỏ đã xuống cấp, dột nát đủ bề của cụ Tứ. Giữa cái nắng gắt của miền Trung, nhóm đẩy cát, đẩy gạch, nhóm đào móng đặt đá… Một góc lều vốn là nơi bẩn thỉu, rêu mốc hôi hám đã được dọn sạch. Căn phòng chừng 10m2 được xây mới. Chiếc giếng khoan bên cạnh cũng đã hoàn tất.
Bà Nguyễn Thị Huân, xóm trưởng xóm Thái Hòa là một trong những người hăng hái nhất trong việc sửa sang lại nơi ăn chốn ở cho mẹ con cụ Tứ. Vừa cùng ông Phan Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu chỉ đạo việc tu sửa, bà Huân còn trực tiếp bốc gạch, bưng đá.
“Việc sửa sang lại nhà cửa cho cụ Tứ là cần thiết. Nhưng chính quyền và bà con ở đây thường băn khoăn, có nên sửa nhà cho mẹ con cụ hay không vì chị Hồng bị điên không cho sửa, sửa rồi lại phá hỏng, sửa lắm bà con cũng thấy vừa mất công lại vừa tốn kém. Lần này, sau khi vận động được ít tiền, chúng tôi báo cáo với xã vừa cho tu sửa nhà vừa tìm phương án đưa cụ trở lại cơ sở an dưỡng cho tuổi già” – bà Huân nói.
“Khi nêu vấn đề này ra, ai trong xóm cũng nhiệt thành giúp đỡ, cắt cử người đến cùng tham gia”- bà Huân nói thêm.
“Xin cho tui được sống!”
Khác với lần đến trước không thể bước vào trong căn nhà đổ nát để thăm cụ Tứ do chị Hồng điên dại khóa trái phía trong, lần này với sự hỗ trợ của rất nhiều người đến sửa sang lại nhà cửa, chúng tôi đã bước vào được bên trong. Đây là lần hiếm hoi trong nhiều tháng qua cụ Tứ được trò chuyện thoải mái với một người lạ mặt.
Nhìn điều kiện sống của cụ Tứ mà nặng lòng thương cảm cho bà cụ với khả năng sinh tồn “kỳ diệu”. Gãy chân, cụ ăn nằm một chỗ trên mấy tấm phên được lót miếng bìa các tông mốc úa, bẩn thỉu. Mái ngói phía trên bị chị Hồng điên dại dùng sào chọc thủng lỗ chỗ, có thể sập bất cứ lúc nào.
Sau đó cụ được bà con lối xóm kiếm quần áo cho mặc và làm cho tấm phên tre tạm bợ để nằm
Tuổi cao, sức yếu, cụ lặng lẽ khóc khi nhận những món tiền hỗ trợ nhỏ bé của chúng tôi. Mừng vì lại được chính quyền, bà con lối xóm hỗ trợ, sửa sang lại nhà cửa, nhưng cụ liên tục hỏi chúng tôi về chỗ an dưỡng cho người già.
“Khổ lắm các chú ơi. Cho tui hỏi chỗ an dưỡng cho người già huyện Lộc Hà ở mô? Xin cho tui được đến nơi đó, hãy cho tui được sống”- cụ Tứ thắt ruột nói.
Ngay tại nhà cụ Tứ, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông Dương Hải Triều, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị lãnh đạo đơn vị quan tâm trước lời đề nghị giúp đỡ của cụ bà khốn khổ. Ông Triều nói rằng, đúng như lãnh đạo địa phương phát biểu về hoàn cảnh cụ Tứ trên báo Dân trí, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh từng tiếp nhận, nuôi dưỡng cụ Tứ cách đây gần một năm.
“Đến an dưỡng tại trung tâm sức khỏe, tinh thần cụ khá lên rất nhiều, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, con gái của cụ (chị Hồng) đã đến chửi bới, quậy phá đưa mẹ về bằng được. Sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của các cụ cao tuổi đang an dưỡng tại đây chúng tôi đành trả cụ về địa phương” – ông Triều nói.
Cũng theo ông Triều, chiều ngày 16/6, ngay khi đọc được bài viết về hoàn cảnh của cụ Tứ, ông đã trực tiếp trao đổi với giám đốc về hoàn cảnh của cụ Tứ. “Tôi đã báo cáo anh Trợ (ông Trần Quang Trợ, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh-PV) về hoàn cảnh của cụ Tứ. Sáng nay (17/6- PV) chúng tôi cũng đã cử hai cán bộ của Trung tâm về để tìm hiểu thêm” – ông Triều nói.
Chuyển lời về đề nghị xin được chuyển đến an dưỡng tuổi già của cụ Tứ, ông Triều nói rằng, hoàn cảnh của cụ Tứ nằm trong diện được đơn vị tiếp nhận an dưỡng theo quy định, trung tâm luôn sẵn sàng để tiếp nhận những trường hợp như cụ Tứ.
Sau khi nghe được ý kiến của Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh, ông Phan Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, người trực tiếp chỉ đạo sửa chữa nơi ăn chốn nghỉ cho mẹ con cụ Tứ cho hay, ngay trong tuần này xã sẽ họp bàn với xóm hoàn tất hồ sơ đưa cụ Tứ vào sinh sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội này.
Ông Dũng cho biết thêm, ngoài việc sửa chữa nhà ở, đưa cụ Tứ vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh xã cũng tính đến phương án đưa chị Hồng vào chữa bệnh tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục LĐXH tỉnh Hà Tĩnh đóng tại huyện Cẩm Xuyên và đưa cháu Nam (con trai chị Hồng) vào làng SOS Hà Tĩnh.
Chính quyền xã Phù Lưu đang xem xét để đưa chị Hồng đi chữa bệnh
“Biết là để mẹ con, bà cháu xa cách nhau trong hoàn cảnh thương tâm như thế sẽ có nhiều người không bằng lòng, nhưng thực sự không ai trong mẹ con cụ Tứ có thể tự lo cho mình. Nếu không làm thế cuộc sống của mẹ con, bà cháu cụ Tứ càng thêm bi đát” – ông Dũng nói.