Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng phong phú và phân bổ đều khắp các huyện. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 121 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích 6.193ha.
Hiện trường vụ khai thác đất thuộc nhà ông Nguyễn Xuân Hồng, tại thôn 8 xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang |
Những năm qua, nhằm tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, ngành TN&MT Hà Tĩnh đã từng bước đưa lĩnh vực này vào nền nếp, tăng nguồn thu ngân sách, đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm. Đây là một nguồn lực trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao, kèm theo đó là việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn tới tình trạng khai thác đất lậu diễn ra với tần suất thường xuyên hơn tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Trước thực trạng đó, phóng viên Sức khỏe và Môi trường đã thực hiện Chuyên đề: “Ảnh hưởng môi trường và thất thoát tài nguyên từ hoạt động khai thác đất không phép trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. (Khảo sát thực tiễn trên địa bàn huyện Vũ Quang) để làm rõ những vấn đề trên.
Hình ảnh xe vào ra chở đất đi ra khỏi địa bàn |
Bám theo các xe tải chở đất phục vụ thi công Hồ Điều hòa, huyện Vũ Quang, phóng viên Sức khỏe và Môi trường đã tới điểm khai thác tại xã Đức Bồng. Từ đường DT5 rẽ vào thôn 8 xã Đức Bồng, điểm khai thác là đồi đất đào nham nhở ngay phía sau nhà dân, đường vào điểm khai thác phủ đầy bụi đất, mịt mù mỗi khi có xe chạy qua.
Ngày 19/9/2022, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Hoán - Chủ tịch UBND xã Đức Bồng. Ông Hóan cho biết từ trước giờ không hề hay biết, một phần vì địa bàn rộng, địa điểm lại nằm vùng giáp ranh với địa bàn thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang). Ngay sau khi biết được thông tin, UBND xã đã cử cán bộ vào kiểm tra, ghi nhận trước đó đã có tình trạng trên. Tuy nhiên, thời điểm trực tiếp có mặt tại địa bàn thì không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào.
Chủ tịch UBND xã Đức Bồng cũng cho biết, do lực lượng công an xã có 5 người, trong đó có 2 người đi học, 1 người đi viện, 2 người còn lại theo đề án 06 cả ngày lẫn đêm nên không nắm bắt kịp.
Theo tìm hiểu, điểm khai thác thuộc vườn nhà ông Nguyễn Xuân Hồng tại xóm 8, xã Đức Bồng. Điều đáng nói, việc khai thác tại vị trí cách UBND huyện Vũ Quang khoảng 2km, cách UBND xã Đức Bồng khoảng 3km diễn ra cả ngày lẫn đêm một cách rầm rộ, công khai như vậy ngay trên tuyến đường chính nhiều người qua lại nhưng chính quyền các cấp lại “không hề hay biết”.
Vị trí đổ là dự án hồ điều hòa thị trấn Vũ Quang, do UBND huyện làm chủ đầu tư |
Tình trạng leo thang các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên không có giấy phép, sai quy hoạch đã phê duyệt, không có biện pháp bảo vệ môi trường, hậu quả là thất thoát tài nguyên, thất thoát nguồn thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường, gây nguy cơ sạt lở ảnh hưởng an toàn xã hội, an ninh quốc phòng gây bức xúc trong dư luận và quần chúng nhân dân dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.
Tình trạng tự phát khai thác tài nguyên, khoáng sản đến bao giờ mới có hồi kết? Kẽ hở nào cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ngang nhiên diễn ra như thế? Trách nhiệm thuộc về cơ quan, ban ngành nào? Liệu còn có bao nhiêu dự án, công trình đang được các nhà thầu vận dụng các nguồn đất trái phép như thế này để trục lợi?
Để chấm dứt tình trạng này, kính đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xác minh làm rõ và xử lý theo đúng quy định pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, môi trường và răn đe những cá nhân, tổ chức đang cố tình vi phạm.
Tác giả: QUANG TOẢN – ĐẶNG ĐỨC
Nguồn tin: suckhoemoitruong.com.vn