Chuyện ông bị oan sai là có thật, nhiều cơ quan thừa nhận, nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm hay bồi thường, xin lỗi. Đã 12 năm trôi qua, ông Hồng vẫn tiếp tục đi đòi quyền lợi. Về phía VKS, Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn giữ nguyên ý kiến về việc ông Dương Ngọc Hồng không nằm trong đối tượng được bồi thường.
>> Hà Tĩnh: 12 năm oan sai và hành trình đi tìm công lý
>> Hà Tĩnh: 12 năm oan sai và hành trình đi tìm công lý (Bài 2)
Đơn của ông Dương Ngọc Hồng gửi Báo VietNamNet, mong sự việc được làm sáng tỏ |
Giám định viên và Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm?
Quá trình điều tra, lật lại hồ sơ vụ việc chúng tôi nhận thấy, vụ việc ông Dương Ngọc Hồng bị bắt tạm giam sai chỉ vì kết quả giám định không đúng, từ đó làm thay đổi bản chất vụ án. Vụ việc đáng lý chỉ xử lý hành chính thì ông Hồng lại bị bắt tạm giam 3 tháng.
Và nếu ông không tự đứng ra đi tìm công lý, không khiếu nại kết luận giám định thương tật thì ông đã bị kết án “cố ý gây thương tích” và đã ngồi tù thêm một thời gian dài.
Quay trở lại vụ việc, từ bản kết quả giám định không hiểu lý do gì mà bác sỹ, giám định viên Lê Công Bé đã “cộng nhầm” dẫn tới kết luận tỷ lệ thương tật 11% vĩnh viễn (đủ để truy cứu hình sự).
Chẳng lẽ một giám định viên như bác sỹ Lê Công Bé lại không hiểu được tầm quan trọng của vụ án hình sự để đưa ra một kết luận sơ suất đến như vậy?
Liên quan đến vụ việc, ông Bùi Đức Quang – Viện trưởng VKS huyện Kỳ Anh cho biết, trường hợp của ông Hồng là vụ việc khiếu kiện kéo dài từ lâu nay.
Quyết định trả hồ sơ điều tra của Tòa án và thông báo đình chỉ điều tra vụ án, bị can của CA |
Theo ông Quang, bản chất sự việc thì ông Hồng không phải bị oan, bởi ông Hồng có hành vi gây thương tích cho bà Nguyễn Thị Liệu. VKS huyện Kỳ Anh căn cứ theo kết luận giám định tỷ lệ thương tật 11% vĩnh viễn do Tổ chức giám định pháp y tỉnh Hà Tĩnh mà bác sỹ Lê Công Bé là giám định viên nên Viện không có sai sót gì trong vụ việc này.
“Cơ quan và cá nhân có trách nhiệm xin lỗi ông Hồng là bác sĩ Lê Công Bé và Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh”, ông Quang nói thêm.
VKS huyện Kỳ Anh cũng đã có văn bản trả lời cụ thể (ngày 23/6/2006) nói rõ hành vi của ông Dương Ngọc Hồng là hành vi phạm tội “Cố ý gây thương tích” được quy định tại điều 104 BLHS, nhưng do mức độ thương tật chưa tới mức xử lý hình sự nên đã đình chỉ điều tra.
Nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi ông Hồng tìm ra sự thật để cứu mình trước sự truy cứu của cơ quan tố tụng.
Theo giải thích của cơ quan kiểm sát, trường hợp của ông Hồng không thuộc đối tượng được bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Vì NQ chỉ quy định nếu cơ quan tố tụng làm sai khiến người khác bị oan thì mới áp dụng. Không áp dụng đối với trường hợp truy tố sai do kết quả giám định sai.
Còn đối với bác sỹ pháp y Lê Công Bé (người chịu trách nhiệm về những sai sót) không phải là người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng nên không áp dụng theo Nghị quyết này, ông Quang nói.
Trong khi đó, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, sau khi bác sĩ Bé có nhầm lẫn kết quả giám định thương tích của bà Liệu đã bị Sở Y tế kỷ luật khiển trách. Hiện ông Bé đã nghỉ hưu và đang làm cho một phòng khám tư nhân.
Lỗ hổng cần bù đắp
Theo luật sư Lê Hùng, Văn phòng luật sư Đại Huệ, trong vụ ông Dương Ngọc Hồng, muốn xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai thì phải lục lại hồ sơ vụ án: Các bản lấy lời khai của ông Hồng, của người làm chứng, của bị hại. Và qua hồ sơ mới đánh giá được sự thật khách quan của vụ án, đồng thời xem cơ quan tố tụng có làm sai hay không?
Luật sư Lê Hùng, Văn phòng Luật sư Đại Huệ (TP. Hà Tĩnh) trả lời phỏng vấn của VietNamNet |
Còn về sai sót trong kết quả giám định thương tật thì phải xem xét đó là sai sót ở chỗ nào và tại sao lại xảy ra lỗi sai nghiêm trọng như vậy. Hơn nữa, phải xác định được nguyên nhân vì đâu mà kết quả giám định thương tật lại của Tổ chức giám định pháp y Trung ương ngày 12/6/2003 cho kết quả là 8% có sự chênh lệch lớn với kết quả ban đầu (11% vĩnh viễn) của bác sĩ, giám định viên Lê Công Bé.
Theo luật sư, sai phạm của bác sỹ, giám định viên Lê Công Bé đã rõ. Nhưng bên cạnh đó là sự tắc trách trong hoạt động điều tra của cơ quan công an, vai trò giám sát của VKSND huyện Kỳ Anh thời kỳ đó.
Một chứng cứ có tính chất quyết định, làm thay đổi bản chất của vụ việc (kết quả giám định thương tật) lại được các cơ quan tiến hành tố tụng mặc nhiên thừa nhận, không điều tra, xác minh lại.
Theo luật sư Hùng, vụ việc này cũng cho thấy NQ 388 của UBTVQH (có hiệu lực trước năm 2010) và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 vẫn đang có những bất cập.
Trong trường hợp này, mặc dù ông Hồng bị khởi tố, bắt tạm giam do CQĐT căn cứ vào kết quả giám định đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sau đó phát hiện ra tỷ lệ thương tích chưa thể khởi tố, tạm giam được… lại phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.
Vậy, tại sao không truy cứu trách nhiệm cá nhân, tổ chức là nguyên nhân gây ra hậu quả pháp lý khởi tố, tạm giam oan sai đó?
Mà ở đây, lẽ ra phải truy cứu trách nhiệm của bác sỹ Pháp y Lê Công Bé và Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh- đơn vị chủ quản tổ chức giám định và giám định viên Lê Công Bé ngày đó!
Như vậy, vụ viêc ông Hồng bị oan sai là do những sai sót có tính chất dây chuyền từ các cơ quan chức năng và tố tụng. Mặc dù hành vi cố ý gây thương tích của ông là có thật, tuy nhiên cơ quan điều tra xác định hành vi đó chưa đủ cấu thành yếu tố hình sự. Và việc bắt giam, truy tố ông là do kết quả giám định sai.
Và những sai sót liên tục đó của các cơ quan có thẩm quyền đã đẩy một người dân phải ở tù 3 tháng, mang án oan cả chục năm trời mà không nhận được lời xin lỗi hay bồi thường nào từ cơ quan chức năng.
Văn Đức