Phóng sự - Ký sự

Hà Tĩnh: 12 năm oan sai và hành trình đi tìm công lý (Bài 2)

Cha 12 năm oan khiên, con phải đổi cả họ

Đã trải qua gần 12 năm nhưng vụ án “Cố ý gây thương tích” mà ông Dương Ngọc Hồng là bị can chỉ có thông báo đình chỉ điều tra, không một lời xin lỗi, không bồi thường, không có quyết định huỷ bỏ của Toà án. Ai cũng xem ông là gã gàn dở, đi kiện tụng lung tung làm ảnh hưởng đến người thân. Và không chịu nổi áp lực dư luận, con ông phải đổi họ, em ông phải đổi tên lót vì sợ mang tiếng.

   >> Hà Tĩnh: 12 năm oan sai và hành trình đi tìm công lý

Ra tù, con đã…đổi họ

Cầm theo đơn thư tìm đến Báo VietNamNet, ông Dương Ngọc Hồng cho biết, ông đã bị bắt giam, khởi tố, chịu bao nhiêu nỗi khổ cực mà nguyên nhân chỉ vì cơ quan điều tra huyện Kỳ Anh đã căn cứ vào một bản giám định sai sự thật để kết luận oan cho ông và VKS huyện Kỳ Anh cũng căn cứ vào kết luận điều tra chưa chính xác đó để truy tố ông ra toà.

Điều tra, thương tích, đình chỉ, Viện Kiểm sát. 3 tháng tù oan
Ông Dương Ngọc Hồng với những văn bản các cơ quan trả lời.

“Sau khi đi tù về, mọi người nhìn tôi bằng con mắt khinh thường, họ xa lánh, dè bỉu và coi tôi như tội phạm chưa được xét xử. Thậm chí, nhiều người còn nói nhờ việc “chạy án” nên tôi mới được thả ra” – ông Hồng chua xót.

Càng đau xót hơn đó là việc mấy đứa con với vợ đầu (bà Vũ Thị Tương) đang mang họ Dương cũng đổi sang họ Nguyễn trong thời gian ông đi tù mà ông không hề biết.

Tại Trích lục bản án dân sự số 03/TLDS, ngày 19/04/2004, TAND huyện Kỳ Anh phán quyết, ông Hồng được nuôi hai người con đầu là Dương Thị Hảo (SN 1983) và Dương Ngọc Hào (SN 1985) còn vợ là Vũ Thị Tương, nuôi 2 người con là Dương Ngọc Hà (SN 1988) và Dương Thị Hường (SN 1991).

Cùng với việc đi tìm lại công bằng cho mình, ông Hồng cũng đã gửi đơn “cầu cứu” khắp nơi để “đòi” lại họ cho con.

Tìm về xã Kỳ Châu nơi bà Vũ Thị Tương đang sinh sống, phóng viên VietNamNet được ông Phan Chí Hiếu – Trưởng Công an xã cho biết, đúng là có 3 người con của ông Hồng bà Tương đã đổi từ họ Dương sang họ Nguyễn.

Điều tra, thương tích, đình chỉ, Viện Kiểm sát. 3 tháng tù oan
Các con của ông Hồng đều đổi họ sau khi ông vào tù.

Sổ hộ khẩu của hộ bà Tương cũng thể hiện rõ điều này. Cụ thể là Nguyễn Thị Hảo (SN 1983), Nguyễn Ngọc Hào (SN 1984), Nguyễn Thị Hường (SN 1992). Chỉ còn Dương Ngọc Hà là vẫn giữ nguyên họ Dương.

“Tôi đã nhiều lần tìm về xã Kỳ Châu để hỏi rõ sự việc nhưng cả chục năm trôi qua, chính quyền vẫn không trả lời rõ vì sao các con tôi lại bị đổi họ mà tôi không hề hay biết. Có phải vì tôi đi tù oan nên mới bị làm khó như vậy” – ông Hồng bức xúc.

Chạy xe ôm kiếm tiền đi đòi quyền lợi

Để đòi lại quyền lợi cho mình, ngay sau khi ra tù, ông Dương Ngọc Hồng đã liên tục gửi đơn khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại oan sai đến các cơ quan chức năng cấp huyện, tỉnh và cả Trung ương. Tuy nhiên, đến nay, yêu cầu của ông vẫn chưa được giải quyết.

Theo như văn bản trả lời đơn thư, VKS huyện Kỳ Anh, VKS tỉnh Hà Tĩnh và VKS Tối cao đã có văn bản trả lời khẳng định trường hợp của ông không thuộc đối tượng bồi thường theo Nghị quyết 388/2008/NQ-UBTVQH11.

Điều tra, thương tích, đình chỉ, Viện Kiểm sát. 3 tháng tù oan
Trả lời của VKS huyện Kỳ Anh về việc không bồi thường cho ông Hồng.

Nhưng bản thân ông cho rằng, như thế là quá vô lý nên tiếp tục khiếu nại, đi đòi quyền lợi vì chuyện ông bị đi tù do sai sót của cơ quan chức năng là sự thực.

Và trong suốt 12 năm qua, để có kinh phí cho việc minh oan, ông Hồng đã phải bán hết những tài sản có giá trị trong nhà. Và hiện ông đang góp nhặt từng đồng bằng việc chạy xe ôm tại thị trấn Kỳ Anh để theo đuổi vụ việc này đến cùng.
“Bằng mọi giá tôi phải đòi lại quyền lợi cho mình. Họ làm sai thì phải chịu trách nhiệm. 12 năm qua tôi đã sống trong tủi nhục, bị mọi người xa lánh, những tháng ngày bị bắt tạm giam, 12 năm án treo lơ lửng, không thể cho qua dễ dàng như vậy được”, ông Hồng cho hay.
Cũng theo ông Hồng, từ ngày bị bắt đến khi được thả ra không hề thấy cơ quan, tổ chức nào của xã, của huyện hỏi thăm hay điều tra gì.
Và khi có thông báo đình chỉ vụ án, cũng không thấy cơ quan có thẩm quyền nào nói đến chuyện xin lỗi hay bồi thường tinh thần và vật chất cho ông.

Trong văn bản trả lời của Viện KSND tỉnh và CA huyện Kỳ Anh, đều nói rằng, việc ông bị khởi tố bắt tạm giam do kết quả giám định sai, cơ quan tiến hành tố tụng không sai nên không được xem xét bồi thường theo Nghị quyết 388 của UBTVQH.

Văn Đức – Duy Tuấn

(Còn nữa)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP