Kinh tế

Hà Tĩnh: Bắt đầu từ đổi mới công nghệ

Là địa phương có tới gần 2.000 doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ thuộc các lĩnh vực kinh tế hoạt động trên địa bàn, Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng khuyến khích các DN đầu tư, nâng cấp để từng bước vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại và phát triển.

Tuy nhiên, phần lớn các DN vẫn chưa chủ động huy động được nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ mà lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước nên sử dụng công nghệ lạc hậu; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, mang tính chắp vá, không đồng bộ cộng với tay nghề công nhân; số DN tạo ra sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn còn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, lực lượng lao động trong DN có trình độ công nghệ còn thấp. Có những ông chủ DN chưa được đào tạo có hệ thống về những kiến thức quản lý kinh tế, tin học.

Để khắc phục, Hà Tĩnh đã tạo điều kiện để các DN từng bước đổi mới, nâng cao trình độ; du nhập công nghệ tiên tiến áp dụng vào sản xuất; hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ công nghệ trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm ra thị trường; hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng các chính sách phát triển xuất khẩu. Nhờ đó, nhiều DN chuyển giao, đổi mới có hiệu quả một số công nghệ. Đây là những tín hiệu tích cực của các DN trong quá trình tìm đến những công nghệ mới, tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, giúp DN có hướng đi cần thiết để vươn tới sự bền vững.

Theo Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, đến năm 2015, số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm, giai đoạn 2015 – 2020 tăng 15%, trong đó có 5% DN ứng dụng công nghệ cao; 100% DN sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia.

Không riêng Hà Tĩnh, rất nhiều địa phương trên cả nước cũng coi phát triển KHCN làm then chốt để hướng tới phát triển bền vững.  20 năm qua, nhóm ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ cao tăng bình quân 14,6%/năm. Nhiều khu công nghệ cao ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển. Nhiều địa phương đã tạo điều kiện để các DN từng bước đổi mới, nâng cao trình độ; áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chuyển giao, đổi mới có hiệu quả một số công nghệ như: sản xuất hạt nhựa đa chủng loại, công nghệ sản xuất phôi thép đen, lưới B40 và dây thép gai, công nghệ composite sản xuất các vật liệu mới, công nghệ sản xuất gạch bằng lò đứng liên tục, công nghệ sản xuất ống bê-tông, sản xuất gạch không nung… Đây là những tín hiệu tích cực của các DN nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn và hiểu biết về công nghệ mới của người lao động.

Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy

Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều DN vừa và nhỏ do yếu về năng lực tài chính nên sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ, mang tính chắp vá, không đồng bộ, trình độ tay nghề của công nhân lao động còn ở mức thấp, lực lượng lao động được đào tạo nghề chiếm 32%, còn lại là lao động phổ thông.

Những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong DN; hỗ trợ tài chính thông qua các quỹ phát triển KHCN của quốc gia, địa phương và DN. Tuy nhiên, bản thân các DN cần đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển sản xuất. Chủ động lập kế hoạch phát triển lâu dài, không nên chỉ tập trung vào việc khai thác các cơ hội trước mắt hoặc duy trì quy mô hiện có về thiết bị, công nghệ, lao động… Có chính sách kích thích tính sáng tạo trong DN. Đầu tư cho đổi mới công nghệ ở DN. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của DN trên cơ sở quy hoạch, xác định kế hoạch để xây dựng nguồn nhân lực một cách khoa học, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ công nhân.

Lan Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP