Có thâm niên trong nghề giúp việc cho người nước ngoài gần 20 năm, chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1979 - Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Nhiều người cho rằng nghề này nhàn nhã, dễ làm vì người nước ngoài rất văn mình, lịch sự nhưng khi làm rồi mới thấy không ít vất vả. Để nhận được đồng lương nghìn đô, bản thân mình buộc phải có kỹ năng bài bản, chuyên nghiệp”.
Giúp việc phải "bắn tiếng Anh như máy"
Chị Thanh kể, cách đây 20 năm, khi chị vừa tốt nghiệp một trường trung cấp du lịch, lận đận mãi không xin được việc, chị đành đến trung tâm môi giới đăng tuyển tìm việc.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, muốn giúp việc nhà cho người nước ngoài yêu cầu bắt buộc là phải biết ngoại ngữ.
Thấy chị hiền lành lại có vốn ngoại ngữ khá nên nhân viên trung tâm đã giới thiệu chị đến làm giúp việc nhà cho người bạn quốc tịch Mỹ, mới sang Việt Nam sinh sống. Từ đó, chị chính thức gắn bó với công việc này.
Theo lời chị Thanh, để làm giúp việc cho người nước ngoài không hề đơn giản. Yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất là phải giao tiếp được tiếng Anh.
“Làm giúp việc cho người nước ngoài, tiếng Anh phải 'bắn như gió'. Nếu không có ngoại ngữ chắc chắn khó có thể làm cho họ được. Bởi khi bất đồng ngôn ngữ mình không thể hiểu họ nói gì, yêu cầu gì”, chị kể.
Mặc dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng chị vẫn nhớ như in quãng thời gian mới vào nghề. Chị trải lòng: “Điều các giúp việc khi mới đi làm gặp phải đó chính là những cú sốc về văn hóa, ứng xử.
Mỗi nước có lối sống, phong tục, tập quán khác nhau. Tôi muốn thích nghi được với chủ, phải mua sách viết về nước họ tìm hiểu. Nếu không am hiểu văn hóa, bạn sẽ không thể làm tốt được việc.
Sau nhiều năm đi làm tôi cũng rút ra kinh nghiệm rằng bất cứ công việc nào đều có những yêu cầu riêng, nhất là với nghề này, phải học hỏi không ngừng".
Theo chị Thanh, người nước ngoài có đặc thù là họ nhìn vào chất lượng công việc chứ không nghe trình bày. Giúp việc đến làm thử 1 ngày, họ thấy ưng ý thì kí hợp đồng làm ngay, còn không họ lập tức sa thải.
Hơn nữa, người nước ngoài rất kỹ tính như nhà phải sạch bong, sàn phải láng bóng, thảm không còn bụi... cùng vô số yêu cầu khắt khe khác.
Bên cạnh đó, các gia đình người nước ngoài thường sử dụng vật dụng rất hiện đại, nếu không sử dụng thành thục, dễ làm hư hỏng và bị trừ thẳng vào tiền lương.
Chị Thanh nói tiếp: “Như trường hợp chị bạn tôi làm cho một gia đình có chiếc máy rửa bát đời mới. Mặc dù đã được bà chủ nhà hướng dẫn tỉ mỉ nhưng chị ấy quên cách dùng, chẳng may làm hỏng. Cuối tháng đó, chị bạn tôi chỉ nhận được 3 triệu đồng tiền lương với lý do trừ tiền do làm hỏng máy rửa bát”.
Nữ giúp việc này cũng cho hay, đối với người nước ngoài, giờ giấc làm việc vô cùng nghiêm ngặt, vì vậy hai chữ “nguyên tắc” luôn được đặt lên hàng đầu.
“Với chủ là người Việt, mình chẳng may gặp sự cố hỏng xe hoặc tắc đường sẽ nhận được sự thông cảm. Tuy nhiên với chủ nước ngoài, họ không nghe mình trình bày, họ chỉ cần biết mình đã đến muộn và phải chấp nhận hình thức nghỉ việc”, chị Thanh chia sẻ.
Ngoài tiêu chí về ngoại ngữ, chị Thanh cũng cho biết, khi làm cho các gia đình Mỹ, Anh, Pháp… chị phải đi học nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Theo đó mỗi lần họ tổ chức tiệc, một mình chị phải làm hết từ a - z, từ nấu nướng đến bày bàn tiệc theo quy chuẩn Châu Âu.
"Đây là tiêu chí tìm giúp việc của họ từ ban đầu nên mình bắt buộc phải học thêm để đáp được ứng nhu cầu đó” - nữ giúp việc nói.
Chị Thanh chia sẻ, người nước ngoài rất tôn trọng ngày nghỉ cuối tuần và luôn lên kế hoạch cho những sự kiện quan trọng.
Ví dụ, nếu chủ nhà định tổ chức tiệc vào ngày nghỉ, họ sẽ thông báo trước vài ngày cho giúp việc chuẩn bị. Tất nhiên giúp việc sẽ được trả thêm tiền, như làm ngoài giờ.
Giúp việc lương ngàn đô, đi ô tô
Trong khi đó chị Nguyễn Thị Thơm (SN 1980, quê Thanh Hóa) bộc bạch, chị từng có cơ hội làm giúp việc cho người Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vì thế chị Thơm được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, mỗi gia đình chủ chị lại được học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ.
|
Chị Thơm hiện làm giúp việc trông trẻ cho một gia đình người Hàn Quốc ở khu vực Mỹ Đình.
“Người nước ngoài họ rất tôn trọng quyền tự do cá nhân và quyền con người. Ví dụ khi làm cho người Nhật tôi học được cách quản lý chi tiêu trong gia đình, cẩn trọng trong mọi việc từ việc nhà cho đến ứng xử…”.
Theo lời nữ giúp việc này, bình thường nếu làm cho gia đình người Việt họ chỉ nhận được mức lương từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Giúp việc cho các gia đình nước ngoài lương của họ dao động từ 9 triệu đến 15 triệu đồng.
Thậm chí có trường hợp làm theo giờ cho nhiều gia đình một lúc thu nhập cũng hơn 20 triệu/tháng. Đây là lý do khiến nghề này đang dần trở thành nghề hấp dẫn hiện nay.
Vẫn theo lời chị Thơm, giúp việc cho người nước ngoài chia làm 2 hình thức. Hình thức 1 là làm toàn thời gian, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, lương từ 9 triệu đến 15 triệu đồng. Hình thức thứ 2 là làm theo giờ, tức là mỗi gia đình mình chỉ làm 3 - 5 tiếng, tùy theo nhu cầu của gia chủ.
"Một số người chỉ thích giúp việc theo giờ vì làm được nhiều nhà, lương cao hơn. Có người sau 5 năm đi làm còn tích cóp mua được cả chiếc xe ô tô cũ khoảng 200 triệu để thuận tiện di chuyển giữa các điểm làm trong thành phố như trường hợp chị Nhài (SN 1985 - quê Nam Định), cử nhân đại học.
Chị Nhài khi còn là sinh viên đã xin đi làm giúp việc cho người nước ngoài để lấy tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần bố mẹ. Tốt nghiệp đại học, chị ấy không về quê làm theo định hướng của gia đình mà quyết định bám trụ với nghề này”.
Nữ giúp việc sinh năm 1980 trải lòng, nghề giúp việc cho người nước ngoài mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên tính ổn định không cao, thường xuyên phải ‘nhảy’ việc vì nhiều lý do như chủ về nước, vô tình mắc lỗi bị chủ cho nghỉ…
“Nếu giúp việc làm tốt, thật thà, được chủ quý mến, khi họ về nước sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân… còn không phải gửi hồ sơ vào các trung tâm đợi gọi tên. Có người đợi gần nửa năm vẫn chưa được đi làm" - chị Nhài nói.
(Còn nữa)
Tác giả: Minh Anh - Nhật Linh
Nguồn tin: Báo VietNamNet