Tại Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, bệnh nhân Đỗ Văn Dinh (47 tuổi, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) chia sẻ trước Tết Nguyên đán vừa qua, anh cảm thấy rất ngứa trên đầu. Cảm giác ngứa ngày càng tăng và rất khó chịu, sau đó lan xuống phần thân. Anh cho rằng nguyên nhân từ việc dầu gội và sữa tắm rởm nên bắt vợ thay các loại dầu gội, sữa tắm khác.
Sau đó, chân phải của anh bỗng nhiên đau nhức, đi cà nhắc. Với biểu hiện gần như liệt chân phải, kèm theo hình ảnh chụp CT não, anh Dinh được các bác sĩ tại Bệnh viện Quân đội trung ương 108 chẩn đoán u não. Kết quả khiến anh và gia đình bàng hoàng.
Lịch phẫu thuật não của anh Dinh được lên ngay sau đó. Tuy nhiên, với chẩn đoán mắc một loại u não hiếm gặp, các bác sĩ tại Bệnh viện Quân đội trung ương 108 đề nghị anh Dinh kiểm tra một lần nữa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Kết quả bất ngờ, anh Dinh được xác định mắc giun đũa chó mèo.
Ngay lập tức, anh được chuyển đến Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã làm các xét nghiệm chuyên sâu, khẳng định chẩn đoán mắc giun đũa chó mèo là chính xác. Chúng làm tổ trong não chèn vào dây thần kinh nên anh Dinh bị đau chân.
Anh Dinh cho biết: “Tôi đã điều trị được hai tuần. Thời gian đầu, bệnh làm tôi suy kiệt, nằm suốt ba ngày không thể gượng dậy. Hiện tại tình hình sức khỏe của tôi khả quan, chỉ cần tuân thủ liệu trình điều trị. May mắn tôi không bị u não, nhưng nhiễm giun thực sự rất nguy hiểm. Chúng khiến chân tôi suýt nữa bị liệt”.
Chị Nguyễn Thị Lý (vợ anh Dinh) chia sẻ thêm gia đình chị có nuôi một con chó và 3 con mèo. Anh Dinh hay chơi, tắm và thường xuyên bắt rận cho những con vật này. Đó có thể là nguyên nhân khiến chồng chị bị giun đũa chó mèo tấn công
ThS.BS Trần Huy Thọ (Trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung Ương) – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân – thông tin từ đầu năm đến nay số bệnh nhân nhập viện do mắc giun sán tăng hơn so với mọi năm, trong đó, bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo khá nhiều.
Nhiều bệnh nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với chó mèo nhưng nhiễm giun do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phán tán ra môi trường.
ThS.BS Trần Huy Thọ (Trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành, Viện sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung Ương). Ảnh: Hà Quyên. |
Theo bác sĩ Thọ, Toxocara spp là giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo, bệnh gặp ở tất cả các nước trên thế giới. Giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của chó hoặc mèo ra ngoài ngoại cảnh và phát triển thành ấu trùng. Sau đó, ấu trùng này lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít có thể qua da. Trong các trường hợp nhiễm toxocara spp, trứng đều nở trong ruột và ấu trùng chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tim, mắt, não và các mô khác, gây tổn thương các bộ phận chúng di chuyển đến.
Bệnh nhân có các biểu hiện như đau bụng, ngứa hoặc mệt mỏi thoáng qua hoặc không đặc trưng. “Nhiều bệnh nhân đi khám nhiều bệnh viện không ra bệnh. Họ ít nghĩ tới các bệnh giun sán. Trong khi đó, chúng có thể gây tổn thương lớn, khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt, thậm chí có thể chết người nếu tấn công ở những bộ phận nguy hiểm như tim, gan, não”, bác sĩ Thọ cho hay.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đến khám khi có các dấu hiệu bất thường. Các gia đình nuôi chó mèo nên tẩy giun sán định kỳ, người lớn, trẻ em sau khi chơi với động vật nên rửa tay sạch sẽ đồng thời hạn chế ăn rau sống tại các nơi ô nhiễm, hay có chứa đồ phóng uế của chó, mèo.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.