Đã là người Việt Nam không ai là không biết đến câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba” và cứ đến ngày Giỗ Tổ hàng triệu người dân Việt lại nô nức hành hương về Đền Hùng, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc.
Ban Tổ chức thực hiện nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Chùa Đại Hùng |
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày lễ trọng đại của con dân đất Việt. Ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay. Tính độc đáo của tín ngưỡng thể hiện rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc tổ.
Từ năm 2001, Chính phủ quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Theo đó, Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch chính thức trở thành Quốc lễ.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Chùa Đại Hùng là sự kết hợp hài hòa giữa sinh hoạt tâm linh Phật giáo với nghi thức thờ cúng tổ tiên… |
Ở Hà Tĩnh, hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, đông đảo khách thập phương lại hội tụ về Chùa Đại Hùng ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh để tham gia lễ hội Giỗ Tổ. Nằm trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa trên dãy núi Hồng Lĩnh, ngôi chùa Đại Hùng là sự kết hợp hài hòa giữa sinh hoạt tâm linh Phật giáo với nơi thờ cúng tổ tiên, thờ tự các vị vua Hùng.
Giỗ Tổ Hùng Vương là hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là giáo dục các thế hệ bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc, tưởng nhớ đến các vị tiền nhân đã có công dựng nước. Với những trầm tích văn hóa riêng có, Hà Tĩnh tự hào là nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết về một thời đại Hùng Vương và nay chùa Đại Hùng ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh là một trong những nơi thờ cúng Hùng Vương.
Mỹ Dung