Tin

“Giáo sư, tiến sĩ mà không có con trai thì cũng vứt!”

“Giáo sư, tiến sĩ để làm gì nếu con trai chả có. Anh để bố anh phát ốm vì buồn kia kìa. Vợ anh đang còn tuổi đẻ thì bảo nó phải cố lấy đứa con trai sau này còn thắp hương cho chúng tôi chứ” – bà mẹ đay nghiến.

Đó là một trong số những câu chuyện thật về áp lực sinh con trai của những người thành đạt được chia sẻ trong cuốn sách “Chuyện của đàn ông về con trai” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) vừa công bố.

Những câu chuyện thể hiện tâm tư của những người đàn ông về áp lực mà họ phải đối diện hàng ngày xung quanh câu chuyện về sinh con trai. Có người bị gia đình, họ hàng thúc ép. Một số người khác bị bạn bè chế giễu, miệt thị. Thậm chí phúc đức tổ tiên của họ cũng bị đem ra đàm tiếu…

Tiến sĩ quyết có con trai để vui lòng cha mẹ

Bốn mươi tuổi, có bằng tiến sĩ ở nước ngoài về, làm việc ở một công ty lớn, có vợ đẹp, con xinh, kinh tế vững vàng những tưởng anh X sẽ được mọi người nể phục, thậm chí ghen tị. Tuy nhiên, nhắc đến anh là bạn bè, hàng xóm, họ hàng đều chép miệng tiếc vì anh thiếu một đứa con trai.

Từ nơi làm việc, đến chỗ bạn bè, thi thoảng lại có người hỏi anh có sinh con trai không. Lần nào đưa con về thăm ông bà nội, anh cũng bị nhắc nhở, khi thì trực tiếp, lúc bóng gió.

“Giáo sư, tiến sĩ để làm gì nếu con trai chả có. Anh để bố anh phát ốm vì buồn kia kìa. Vợ anh đang còn tuổi đẻ thì bảo nó phải cố lấy đứa con trai sau này còn thắp hương cho chúng tôi chứ” – mẹ anh thường đay nghiến như thế.

Mặc cảm bất hiếu với cha mẹ và tổ tiên nên dù rất yêu thương và hài lòng về hai cô con gái, anh vẫn năn nỉ vợ sinh thêm đứa con trai. Hai lần sinh nở trước chị đều phải sinh mổ, sinh thêm con nữa ở độ tuổi ngoài 35, anh X rất thương vợ và nguy cơ có thể xảy ra với chị. Nhưng mong muốn làm hài lòng cha mẹ đã chiến thắng. Sau gần một năm ra vào bệnh viện, vợ ôm anh thì thầm “anh sẽ có con trai”.

con trai, giới tính, áp lực,
Tỉ số giới tính khi sinh ngày càng tăng mạnh ở nhóm những người có thu nhập cao và có học vấn.

Phó chủ tịch xã “ăn vụng” để có con trai

Một phó chủ tịch xã đã có vợ và hai cô con gái thông minh xinh đẹp nhưng anh vẫn buồn phiền vì không có con trai. “Mỗi lần đi ăn cỗ, tôi thường bị mọi người bảo nếu tôi không phải là phó chủ tịch xã thì đã phải ngồi mâm dưới chứ không được ngôi mâm trên cùng các bậc cha chú”, ông đắng lòng chia sẻ.

Ông luôn ao ước có đứa con trai hương hỏa sau này và để được tự hào cho bằng anh em, bạn bè. Khổ nỗi ông lại là đảng viên, có tí chức sắc nên không thể công khai sinh con thứ ba. Thế là vị phó chủ tịch xã này đành “giao kèo” với một cô gái gặp trong một chuyến công tác “Nếu cô sinh được con trai thì cô muốn gì tôi cũng chiều. Nếu chẳng may sinh được con gái tôi vẫn chu cấp tiền nuôi hai mẹ con cô”.

Cô gái này sinh cho ông một đứa con trai nhưng sợ người ta biết rồi tố cáo ông sinh con thứ ba nên ông đành để cô gái đứng ra khai tên làm mẹ đơn thân. Rồi ông thú nhận với vợ, nhận thằng bé về làm con nuôi.

“Vợ tôi giận lắm nhưng sợ câu chuyện vỡ lở ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi nên đành chấp nhận như sự đã rồi. Cũng từ đó cô ấy thay đổi hẳn, mặt mũi lúc nào cũng ủ ê rầu rĩ. Tôi tính để đến năm cháu đủ mười tám tuổi, tôi sẽ nói rõ đầu đuôi sự thật cho con trai tôi biết”, ông trần tình.

Càng có học vấn, địa vị càng ham con trai

TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết, phân tích sâu kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và các nghiên cứu về tình trạng mất cân bằng giới khi sinh ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy tỉ số giới tính khi sinh tăng rõ rệt hơn trong nhóm những người có thu nhập cao và có học vấn. Họ đã từng là các nhóm đi đầu trong việc chấp nhận và hỗ trợ thúc đẩy sự phổ biến chuẩn mực ít con và quy mô gia đình nhỏ trong những thập niên trước. Nhưng giờ đây dưới áp lực về trách nhiệm tổ tiên, dòng họ, họ lại là đối tượng ham có con trai hơn ai hết.

“Áp lực phải có con trai càng trở nên nặng nề trong bối cảnh các gia đình đã chấp nhận chuẩn mực ít con. Một số cặp vợ chồng sẵn sàng thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, dinh dưỡng để mong thụ thai con trai trong khi những người khác đi cầu tự khắp nơi. Để chắc chắn đạt được mục đích của mình, không ít phụ nữ đã phải trải qua một quá trình lựa chọn giới tính bao gồm siêu âm và nạo phá thai nhiều lần”, bà Hồng chia sẻ.

“Không ít người luôn dằn vặt, đau khổ, nghi ngờ về sức khỏe, về nam tính của bản thân. Có người thì giận lây sang những đứa con gái của mình cho dù họ rất yêu thương và tự hào về chúng. Những người khác tìm mọi cách để có được một đứa con trai, dù phải thay đổi cách sống và hi sinh quyền lợi của các thành viên khác trong gia đình. Xung đột vợ chồng, thậm chí cả bạo hành trong gia đình cũng đã xảy ra chỉ vì mong muốn có con trai”, vị chuyên gia nhận định qua kết quả nghiên cứu của Viện ISDS.

Kim Minh /VNN

  Từ khóa: Giáo sư , Con trai , tiến sĩ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP