Địa Chí Hà Tĩnh

Gian khó bản Lòi Sim (Hương Khê)

Bản Lòi Sim thuộc địa phận xã Hương Trạch, cách thị trấn Hương Khê khoảng 20 km về phía Nam. Dân bản chủ yếu là người Mường, một số ít người dân tộc Khơ-me và dân tộc Thái. Hơn 60 năm định cư trên đất Hà Tĩnh nhưng đến nay, cuộc sống người dân ở đây vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Sống giữa đại ngàn

Phần lớn dân bản Lòi Sim ở ngay bên đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Hương Trạch. Chúng tôi gặp ông Phan Hồng Lý, năm nay đã gần 70 tuổi, Chủ tịch Hội đồng già bản Lòi Sim. Bên chén nước cỏ nấu bằng lá rừng, cụ Lý say sưa kể chuyện về bản…

Gian khó Lòi Sim
Bản Lòi Sim đã có nhiều thay đổi nhưng cuộc sống của người dân vẫn đang bộn bề gian khó.

Khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, một tộc người chỉ chưa đến 20 hộ dân di cư từ Minh Hóa (Quảng Bình) về định cư bên bờ sông Ngàn Sâu, dưới chân cầu La Khê thuộc xã Hương Trạch. Họ chủ yếu là người Mường có nguồn gốc tận Ninh Bình. Thuở xa xưa, họ sống du canh, du cư. Từ Ninh Bình di cư dần dần dọc theo dãy Trường Sơn qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi vào đến Quảng Bình.

Không rõ tự bao giờ, họ đặt chân đến đất Minh Hóa rồi định cư ở đây một thời gian khá lâu. Hồi đó, họ sống cuộc sống cơ cực bằng săn bắt và hái lượm, rồi lại nghĩ đến chuyện di cư. Trong chuyến đi săn của một nhóm dân bản, ra đến La Khê thì phát hiện một lòi sim, đất đai tươi tốt, lại được người dân bản địa rủ về đây ở cùng. Nhóm thợ săn quay về kể cho cả bản nghe rồi kéo nhau ra khai phá lòi sim ngay dưới chân Trường Sơn. Cũng vì thế, ngày nay bản có cái tên đơn giản: Lòi Sim.

Về Hương Trạch, dân bản đã biết trồng lúa, trồng ngô để làm thức ăn nhưng thức ăn hồi đó vẫn chủ yếu là do săn bắn, đánh cá trên dòng Ngàn Sâu. Đời sống còn nhiều khổ cực, thiếu thốn nhưng ít khi thiếu cái ăn. Khi đó, lợn rừng, gà rừng, nai, hoẵng… thậm chí là hổ vẫn còn khá nhiều, rồi cá đồng, cá sông, tôm, ốc cũng nhiều vô kể. Họ làm nhà sàn, đàn bà mặc váy, không ăn cơm mà nấu bồi bằng cách giã ngô, sắn thành bột rồi hông lên, ốc chặt đít nấu với lá sắn làm canh… đánh bắt cá bằng cách đâm, nơm và chủ yếu là dùng lá rừng, họ đâm nát cây cơi cơi, cây kho hay cây nghén… rồi thả xuống nước, cá gặp phải sẽ bị say rồi tự nổi lên. Đến bây giờ, dân bản vẫn còn lưu truyền bài hát “Hò đâm cá” như một nét văn hóa riêng đáng tự hào.

Đến năm 1964, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, dân bản không ở tập trung nữa mà chia ra rải rác khắp xã Hương Trạch. Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dân bản Lòi Sim cũng phối hợp với Đảng, với bộ đội đánh Pháp, đánh Mỹ cứu nước… Ngước nhìn lên, nhà cụ Lý treo đầy giấy khen vì những đóng góp trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau chiến tranh, dân bản lại quay về Lòi Sim, chỉ một số ít hộ không chuyển về mà vẫn ở rải rác trên các thôn khác.

Còn đó khó khăn

Nhấp chén nước, tôi nhăn mặt vì đắng. Cụ Lý cười: “Con cứ uống đi, nước chống thần đó, tốt lắm”. Cụ kể về Lòi Sim của hiện tại. Bản Lòi Sim có 138 hộ với 484 nhân khẩu, chủ yếu dân bản sống tập trung ở xóm Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch. Văn hóa riêng của một dân tộc thiểu số chỉ còn là mấy bài hò được truyền miệng, tiếng nói riêng cũng chỉ những người già trong bản biết và ít khi sử dụng. Sáu mươi mùa trăng có lẻ về định cư ở đây, cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi, nhận thức, mức sống đã có phần được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều hộ dân ở Lòi Sim vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu đói.

Kinh tế của dân bản chủ yếu dựa vào ruộng và rừng nhưng diện tích đất nông nghiệp của bản quá ít, mỗi khẩu chỉ được 6 thước. Ruộng bậc thang, trải qua nhiều năm canh tác đã bạc màu nên đất đã ít lại thuộc dạng xấu, năng suất thấp. Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước rất mực quan tâm nhưng mức sống của bà con Lòi Sim vẫn còn một khoảng cách khá xa so với xã hội. Năm 2007, Lòi Sim được Nhà nước hỗ trợ trâu, bò, cây giống để sản xuất nông nghiệp. Chưa kể, năm nào Lòi Sim cũng phải nhận gạo cứu đói mùa giáp hạt. Năm 2013, có 104 hộ phải nhận gạo cứu đói sau khi bão số 10 và 11 đi qua. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 của bản Lòi Sim chưa đến 5 triệu đồng. Ngoài làm ruộng, dân bản chỉ biết vào rừng hái măng, lấy lá mây, lá đọt (loại lá dùng làm nón – PV) để kiếm thêm thu nhập nhưng những sản phẩm ấy giá trị kinh tế không đáng kể.

Hiện tại, tất cả trẻ em của bản đều được đi học. Bản có 15 cháu đang theo học mầm non, 20 em học tiểu học, 35 em học THCS tại Trường Dân tộc nội trú Hương Khê, 24 em học THPT. Bản không có ai có trình độ đại học, một vài người được học nghề theo dạng cử tuyển, nhưng học xong chưa có việc làm.

Những con số khô khan đã phản ánh một thực trạng đáng trăn trở của bản Lòi Sim. Dù đã có nhiều nỗ lực từ chính người dân bản và cả sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhưng do nhiều nguyên nhân mà Lòi Sim vẫn chưa thể bắt kịp với xã hội. Nhận thức người dân chưa được nâng cao, dân trí còn thấp, các gia đình đông con cái, thiếu vốn để làm ăn, tư duy cũng còn chậm so với mặt bằng xã hội, lại phải chống chọi với thiên tai… Đấy chỉ là một số nguyên nhân mà chỉ cần nhìn sơ qua cũng có thể nhận thấy. Đáng buồn nữa, nét văn hóa riêng của một dân tộc thiểu số cũng đang bị lai căng và mai một; e rằng, chỉ một vài thế hệ nữa thì người Lòi Sim cũng đánh mất thứ ngôn ngữ riêng của mình. Có lẽ, phải mất một thời gian rất lâu nữa Lòi Sim mới hòa nhập được với cuộc sống hiện đại.

Dương Đức Chiến/baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP