Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 106 km, bắt đầu từ phía Nam cầu bến thủy đến huyện Kỳ anh. Tuyến đường đi qua địa bàn của 6 huyện, thị xã, thành phố là: Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, với số số hộ bị ảnh hưởng lên đến hàng ngàn hộ. Việc triển khai áp giá, bồi thường đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện từ nhiều tháng nay, tuy nhiên đến nay nhiều địa phương vẫn chưa bàn giao được mặt bằng để thực hiện dự án. Theo dự kiến lễ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A sẽ được diễn ra vào giữa tháng 6 này. Như vậy thời gian để thực hiện việc GPMB còn lại là rất ít, trong khi khối lượng công việc này lại còn quá nhiều. Liệu các địa phương có kịp bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án hay không. Đây thực sự là một câu hỏi khó.
Có tới 1.780 hộ bị ảnh hưởng, Cẩm xuyên là một trong những huyện phải thực hiện việc đền bù GPMB vào loại lớn nhất cả tỉnh. Việc triển khai áp giá đền bù được huyện thực hiện từ rất sớm, tuy nhiên đến nay vẫn có hàng trăm hộ chưa xác định được nguồn gốc đất đai nên công tác kê khai áp giá gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài 1.780 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, thì có hàng ngàn hộ khác bị ảnh hưởng gián tiếp. Mặc dù không nằm trong mốc GPMB, nhưng khi tuyến đường được mở rộng, nhiều đoạn lại được nâng cao gần 1m đã làm cho nhiều hộ dân gần như không còn lối đi, nhà lại nằm quá sát tuyến đường nên hết sức nguy hiểm. Do nằm ngoài mốc lộ giới đền bù, nên đối với những hộ dân này, huyện vẫn chưa biết phải tính toán đền bù, hỗ trợ như thế nào.
Ông Bùi Quang Mai, Phó chủ tịch UBND Huyện Cẩm Xuyên cho biết: Trong số các hộ bị ảnh hưởng nằm trong mốc lộ giới huyện đang khẩn trương kiểm đếm và áp giá đền bù theo đúng quy định của Nhà nước, tuy nhiên ở địa bàn Cẩm Xuyên cũng có một số hộ không nằm trong mốc và cũng không thuộc vào diện phải di dời nhưng trên thực tế sau khi tuyến đường hoàn thành thì các hộ này nằm sát đường và ở sâu so với mặt đường nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn và hết sức nguy hiểm vì thế huyện cũng đề nghị các cấp, các ngành cùng với tỉnh cần xem xét lại đối với các hộ nằm trong diện này để có phương án điều chỉnh và hổ trợ sao cho hợp lý và an toàn cho người dân.
Trong hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng của dự án, thì có nhiều hộ buộc phải di dời tái định cư. Đây thực sự là một bài toán rất khó cho các địa phương. Bởi việc bố trí tái định cư vào thời điểm này để đảm bảo quyền lợi cho những hộ có mặt tiền nằm sát quốc lộ 1A gặp nhiều khó khăn. Ngoài kinh phí để chi trả phải tăng lên nhiều lần thì việc bố trí đất để cho các hộ dân tái định cư là cả một vấn đề lớn. Muốn người dân di dời đến nơi tái định cư các địa phương buộc phải tiến hành quy hoạch vùng, đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc làm này vừa mất rất nhiều thời gian, lại hết sức tốn kém, trong khi quá trình đền bù GPMB lại chưa tính đến vấn đề này.
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Mạnh Sơn, Trưởng phòng Công thương huyện Can Lộc, cho biết: Hiện nay việc kiểm đếm, áp giá đền bù đoạn đi qua huyện Can Lộc đã được tiến hành xong đúng với kế hoạch của tỉnh đề ra. Tuy nhiên có một đoạn qua xã Tiến Lộc do phải nấn tuyến từ km 496- 498+800 nên đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân và phải tái định cư trong khi đó huyện lại chưa bố trí được khu vực tái định cư hợp lý mà đang phải vận dụng quỹ đất 5% của huyện để bố trí xen dắm nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác di dời các hộ dân tại khu vực này. Bên cạnh đó đoạn đi qua thị trấn Nghèn cũng đã ảnh hưởng đến gần 10 hộ có nhà cao tầng phải giải tỏa nên việc bố trí tái định cư cho các hộ dân này cũng đang gặp phải một số khó khăn do các hộ dân này đều bám mặt đường 1A nên việc bố trí tái định cư để hợp lý và đỡ thiệt thòi cho người dân cũng là một vấn đề gây khó khăn cho huyện. Tuy nhiên cũng theo ông Sơn thì huyện sẽ cố gắng tuyên truyền vận động để các hộ dân chấp hành việc di dời tạo điều kiện cho công trình sớm được triển khai.
PCT UBND tinh Nguyễn Nhật: “Các địa phương, các ngành liên quan phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ GPMB”.
Khó khăn trong việc kiểm kê, áp giá đền bù trong công tác GPMB là điều thường gặp ở tất cả các dự án. Tuy nhiên một điều đáng nói ở việc áp giá, đền bù tuyến quốc lộ 1A đó là khi nhiều địa phương thực hiện xong việc áp giá khá sớm, thì Ban quản lý dự án lại không có tiền để chi trả cho các hộ dân. Như ở thị xã Hồng Lĩnh, việc kiểm kê, áp giá được hoàn thành từ cách đây nhiều tháng, thế nhưng hết tháng này, sang tháng khác, Ban quản lý dự án là Ban 6 – Tổng cục đường bộ Việt Nam – đơn vị chủ đầu tư lại chưa bố trí nguồn để chi trả. Hệ quả là sau nhiều tháng, việc trượt giá đã buộc địa phương này phải tiến hành làm lại hồ sơ. Việc làm này vừa mất thời gian, đồng thời ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Ngoài những vấn đề về xác định nguồn gốc đất đai, việc kiểm đếm, áp giá, bố trí tái định cư, nguồn chi trả thiếu…thì hiện nay còn có hàng loạt khó khăn lớn khác, như các công trình điện, nước, viễn thông vẫn chưa được di dời. Nhiều địa phương còn đang lúng túng, bị động trong quá trình triển khai, áp giá. Chính những điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Nhật, Phó chủ tịch UBND Tỉnh cho biết: Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A trên địa bàn toàn quốc nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng là một dự án có ý nghĩa về nhiều mặt. Việc GPMB chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, đến tình hình phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó theo quy định của Bộ GTVT thì khi nào công tác GPMB được 70% khối lượng thì mới được triển khai đấu thầu thi công. Vì vậy UBND tỉnh hết sức quan tâm đồng thời cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp xung quanh vấn đề này nhằm soát xét tiến độ thực hiện và yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng tiến hành việc kê khai áp giá đền bù trong thời gian sớm nhất, tiến hành bàn giao cho các đơn vị thi công. Đối với các ban quản lý dự án phải tiến hành chi trả tiền đền bù ngay khi hồ sơ áp giá được thực hiện xong, đồng thời khi tiến hành nhận mặt bằng phải tổ chức thi công để kịp tiến độ. Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm ngoài việc chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị Điện Lực, Viễn Thông, cấp thoát nước tiến hành rà soát lại các công trình trên tuyến để có biện pháp di dời sớm. Đồng thời giao Sở Giao thông vận tải theo dõi công tác GPMB tại các địa phương, hàng tuần có báo cáo về UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Dự án nâng cấp, mở rông tuyến quốc lộ 1A là dự án lớn có ý nghĩa về nhiều mặt. Dự án không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi cho việc lưu thông. Chính vì vậy để tuyến đường nhanh chóng được triển khai xây dựng, các địa phương, các ngành liên quan phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ GPMB.
Bài và ảnh: Đức Thiện
Baohatinh