Kinh tế

Giá xăng lại sắp tăng, mức 30.000 đồng/lít sắp đến?

Ngày 11/3, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Áp lực tăng giá kỳ này là rất lớn trong bối cảnh giá dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử.

Giá xăng tăng chóng mặt

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội tính toán tại kỳ điều chỉnh sắp tới (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 đến 4.800 đồng/lít, tùy loại.

Theo vị này, tính giá cơ sở ngày 8/3, giá bán ra trong nước đang âm là 3.800 đồng/lít với xăng và dầu diesel âm tới 4.800 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp chật vật mà ngay bản thân giới kinh doanh mặt hàng này cũng "đau đầu", "mệt mỏi" (Ảnh: Mạnh Quân).


Ngay sau kỳ điều chỉnh giá hôm 1/3 vừa qua, các doanh nghiệp đã lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới tiếp đà tăng mạnh nên trong kỳ điều hành sắp tới, dù có can thiệp bằng quỹ thì giá vẫn tăng cao, vị này cho biết.

Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng sẽ vượt mốc 30.000 đồng/lít, tiếp tục phá vỡ kỷ lục. Sau kỳ điều chỉnh gần đây nhất hôm 1/3, giá xăng E5 RON 92 hiện có giá bán tối đa là 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp chật vật mà ngay bản thân giới kinh doanh mặt hàng này cũng kêu "đau đầu", "mệt mỏi". "Hiện cứ mỗi tàu xăng dầu được nhập về, doanh nghiệp như chúng tôi đã lỗ 30 - 40 tỷ đồng. Cứ đà này, chắc chắn chúng tôi sẽ không trụ được bao lâu, có thể phải dừng kinh doanh", một thương nhân phân phối xăng dầu cho hay.

Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc điều hành giá tiệm cận với thế giới là cái "đích" cần hướng tới. Theo đó, nếu trong trường biến động mạnh, việc xem xét điều chỉnh 2 ngày một lần sẽ tiệm cận với giá thế giới hơn, giảm lỗ cho doanh nghiệp ngành này. Tuy nhiên, ông Bảo cho biết vẫn chỉ giải quyết được phần nào, bởi vấn đề chính hiện nay là giá dầu thế giới tăng mạnh nhưng không phải do cung cầu mà đến từ những căng thẳng địa chính trị.

Chưa biết bao giờ hạ nhiệt

Đáng chú ý, mức tăng của giá xăng dầu chưa biết bao giờ hạ nhiệt trước tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo Oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 8/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 120,9 USD/thùng, tăng 1,48 USD, tương đương 1,24%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 123,2 USD/thùng.

Theo nhóm nghiên cứu VnDirect, giá dầu Brent tiếp tục đà tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 30% kể từ đầu năm) và lần đầu tiên vượt mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 9/2014 sau khi Nga tiến vào Ukraine. Tuy nhiên, dự báo là áp lực tăng giá sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong một thời gian ngắn sắp tới, và theo quan điểm của nhóm chuyên gia này, dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105-110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.

Trong nước, để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, người dân, mức mà Bộ Tài chính đưa ra là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 2 khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng tăng 45,3% so với cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân Trí

  Từ khóa: Giá xăng tăng , giá xăng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP