Địa Chí Hà Tĩnh

Đường lên Truông Bát

Con đường nhựa phẳng lì thay cho những ổ trâu lởm chởm vắt qua trảng cát miền Lưu – Vịnh, trườn lên dốc Anh Quỳnh rồi đổ xuống một thung lũng bát ngát màu xanh.

Đường vành khăn ngoằn ngoèo cho chiếc xe gồng mình vượt dốc. Qua dốc Động Bụt, chiếc xe màu trắng “thở nhẹ” trôi bồng bềnh trong sương, bác tài bảo tôi cả vùng này là Truông Bát đấy…


Truông Bát – Khe Giao là một nhánh của đường 15 chiến lược xưa kia. Truông Bát nằm trong tầm bom cày, đạn xới. Vậy mà đường vẫn hiên ngang vượt qua truông, qua suối để mạch máu hậu phương chảy mãi vào chiến trường miền Nam. Truông rậm, đèo cao một thời từng là ngăn cách giữa vùng đất Thạch Hà với đất Hương Khê. Truông Bát như đá dựng thành dưới chân là miền Lưu Vịnh, còn bên kia là đất Hà Linh.


Một thời Truông Bát như cánh cửa tự nhiên để miệt đồng bằng vượt truông mà đến với khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Người ta mượn tiếng sơn tràng rèn giáo mác bó lại trong chiếu cói băng rừng, vượt núi hàng tháng trời để đến với cụ Phan Đình Phùng ứng nghĩa. Rồi một thời bom đạn chiến tranh, Truông Bát như lòng chảo hứng bom biến thành bạch địa không một bóng người. Đến cả tiếng gà rừng cũng chìm vào dĩ vãng. Tôi nghe nói Truông Bát là miền đất heo hút, hoang vu. Người Truông Bát xuống thị thành thì lạ lẫm và ngơ ngác như con nai rừng.


Giờ đây, con đường lớn như dải lụa mềm trườn giữa màu xanh cả một vùng núi đồi chuyển động. Bàn tay người đã đưa cây cao su phủ kín cả một vùng đất đỏ. Hơn 10 năm về trước, những thí điểm đầu tiên cho thấy cây cao su hợp với thổ nhưỡng vùng Truông Bát, Hà Linh và người ta ươm những rừng cao su đầu tiên trên vùng đất tưởng chừng heo hút ấy. Những nông trường cao su mọc lên trên vùng đất mới của bàn tay khai sơn, phá thạch.


Từ dốc Đồng Bụt trải dài về phía Hà Linh chừng vài chục cây số, cây cao su cứ lấn dần vào tận nơi thâm sơn cùng cốc. Thật kỳ lạ, vượt qua những điều kiện khắc nghiệt của gió lào nắng cháy, dòng nhựa cao su vẫn hút đất dâng lên và hàng trăm ha cao su đã phủ xanh đồi trọc. Màu xanh áo thợ thấp thoáng dưới tán cây sau những trận mưa mắt lá non xanh đến ngỡ ngàng. Những người công nhân thuộc Công ty Cao su Hà Tĩnh đã bám đất, bám rừng hơn 10 năm trời. Theo đó, những làng công nhân mọc lên với sự lớn mạnh của nông trường cao su.


Sức trẻ như mùa xuân trỗi dậy vỡ đất theo ngày tháng để gieo mầm sự sống. Bởi rằng, thời kỳ hội nhập và phát triển thì cao su là mặt hàng chiến lược. Giờ đây đất chẳng phụ công người, dòng sữa trắng từ cây cao su đã làm nên giàu có cho tỉnh nhà. Thêm vào đó, việc giao đất, giao rừng, lô cao su cho dân Hà Linh đã khai thác đúng tiềm năng của đất đai khi vốn rừng cạn kiệt. Ở vùng Truông Bát, màu xanh của rừng cao su, thông đứng chen nhau. Người vùng Thạch Hà, Can Lộc thì chuyên trồng và khai thác thông. Bên kia dốc, người Hà Linh – Hương Khê thì cao su và keo tai tượng.


Đứng từ trên cao dốc Động Bụt, hình thế cả một vùng rừng núi hiểm trở cheo leo, suối khe cách trở đến cánh chim còn mỏi đường bay huống hồ là bước chân người. Vậy mà trên các triền dốc cheo leo, bên vách núi dựng đứng những rừng thông, rừng cao su mọc lên với những dòng sữa trắng đang mùa khai thác. Mới biết công lao và mồ hôi của con người đã đổ ra biết nhường nào. Cuộc chuyển động hàng chục năm trời đã đem đến những đổi thay to lớn trên đỉnh Truông Bát mà tâm điểm là sự ra đời của Công ty Cao su.


Công ty đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho một lực lượng lớn lao động. Từ vùng Truông Bát, Hà Linh đã hình thành trọng điểm kinh tế khi Công ty Cao su Hà Tĩnh mở mang diện tích cả vùng đất Hương Khê, một phần Kỳ Anh rồi từ Hương Sơn sang nước bạn Lào. Nhìn cơ ngơi với lợi thế từng ngày sinh lợi lại nhớ thuở xưa 400 năm về trước, khi Quận công Ngô Đăng Minh đến vùng đất Đỗ Gia khai ấp lập làng, hình thành nên những cư dân sống với những mảnh ruộng nước nhỏ dưới chân Truông Bát.


Truông Bát như một thung lũng xanh. Bàn chân người mở những lối mòn lên triền dốc để ươm những mầm non tơ. Truông Bát giờ đây khoác lên mình một màu xanh kỳ diệu. Những đổi thay ấy là ánh sáng của công cuộc lao động sáng tạo khi con người biết thủy chung với rừng, biết làm bạn với đất đai. Sự sống ở Truông Bát vững chãi theo thời gian ví như thông reo, gió hát từ bạt ngàn màu xanh vô tận.


Văn Chương – Ngọc Ánh

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Hà Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP