Tại thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, cũng vào ngày này hàng năm, bà con nhân dân lại nô nức tổ chức lễ khai hạ, để tưởng nhớ ông tổ của nghề cào hến. Một trong những nghề mang lại thu nhập cao cho người dân hiện nay.
Bà con nhân dân xã Trường Sơn nô nức tổ chức lễ khai hạ đầu năm cầu cho mưa thuận gió hòa
Ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con nhân dân và con em xa quê đã tập trung về trước ngôi Đền Làng Cào, bên bờ Sông La, thuộc thôn Bến Hến để dự lễ Khai Hạ. Còn được gọi là lễ cầu Yên, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người làm ăn phát đạt quanh năm. Lễ khai hạ được tổ chức gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ thường được các cụ cao tuổi đứng ra chủ trì. Sau khi dâng các lễ vật lên vị tổ của nghề cào Hến và đọc sớ cầu Yên, tất cả mọi người dân và khách thập phương khi đến đây đều dâng nén hương thơm và thành tâm khấn nguyện cho bản thân, gia đình mở đầu 1 năm lao động, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Thôn Bến Hến xã Trường Sơn có trên 200 hộ, trong đó gần 50% hộ làm nghề cào hến. Trước đây chỉ làm thủ công nên năng suất và hiệu quả không cao. Ngày nay, hầu hết các hộ làm nghề đã dùng các phương tiện máy móc thay thế. Mỗi năm, năng suất, sản lượng hến đã tăng cao gấp 10 – 15 lần. Không chỉ làm đủ ăn mà nhiều hộ đã trở nên khá và giàu nhờ nghề hến. Một nhà làm nghề này còn giải quyết việc làm cho từ 10 – 15 lao động. Không chỉ phát triển nghề cào hến, hiện nay thôn Bến hến xã Trường Sơn còn mở rộng các ngành nghề mới như: kinh doanh dịch vụ xăng dầu, đóng tàu thuyền…Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt gần 30 triệu đồng, hộ nghèo chỉ chiếm 0,29%. Lễ khai hạ vào dịp đầu năm mới cũng là dịp để bà con nhân dân và con em xa quê tạ ơn trời đất, sông nước đã cho những mùa vàng bội thu, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hội đua thuyền được xã Trường Sơn tổ chức vào mỗi dịp đầu năm mới
Nằm trong khuôn khổ của chương trình lễ khai hạ, sau phần lễ, là hội đua thuyền của 2 đội bơi thôn Bến hến và Bến Đền. Đây là hội đua được xã Trường Sơn tổ chức vào mỗi dịp đầu năm, đặc trưng riêng của người dân vùng sông nước, tạo nên một phần bản sắc văn hóa Việt mà mỗi người con đi xa ai cũng nhớ về./.
Thanh Tình – Ngọc Luyến