Địa Chí Hà Tĩnh

Đức Thọ: Về làng An Tiến phải tìm trước… phiên dịch!

Nhiều từ… “lạ”

“Đến làng An Tiến, nếu không có phiên dịch thì các anh không làm việc được đâu. Họ nói với nhau nhanh như chim hót và nhiều từ ngữ “lạ” lắm! Có người mới đến cứ nhầm tưởng người dân nơi đây nói tiếng nước ngoài” – ông Lê Bá Hạnh – Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh giới thiệu với chúng tôi về nơi có giọng nói “lạ” – làng An Tiến, xã Đức An (Đức Thọ).

Do có sự chuẩn bị trước, chúng tôi đã nhờ một người bạn là “thổ dân” ở đây đi cùng để… phiên dịch. Vừa dừng xe ở đầu làng An Tiến, chúng tôi gặp một thôn nữ đi làm đồng về. Cô gái vồn vã: Mấy iêng vía đai huổi ai? Chúng tôi ngẩn tò te, không hiểu gì cả. “Phiên dịch viên” cho biết, cô gái nói: Mấy anh về đây hỏi ai? Đây có phải làng An Tiến không? – chúng tôi hỏi. Cô gái gật đầu: Đuống ruồi rạ! (Đúng rồi ạ!).

Về làng An Tiến phải tìm trước... phiên dịch!

Mấy iêng vía đai huổi ai? (Mấy anh về đây hỏi ai?)

Trên đường vào làng, chúng tôi gặp bác nông dân dắt trâu đi cày về. Thấy đông người, con trâu sợ, phải chùn chân. Mấy iêng lé bêng cho cong tru vía nhè. Chúng tôi đang ngơ ngác không hiểu bác nông dân nói gì thì anh bạn “thổ dân” đi cùng giải thích: Các anh tránh bên cho con trâu về nhà. Khi chúng tôi hỏi đường về nhà ông Phan Huy Tụng – Trưởng thôn Quang Tiến, một người dân hướng dẫn: Lại đú, quèng vô đú, vô đú (Lại đó, rẽ vào đó, vào đó).

Ông Tụng cho biết, ngay ở Đức An cũng có 3 vùng với 3 giọng nói khác nhau, gồm: An Tiến, Đại An, Thành Long. Vì vậy, ngay người dân ở đây nhiều khi nói với nhau cũng khó hiểu, huống chi người nơi khác. Ông Tụng kể câu chuyện có thật, người dân Thành Long thường gọi con chó là con chú. Một hôm, có 2 anh em ngồi hàn huyên với nhau thì cô vợ của người em (gốc ở Thành Long) phát hiện con chó bị chết ở sau vườn, liền hớt hải chạy vào báo tin: Chú chết rồi!. Người anh giật mình quát: Chú (em cha – PV) mới ngồi uống rượu với tau đây mà răng lại chết được?.

Về làng An Tiến phải tìm trước... phiên dịch!

Mấy iêng lé bêng cho cong tru vía nhé (Các anh tránh bên cho con trâu về nhà)

Chuyện cô gái người Đức Lập về làm dâu An Tiến không hiểu ý mẹ chồng thường được người dân truyền tụng mỗi khi có đoàn nghiên cứu đến tìm hiểu về ngôn ngữ. Chuyện rằng, ngày đầu làm dâu, đến bữa cơm, mẹ chồng bảo: Rạ muối che xuống cợm. Nghe xong, cô con dâu liền chạy ngay ra sau nhà mang vào mấy bó rơm. Anh chồng cười ngất: Mẹ bảo em ra mời cha xuống ăn cơm, chứ ai bảo đi lấy rơm rạ làm chi.

“An Tiến có giọng nói “lạ” mà người ta thường đùa với nhau là “tiếng chim” rất khó nghe. Người dân ở đây nói rất nhanh, khi họ nói chậm lại, ta có thể nhận biết sự lẫn lộn trong việc dùng một số vần như a – e, o – u… Nhiều từ phát âm của người dân làng này thường sử dụng vần u là chính. Ngoài ra, người làng An Tiến còn sử dụng một số từ ngữ thay thế cho từ phổ thông như: đẩy – đu, nhà – nhè, cha – che…”, ông Lê Bá Hạnh – Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho hay.

Máu thịt của làng

Làng An Tiến nằm dưới dãy núi Trà Sơn thơ mộng, gắn với nhiều di tích từ thời Tiền Lê chiêu mộ người dân, tiến hành khai khẩn ở đây. Theo một số nghiên cứu, điền dã về địa lý, ngôn ngữ, làng An Tiến trước đây là nơi biên ải của đế chế Chămpa cổ. Tuy nhiên, cụ Đào Duy Tự – một bậc cao niên ở xóm Quang Tiến, cũng là người am hiểu về lịch sử của làng cho biết, trong làng có 3 dòng họ lớn là: Đào, Phan và Hoàng. Họ Đào có gốc tích từ làng Tế Cầu, huyện Vĩnh Lại (Hải Dương). Họ Phan có gốc tích từ Đức Sơn, Châu Phong (Tùng Ảnh). Còn họ Hoàng đến nay chưa xác định được gốc tích. Các dòng họ này đến vùng đất An Tiến “khai hoang, lập ấp” từ hàng trăm năm trước.

Về làng An Tiến phải tìm trước... phiên dịch!

Có thể do nguồn nước, thổ nhưỡng cũng làm cho giọng nói của người dân An Tiến không giống ai. (Trong ảnh là giếng làng An Tiến).

Về nguồn gốc giọng nói, cụ Tự đưa ra giả thiết, xưa kia, dưới chân dãy Trà Sơn là vùng rừng núi với nhiều cây cối rậm rạp. Khi các luồng gió mùa đông bắc từ biển thổi vào hay gió tây nam thổi xuống, tạo ra âm thanh xào xạc, vi vu, vì vậy, người dân sống ở đây cũng có giọng nói nhanh như chim hót, gần gũi với thiên nhiên. Hơn nữa, do sống ở vùng rừng núi, không đi lại giao lưu với các vùng miền nên chỉ nói một thổ ngữ riêng. Ngoài ra, có thể nguồn nước, thổ nhưỡng cũng làm cho giọng nói của dân An Tiến không giống ai.

Cụ Đào Duy Tự cho biết, ngày nay, con cháu làng An Tiến học tập, giao lưu, làm ăn với bên ngoài nhiều nên giọng nói “đặc trưng” của làng cũng dần mai một. Đây cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi, dù ở quê hay xa quê vẫn “nặng” tiếng nói của làng. Tiếng nói “lạ” ấy đã trở thành máu thịt thiêng liêng của người dân An Tiến.

Thanh Hoài/ Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP