Tưởng rằng cuộc đời của ông như trang sách khép lại khi đôi mắt của ông mãi mãi không còn thấy ánh sáng nhưng với nghị lực phi thường ông Phạm Dương (SN 1938) ở thôn Long Sơn, xã Đức An, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã vượt qua tất cả và hơn thế nữa ông còn được nhiều người biết đến với lòng yêu mến.
Sinh ra trong gia đình nghèo có 3 chị em, ông là cậu con trai duy nhất. Bao nhiêu hy vọng, tương lai đều được bố mẹ đặt cả vào ông. Thời gian cứ thế trôi. Nhưng bỗng một ngày, cuộc đời của ông như bị thay đổi hoàn toàn. Năm lên bảy, ông bị đau mắt nhưng vì không biết cách chữa trị nên đôi mắt của ông đã mãi mãi không còn thấy ánh sáng nữa. Lúc đó, mặc dù còn quá nhỏ nhưng ông đã cảm nhận được nỗi buồn, tuyệt vọng của bố mẹ. Đã có lúc ông đã có những giây phút bị quan, tuyệt vọng, ông dường như đã buông xuôi tất cả.
“Lúc đó nhà nghèo không có tiền nên cứ chữa bằng mấy loại thuốc lá ở trong rừng. Đến mấy năm sau, bố mẹ tôi quyết đưa ra Hà Nội để chữa trị thì các bác sỹ nói là đã quá muộn rồi. Lúc đó, tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả” – ông Dương tâm sự.
Nhưng với sự an ủi, động viên kịp thời của những người thân trong gia đình, ông đã tập làm quen với cuộc sống không ánh sáng.
Đến năm 12 tuổi, khi không còn tự ti về bản thân mình nữa thì ông đã nghĩ về một cuộc sống khác, một con đường đi cho riêng mình. Không muốn dựa dẫm, phụ thuộc vào gia đình, ông quyết định lên thị trấn để theo học nghề.
“Lúc đầu tôi theo học làm mộc, rồi đến làm bún, đi chăm tơi nhưng tất cả những công việc đó không phù hợp và không thể mang lại cuộc sống cho mình nên tôi chỉ làm một thời gian rồi bỏ. Đến năm tôi 20, sau một thời gian suy nghĩ, tôi đã nghĩ ra cái nghề sửa khóa vì lúc đó người sử dụng khóa đã rất nhiều nhưng người sửa khóa thì lại chưa có. Nghề sửa khóa không đòi hỏi nhiều sức lực, vốn lại ít”.
Nói là làm. Ông quyết định hành quân bộ ra Hà Nội để theo học một khóa sửa khóa. Nhưng để tìm được một “sư phụ” chịu kết nạp mình cũng là một vấn đề.
Ông Dương cho biết: “Lúc đó, tôi ra xin theo học mấy ông sửa khóa dọc hai bên bờ Hồ Hoàn Kiếm nhưng không ai đồng ý cả. Họ bảo người sáng còn chưa sửa được huống hồ là tôi. Nên không có ai chịu dạy tôi cả”.
Dù không được truyền nghề nhưng với suy nghĩ quyết phải học cho được cái nghề sửa khóa để mang về nhà và bằng trí thông minh, nhanh nhạy của mình, ông vẫn học được nghề sửa khóa. Ông Dương kể: “Lần này tôi không xin học nữa mà tôi mang khóa của mình ra nhờ người ta sửa hộ rồi lọ mọ, mày mò “học lỏm”. Lâu dần trở thành kinh nghiệm cho bản thân. Sau gần 2 tháng thì tôi cũng đã thỏa lòng ước nguyện”.
Kể từ khi học lỏm được nghề sửa khóa, ông Dương về quê để mưu sinh. Cũng từ đây ông sống nhờ vào việc sửa khóa. Hằng ngày, bất kể nắng hay mưa, hễ có ai đến gọi là ông lại tay xách nách mang đồ nghề rồi lọ mọ đến sửa cho người ta. Tiền công mỗi lần sửa chỉ dăm ba nghìn, nhà nào nghèo thì ông không lấy tiền. Ông bảo ông yếu sức, lại không nhìn thấy đường nên kiếm được vài nghìn đong bát gạo đủ ăn cả ngày là quý lắm rồi.
Không chỉ giỏi nghề mở khóa, ông Dương còn hát hay, đàn giỏi, biết đan lát. Và chính nhờ tiếng đàn bầu của mình mà ông đã lấy được một người vợ xinh đẹp.
Ông Dương kể: “Trong một lần đi sửa khóa tại làng bên thì tôi gặp bà ấy. Sau khi nghe tôi đánh đàn và nghe kể về cuộc đời của tôi bà ấy đã rất cảm động. Không ngờ từ lần gặp gỡ ấy, tôi và bà ấy đã nên vợ nên chồng”.
Giờ đây, trong căn nhà đơn sơ của ông lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười của đôi vợ chồng già và những đứa cháu. “Giờ sức khỏe của ông không còn như trước nhiều lần tôi bảo ông ở nhà đừng đi làm nữa nhưng ông vẫn không chịu. Ông ấy còn nói chừng nào ông còn sống là ông còn sửa khóa” – bà Thúy (vợ ông Dương) tâm sự.
“Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Giờ nhìn những đứa con của tôi khôn lớn trưởng thành, các cháu đều ngoan hiền là tôi mãn nguyện lắm” – ông Dương lạc quan.
Tóc ông giờ cũng đã bạc gần trắng đầu nhưng hễ có ai gọi sửa khóa ông lại lên đường vì với ông sửa khóa không chỉ là cái nghề mà đó còn là niềm vui và là cuộc sống của ông.
Xuân Sinh – Văn Dũng