Anh Chương (người mặc quân phục)cùng đ/c bí thư Đảng ủy xã tại trang trại.
Cùng niềm thức cảm về người lính dù ở nơi tiền tuyến đang làm nhiệm vụ thiêng liêng hay đã rời quân ngũ trở về quê hương, một sáng mùa đông nắng ấm, tôi về thôn An Phú, xã Sơn Phú, tìm gặp cựu chiến binh Lê Văn Chương sinh năm 1961. Anh đã từng là người lính của Bộ Tư lệnh Hải quân từ tháng 3 năm 1979 khi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” đến tháng 4 năm 1983. Hơn 30 năm sau ngày xuất ngũ, từ những kỷ niệm, kỷ luật, kinh nghiệm nhà binh và phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính năm xưa, anh Chương đã bắt tay vào xây dựng cuộc sống trên quê hương. Nói đến anh Lê Văn Chương bây giờ, người dân trong xã quen gắn thêm cái tên khá dài “Anh Chương – Tổ hợp tác”. Cái tên đã cùng vợ chồng anh đi từ vất vả, gian khó mà vươn lên thành mô hình kinh tế khá của huyện, một hướng làm ăn mới đang được huyện nhân rộng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trở về trước đây bảy năm, vào năm 2007, trước tình hình đất đồi núi đã giao khoán bị chủ quản thiếu ý thức bảo vệ, gây trồng, thậm chí là “bỏ hoang”, chính quyền xã Sơn Phú đã kiên quyết thu lại, giao cho các hộ dân khác để canh tác có hiệu quả. Lúc bấy giờ, số diện tích đất đồi ấy, toàn là sim và vọt, cách xa khu dân cư và lại giáp ranh các xã Sơn Trường, Sơn Phúc, việc đứng nhận làm chủ canh tác sẽ gặp khó khăn nhiều hơn thuận lợi nên người dân còn ngần ngại. Nhưng với ý chí quyết tâm “làm giàu từ làng”, trong “cái khó ló cái khôn”, anh Chương suy nghĩ một mình không thể làm nổi, phải liên kết giữa các hộ gia đình. Nghĩ là làm, anh đứng ra vận động ba hộ rồi sáu hộ gia đình cùng chí hướng làm vườn, trồng rừng (trong đó có đến gần một nửa số hộ là cựu chiến binh) tập hợp lại và mạnh dạn nhận khoán 04 ha đồi núi trọc xứ Rú Chùa để cải tạo đất và trồng đa cây.
Chọn những cây trồng phù hợp chất đất là bài toán đầu tiên của 7 hộ. Rồi đến phương pháp, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh và cách phòng ngừa trâu bò phá, người dân đốt rừng,v.v…. là những bài toán, câu hỏi buộc những người lao động trên vùng đất được giao khoán phải tìm tòi, trăn trở và giải đáp. Đáp số chung chính là phải thành lập Tổ hợp tác vườn rừng và anh Lê Văn Chương được 07 hộ sản xuất tín nhiệm làm tổ trưởng. Có tổ hợp tác, có người đứng mũi chịu sào, chăm lo, vun vén, các xã viên yên tâm đầu tư, sản xuất. Bằng kinh nghiệm và ý chí, sự dãi dầu “một nắng hai sương” của người lao động, những cây đặc sản một thời của vùng quê Sơn Phú và cũng là cây chủ lực của Hương Sơn được ươm trồng. Nào cam bù, cam chanh, cam đường, tắt, quýt,… đến gốc xả, cây tre, cây trúc, măng dự án, cây cỏ lai,… lần lượt bén rễ và xanh tốt. Nơi thung lũng thì trồng cây ăn quả, cây thân mềm, mạn cao và dốc thì trồng rừng keo. Đúng 4 năm ròng rã, kiên trì đầu tư theo hướng Tổ hợp tác đã chọn, nhờ có chủ trương khuyến khích phát triển mô hình kinh tế của cấp ủy, chính quyền địa phương, cấp ủy chi bộ thôn, sự phối kết hợp và hướng dẫn của Hội làm vườn và Dự án thêm cây của huyện, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của 7 hộ với 15, 16 lao động thường xuyên và không thể không nhắc đến sự đoàn kết, giúp đỡ của cả cộng đồng thôn An Phú, năm 2011, cam bắt đầu cho quả bói. Và đến nay, trên 06 ha đất đã có hơn 1700 gốc cam, chanh các loại chưa kể rừng trồng. Năm 2013 vừa rồi, mới tính từ vườn rừng của tổ hợp tác, mỗi hộ trung bình thu về 80 triệu tiền cam, có 02 hộ thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Quả là đất không phụ công sức của người lao động. Điều đặc biệt là, Tổ hợp tác luôn cắt luân phiên 1, 2 gia đình trực bảo vệ vườn rừng 24/24h; Ở đây, ai nấy đều siêng năng cần mẫn, cùng làm, cùng bảo vệ, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và cùng giúp đỡ nhau, chăm chút từng sản phẩm làm ra từ khi bắt đầu đến khi thu hoạch, tiêu thụ. Ngoài thu nhập từ cây ăn quả có múi thì vườn rừng còn là nơi cung cấp thức ăn cho đàn hươu của gia đình. Trong tổ hợp tác, hộ nào hộ nấy đều nuôi hươu tại nhà. (Đây là nghề chăn nuôi đặc trưng của Hương Sơn). Nhà nuôi nhiều thì 10 con, nhà nuôi ít thì 05 con hươu. Bản thân hộ gia đình anh Chương chị Trang cũng đã là một trong những mô hình nuôi 10 con hươu của xã Sơn Phú. Thể nào, khi đứng giữa vườn rừng, thấy cỏ xanh cao ngút chừng ngập ngang người, tôi thắc mắc: “Sao ta không chăn nuôi bò, hươu để tận dụng thức ăn?” Anh cười và trả lời: “Giống cam bù, cam chanh của mình không thể trồng mà lại thả trâu bò vào được, vì nó giẫm chặt gốc và phá nát cây, thứ cỏ này chúng tôi trồng mang về nhà làm thức ăn cho vật nuôi”.
Nhờ biết cách làm ăn từ trong nhà ra ngoài đồng và có thu nhập từ Tổ hợp tác làm vườn rừng, hộ gia đình anh Chương cùng cả 06 hộ gia đình trong tổ đã có kinh tế khấm khá, con cái được dạy bảo học hành đến nơi, đến chốn, gia đình hòa thuận. Từ mô hình kinh tế có hiệu quả của gia đình anh Chương và các hộ gia đình trong Tổ hợp tác đã mở ra hướng làm ăn mới cho các hộ trong xã cải tạo vườn tạp, đất trống đồi trọc để khôi phục vườn cây ăn quả có giá trị. Đến nay, toàn xã đã có khoảng 30 vườn cho thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây cam và các loại cây ăn quả khác. Niềm vui chung của cộng đồng dân cư thôn An Phú, xã Sơn Phú trong dịp cuối năm 2014 này, chính là thôn vinh dự được Uỷ ban nhân dân huyện Hương Sơn công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”. Thành quả ấy có công sức của lực lượng cựu chiến binh nói riêng trong đó có công không nhỏ của anh Lê Văn Chương đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn An Phú còn 5,4% (6/111 hộ) và tạo đà từng bước hướng tới xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Đứng giữa nông trang bát ngát xanh và trùng điệp của rừng keo trên cao, nổi bật một vòng tròn màu đỏ vàng của cam, tắt đang vào chính vụ, thấp thoảng bên mé đồi là những lán trại của các hộ sản xuất trong đó có ánh điện, có tiếng ti vi, có bếp lửa và ấm nước chè xanh; Ngoài xa, nơi con đường đất khá to dẫn về làng là một cổng lớn có đóng mở,… Cái cảm giác được du lịch sinh thái vườn rừng làm chúng tôi khoan khoái và thích thú. Quả là “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” (nhà thơ Hoàng Trung Thông). Chỉ tay về phía mấy gốc cây tắt, cây cam bù trĩu quả, người trồng chờ dành vào dịp tết Nguyên đán mới thu hái, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hồ Hữu Dũng phấn khởi khoe: “Tổ hợp tác làm vườn rừng của anh Chương đây là một trong ba tổ hợp tác của xã ra đời sớm nhất và đến nay hoạt động theo quy chế và có hiệu quả nhất. Năm 2015 tới, xã nhà mạnh dạn với quyết tâm chính trị cao đã đăng ký với huyện nỗ lực phấn đấu, bứt phá về đích nông thôn mới. Bởi vậy, mô hình làm kinh tế tập thể này sẽ được xã chúng tôi tiếp tục quan tâm chỉ đạo và phát triển, nhân rộng để vừa giữ vững môi trường sinh thái xanh sạch đẹp, vừa tăng thu nhập cho nhiều người dân và góp phần đảm bảo đạt tiêu chí về hình thức sản xuất của xã nông thôn mới”.
Cựu chiến binh Lê Văn Chương – người biết làm giàu từ tổ hợp tác, luôn được cán bộ và bà con nhân dân quý mến, là một trong 35 mô hình “Dân vận khéo” được Ban Thường vụ Huyện ủy biểu dương giai đoạn 2008 – 2013. Và tại Đại hội Hội Làm vườn và Trang trại huyện nhiệm kỳ 2014 – 2019 diễn ra ngày 26/12/2014, anh vinh dự là đại biểu được Hội làm vườn huyện biểu dương khen thưởng. Anh đã cùng những đồng đội cũ tô thêm những dòng đẹp đẽ về phẩm chất người lính cụ Hồ hôm nay.
Cù Bích Thuận