Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã có buổi tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt Takebe Tsutomu về tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc tại tỉnh Hokkaido, Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp
Ông Takebe cho biết, tỉnh Hokkaido là tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp phát triển nhất Nhật Bản. Với đặc điểm thời tiết khí hậu ở Hokkaido có mùa đông kéo dài nên thời gian thực tập sinh (TTS) có thể thực tập công việc của các ngành nghề nông lâm thủy sản bị giới hạn, việc bố trí công việc cho TTS nông nghiệp trong suốt 1 năm gặp khó khăn. TTS sẽ không chỉ thực tập trong lĩnh vực nông nghiệp mà có thể thực tập các công việc khác liên quan nên sẽ có việc làm quanh năm và nắm bắt được cả quy trình từ thu hoạch đến sản xuất, chế biến, đóng gói hay làm việc trong siêu thị.
Cách đây 2 năm, Viện nghiên cứu Đông Á của Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Trung ương Hội nông dân Việt Nam trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và phát triển nông thôn với nội dung hai bên sẽ trao đổi nhân lực giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc "Sản xuất thực phẩm, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, xây dựng nông thôn". Tuy nhiên, theo Takebe, v ấn đề vướng mắc ở đây là Hội nông dân không phải là công ty hay một tổ chức có chức năng phái cử lao động cho nên làm thế nào để ý tưởng đưa các cán bộ trẻ của Hội nông dân sang Nhật Bản học tập và làm việc như những TTS có thể triển khai trên thực tế. Ông Takebe cho biết, hiện Nhật Bản đang rất thiếu nguồn lực lao động cho nên có ý kiến đặt ra không tiếp nhận lao động theo cơ chế TTS kỹ năng mà tiếp nhận như lao động phổ thông. Tuy nhiên nếu làm như vậy sẽ làm cho cơ chế TTS hiện nay bị phá vỡ.
Thực tập sinh không chỉ thực tập trong lĩnh vực nông nghiệp mà có thể thực tập các công việc khác liên quan nên sẽ có việc làm quanh năm |
Sở dĩ có ý kiến tiếp nhận lao động theo đúng nghĩa là lao động phổ thông vì theo cơ chế TTS kỹ năng hiện nay, lĩnh vực lao động thực tập sinh sẽ bị giới hạn các ngành nghề và chỉ có cách cải thiện cơ chế tiếp nhận thực tập sinh giống như TTS trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hokkaido, có nghĩa là TTS sang không chỉ làm việc trong một ngành nghề mà tùy theo thời vụ, giai đoạn họ có thể luân chuyển từ ngành này sang ngành khác. Việc đó sẽ giúp đa dạng hóa lĩnh vực TTS có thể làm việc và có thể tiếp nhận được ngày càng nhiều lao động sang làm việc tại Nhật Bản. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế tình trạng lao động làm bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp như hiện nay.
Liên quan đến nội dung trao đổi đưa cán bộ trẻ của Hội nông dân sang Nhật Bản với thời hạn dài hơn 1 năm với tư cách là TTS, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết Bộ hoàn toàn ủng hộ. "Việc đưa họ sang Nhật Bản với tư cách là TTS không phải là vấn đề quá khó nhưng quan trọng là tổ chức như thế nào, trước khi đi có cần phải đạt trình độ tiếng Nhật N3 hoặc N4 hay không hay có những hình thức như thế nào để hỗ trợ họ sang Nhật Bản trong vòng 1 năm. Đó là những vấn đề cần phải bàn thể thực hiện được ý tưởng đó" - ông Diệp nói.
Tác giả: Đ.Viên
Nguồn tin: Báo Người lao động