Trong nước

Đưa 8 vụ án tham nhũng trọng điểm ra xét xử trước đại hội

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.

hatinh24h
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ tám
dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo

Đó là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ tám vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đẩy mạnh xử lý các vụ án tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa có Thông báo về phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất đánh giá và kết luận về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, từ sau phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo (tháng 4-2015) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được triển khai tích cực, có tác dụng thiết thực trên các mặt.

Theo đó, đã đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng (từ tháng 4 đến tháng 8-2015, trên phạm vi toàn quốc, cơ quan điều tra đã khởi tố 82 vụ/189 bị can; Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 116 vụ/286 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 110 vụ/232 bị cáo). Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được tập trung chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới.

Về kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua kiểm tra, 7 Đoàn công tác do Ban Chỉ đạo thành lập đã kiến nghị ban cán sự đảng các bộ, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy được kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; kiến nghị và được Ban Chỉ đạo thống nhất đưa 7 vụ án nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 91 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Khắc phục bất cập trong cơ chế phối hợp

Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương – cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã phối hợp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng và các bộ, ngành chức năng tích cực, cố gắng trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 4 vụ/42 bị cáo; đã xét xử phúc thẩm 1 vụ/7 bị cáo; chuẩn bị xét xử sơ thẩm 8 vụ/63 bị cáo; chuẩn bị xét xử phúc thẩm 7 vụ/55 bị cáo. Tích cực điều tra để kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố đối với 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng gồm: (1) vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng phạm; (2) vụ Phạm Văn Cử và đồng phạm; (3) vụ Trần Quốc Đông và đồng phạm; (4) vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm; (5) vụ Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; (6) vụ Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm; (7) vụ Lê Hùng Sơn và đồng phạm; (8) vụ Nguyễn Thế Dũng và đồng phạm.
Ban Chỉ đạo giao Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để đưa các vụ án trên ra xét xử theo dự kiến.

Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất của Ban Nội chính Trung ương về cơ chế phối hợp giữa cơ quan truy tố, xét xử Trung ương và địa phương. Thực hiện tốt cơ chế này sẽ khắc phục những bất cập lâu nay trong phối hợp giữa các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương trong xử lý các vụ án; hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại, làm kéo dài thời gian xử lý các vụ án.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất chủ trương về việc giao trách nhiệm các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo. Giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo việc thực hiện.

4 nhóm nhiệm vụ trọng  tâm

Về nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng quý IV-2015, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để xã hội và người dân hiểu rõ những cố gắng, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng của nhiệm kỳ vừa qua; những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới; thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Hai là, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế – xã hội để phòng ngừa tham nhũng; các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan chức năng cần tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thời gian qua, từ đó đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, chưa xử lý dứt điểm; việc đưa ra xét xử 8 vụ án trọng điểm trước Đại hội XII của Đảng; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Bốn là, tập trung hoàn thành chương trình, kế hoạch, các đề án trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo tổ chức sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và cả nhiệm kỳ 2016-2020.

TTXVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP