Không phải người nào cũng đọc hết
Ngày 26.10, website Hội liên hiệp VH-NT Hà Tĩnh công bố danh sách dự kiến trao giải Nguyễn Du lần thứ VI, gồm 6 giải A, 8 giải B, 10 giải C, 9 giải khuyến khích và 5 tặng thưởng.
Cuốn “Văn hóa, văn học – Một góc nhìn” (Tập nghiên cứu lý luận phê bình, xuất bản năm 2013) của tác giả N.M.H được gần 16/20 điểm, dự kiến giải C. Trong bài “Sự tự vệ của văn hóa Việt Nam, nhìn truyền thống để lo ngại thực tại”, N.M.H viết: “Mô hình lấy họ tộc làm trung tâm làm cho người Trung Hoa (ngày trước) không mang trong mình ý thức về tổ quốc. Điều này rất khác với người Việt Nam. Nếu như Trung Hoa xưa, rất nhiều bậc tài cao đã “cõng rắn cắn gà nhà” (đưa nước ngoài vào xâm lược đất nước mình – các đất nước trong lãnh thổ Trung Hoa) thì Việt Nam chỉ cần một ông vua cắt đất, ký hiệp ước thỏa hiệp với bên ngoài là lập tức người dân đứng dậy (chẳng hạn như thời điểm Tự Đức cắt 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp năm 1874)” (trang 39).
Nội dung trên “trùng hợp” với nhận định của Phan Ngọc trong bài “Đạo Nho Việt Nam – một sự khúc xạ”, sách “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, NXB Văn hóa – Thông tin, 1998, trang 225 – 227. Trích một số câu của tác giả Phan Ngọc: “Trong óc của người Trung Quốc, nước chỉ là vật sở hữu của một dòng họ… Khổng giáo là một học thuyết không nói đến “tổ quốc”… “Vua Tự Đức cắt đất nhường ba tỉnh miền Nam cho Pháp, lập tức các nhà Nho chống lại”. Một bài khác của N.M.H, “Đi tìm tính cách dân tộc Việt từ cấu trúc của thể loại lục bát” (trang 23) đã có một bài phản biện từ năm 2011 cho thấy tác giả đã mắc nhiều sai sót về kiến thức.
Khi được hỏi vì sao 3 vòng chấm mà để “lọt” tác phẩm như vậy, một thành viên Hội đồng giải thưởng (HĐGT) cho biết: “Phần lý luận ấy không phải người nào cũng đọc hết, người ta chỉ lưu ý bài đã đăng ở báo, tạp chí nào rồi, chứng tỏ đã có ban biên tập duyệt rồi, căn cứ vào đó để cho điểm”.
Chưa bảo đảm tính chuyên môn
Theo thể lệ, tác phẩm dự giải phải được công bố từ 2010 – 2014. Tuy nhiên, tác phẩm tranh bột màu phong cảnh của tác giả L.A.N đã in trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 16 năm 2003. Khi chúng tôi phản ánh điều này, ông Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch HĐGT – công nhận là thấy giống với bức “Rơm vàng” của L.A.N (trong chùm 3 tác phẩm dự kiến trao giải C) và sẽ xem xét xử lý.
Ông Hiếu cũng cho biết một tác giả chuyên ngành mỹ thuật đã làm đơn xin rút khỏi giải sau 2 vòng chấm, do tác phẩm “có vấn đề”.
Được biết 12 thành viên HĐGT thì có đến 9 người gửi tác phẩm tham dự và đều dự kiến đạt giải. Ông Hiếu cho rằng điều này là bình thường, bởi thành viên hội đồng đều là những “cây đa, cây đề” trong giới VH-NT, đồng thời để khách quan, giám khảo không được chấm tác phẩm của mình.
Một tác phẩm phải qua ba vòng chấm: Vòng 1 – Ban chuyên ngành, vòng 2 – HĐGT và vòng 3 – Hội đồng chung khảo. Hội đồng chung khảo gồm 12 thành viên thuộc nhiều chuyên ngành (có 2 thành viên không phải văn nghệ sĩ, mà thuộc cơ quan nhà nước) nhưng chấm điểm tất cả các thể loại. Họa sĩ Nguyễn Viết Danh thẳng thắn: “Như bọn tôi là dân mỹ thuật thì biết gì về tác phẩm văn học mà bỏ phiếu?”.
Về điều này, ông Phan Trung Hiếu cho rằng, mỗi thành viên ngoài chuyên môn đều có phông văn hóa nhất định, mặt khác điểm số của Ban chuyên ngành cùng các tài liệu có liên quan (giải thưởng, bài giới thiệu…) là cơ sở tham khảo quan trọng. Tuy nhiên, ông Hiếu cũng tiết lộ có thành viên HĐGT đã “bê nguyên xi” điểm số của Ban chuyên ngành. Khi đề cập có thành viên thừa nhận chưa đọc hết tác phẩm dự giải, ông Hiếu cho biết như vậy là thành viên đó chưa làm hết trách nhiệm. Ông cũng cho biết việc thẩm định chéo và có thành viên Hội đồng khác chuyên ngành sẽ hạn chế được hiện tượng cục bộ, bảo đảm tính khách quan của giải.
Tuy nhiên, nhiều văn nghệ sĩ cho rằng cơ cấu HĐGT như trên không bảo đảm tính chuyên môn, khoa học. Ông Văn Lê – Hội viên Hội VH-NT, ví von: “Tôi là giáo viên (GV), đã được Sở GDĐT điều động chấm thi nhiều lần. Nhưng xưa nay chưa từng thấy GV thể dục chấm toán, GV vật lý chấm văn… Chắc VHNT mang đặc thù riêng nên rất chi là “nghệ thuật”, “văn nghệ” chăng?”. Còn nghệ sĩ Minh Lý, khi được hỏi vì sao không tham gia giải, đã trả lời: “Tham gia làm gì, vì chưa chấm đã biết ai được giải rồi!”.
Quang Đại / Lao Động