>> Hà Tĩnh: Cận cảnh dự án thép nghìn tỷ bỏ hoang (kỳ 1)
>> Hà Tĩnh: Dự án thép nghìn tỷ ‘hoang hóa’ như thế nào? (kỳ 2)
“Chủ đầu tư kém quá”
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Võ Tá Nam – PGĐ Chi nhánh Hà Tĩnh – Ngân hàng phát triển VN, chủ nợ lớn nhất của nhà máy thép Vạn Lợi, cho biết: Hiện toàn bộ số nợ hơn 600 tỷ mà DA vay của ngân hàng này đã trở thành nợ xấu, quá hạn nhiều lần.
Ông Nam cũng cho biết, sau cuộc họp ngày 15/6, chủ đầu tư có đưa ra phương án để tiếp tục được vay khoảng 300 tỷ để sản xuất ra gang trước, Ngân hàng đã cử 3 cán bộ ở HN vào thẩm định, tuy nhiên đã khẳng định không khả thi vì vốn tự có (đối ứng) của chủ đầu tư không có (gần 100 tỷ), trong lúc cổ đông mới cũng chưa vào.
“Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ để triển khai tiếp, tuy nhiên phải có điều kiện là chủ đầu tư phải có vốn đối ứng, phải có phương án vay các ngân hàng thương mại trên phương án tái triển khai DA. Nếu những cái đó không có thì không thể tiếp tục cho vay.
Bản thân mình không có năng lực thì làm sao bảo ngân hàng bỏ tiền vào được. Tỉnh làm hết sức mình, ngân hàng làm hết sức mình nhưng vẫn chưa được. Và cho đến hiện nay vẫn chưa có chuyển động gì. Chủ đầu tư kém quá”, ông Nam nói.
Nói về số tiền hơn 600 tỷ đồng đã cho DA vay, ông Nam chia sẻ: Nợ đã quá hạn. Kế hoạch thu nợ thì vẫn giao tuy nhiên bản chất không hoạt động, không sản xuất thì lấy gì để thu? Việc nợ xấu này đã làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ trong ngân hàng.
Cũng theo lãnh đạo ngân hàng này thì phương án tốt nhất là đánh giá lại toàn bộ dự án rồi kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực, bán đứt dự án cho họ. Tuy nhiên bên phía chủ đầu tư thì chỉ muốn có thêm cổ đông mới góp vốn.
Tỉnh quyết liệt, chủ đầu tư vẫn im lìm
Có thể nói từ khi dự án này bị đình trệ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các sở ban ngành liên quan đã quan tâm rốt ráo tìm mọi biện pháp tháo dỡ khó khăn để triển khai tiếp…
Hàng đống máy móc, thiết bị đắt tiền phơi sương phơi nắng 3 năm nay.
Tại thông báo số 335 ngày 17/8/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra hai hướng xử lý, hoặc là khắc phục khó khăn để tiếp tục triển khai, hoặc ngừng triển khai, chấm dứt dự án.
Nếu Cty tiếp tục triển khai thì phải thực sự tập trung cao độ để huy động nguồn lực cho DA, xử lý các tồn tại để tiếp tục hoạt động để việc luyện gang đi vào hoạt động trong năm 2012.
Trong trường hợp ngừng triển khai thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ban ngành liên quan thực hiện thủ tục để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư DA nhà máy thép và nhà máy sắt Vũ Quang.
Và Cty phải phối hợp với các ngân hàng cùng cơ quan chức năng của tỉnh để xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị…
Và “ân hạn” lần này là đến ngày 31/08/2012, nếu dự án vẫn đình trệ thì tỉnh sẽ yêu cầu các bên liên quan xử lý việc đã nêu trên.
Đây chỉ là một trong rất nhiều thộng báo có động thái này của UBND tỉnh Hà Tỉnh. Tuy nhiên DA vẫn “bất động đậy”.
Và mới đây nhất là văn bản thông báo cuộc họp ngày 15/6, gia hạn đến 30/6, sẽ thu hồi nếu không triển khai. Thế nhưng lại một lần nữa không thực hiện được.
Chủ đầu tư: Chưa biết khi nào
Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQLKKT Vũng Áng cho biết, trong cuộc họp ngày 15/6, Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo Cty tiến hành kiểm toán, đánh giá lại để xác định giá trị thực mà chủ đầu tư đã bỏ ra.
Mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã rất quan tâm, tìm cách tháo gỡ khó khăn nhưng đến nay DA vẫn nằm im, hơn 1000 tỷ đầu tư dần hoang hóa theo thời gian.
Cũng theo ông Tuấn, dường như có sự nghi ngờ về con số hơn 1000 tỷ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra. Việc không kiểm soát được tổng mức đầu tư cho dự án khiến nhiều nhà đầu tư thấy ngợp.
“Đã có nhiều nhà đầu tư vào tìm hiểu một thời gian rồi lại bỏ đi. Giờ kiểm toán lại sẽ biết giá trị thực tế thì sẽ rao bán cổ đông. Cái này phải xong trong vòng 4 tháng tới”, ông Tuấn nói.
Trao đổi với VietNamNet ngày 4/7, ông Hồ Văn Dũng, GĐ Cty CP Gang thép Hà Tĩnh (chủ đầu tư nhà máy) vẫn khẳng định dự án đang chuẩn bị khởi động lại. Tuy nhiên, thời gian thế nào thì không thể trả lời được vì đang đàm phán với cổ đông mới.
Ông Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại Cty đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho dự án. Việc kiểm toán lại để các cổ đông mới vào biết rõ, không phải có nghi ngờ tổng mức đã đầu tư.
Ông Dũng cũng nói thêm, Ngân hàng đòi hỏi Cty phải có vốn đối ứng 90 tỷ thì mới ra được sản phẩm giai đoạn 1, còn để hoàn thành thì Cty phải có vốn tự có khoảng 300 tỷ. Hiện Cty chưa có vốn tự có mà đang chờ đàm phán với các cổ đông mới.
Trước việc nguy cơ dự án bị thu hồi do liên tục vi phạm tiến độ, ông Dũng nói: Vấn đề là Cty đang làm tiếp để hoàn thành dự án chứ thu hồi thì dễ. Việc đàm phán chuyển nhượng giữa nhà đầu tư cũ và mới sẽ nhanh hơn nhiều so với việc tỉnh thu hồi DA và phải ra tòa án giải quyết.
Ông Dũng cũng tiết lộ các cổ đông mới do Ngân hàng phát triển giới thiệu vào. Đó là những DN hoạt động trong lĩnh vực thép là Công ty CP thép Cửu Long ở Hải Phòng và Cty thép TP. HCM, và có thêm Cty thép Vinaone.
Duy Tuấn
>> Hà Tĩnh: Cận cảnh dự án thép nghìn tỷ bỏ hoang (kỳ 1)
>> Hà Tĩnh: Dự án thép nghìn tỷ ‘hoang hóa’ như thế nào? (kỳ 2)
VNN