Dự án có mục tiêu đảm bảo an toàn và ổn định đời sống cho 600 hộ dân sống dọc sông Ngàn Sâu của xã Gia Phố, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Dự án này thuộc công trình thủy lợi cấp IV.
Dự án bờ kè chống sạt lở sông Ngàn Sâu (bên phải). |
Với tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng, tổng chiều dài thiết kế 1.567m gồm 2 tuyến, tuyến kè bờ Hữu dài 1.313m, tuyến bờ Tả dài 253m, công trình có tổng mức đầu tư hơn 48 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và chủ đầu tư huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, người dân các thôn Thượng Hải, Trung Hải thuộc xã Gia Phố đồng loạt phản ánh, ngày 20/2, người dân 2 thôn nhận được giấy mời của UBND huyện Hương Khê mời các hộ dân sống dọc theo sông Ngàn Sâu chịu ảnh hưởng của Dự án đầu tư xây dựng công trình Kè chống sạt lở bờ sông đến nghe UBND huyện phổ biến quy định đền bù giải phóng mặt bằng.
Cây cối hàng trăm năm xanh tốt, không bị sạt lở nhưng đứng trước nguy cơ bị chặt làm bờ kè |
Điều đáng nói là mục đích của dự án này là hướng đến lợi ích và bảo vệ nhân dân, thế nhưng khi dự án về địa phương, chính quyền đã bỏ qua các quy định, chưa qua một lần họp dân, lắng nghe ý kiến của dân. Phải đến gần 2 tháng sau khi tổ chức đấu thầu thành công, có kết quả trúng thầu từ ngày 26/12/2019, thì ngày 20/2/2020 mới tổ chức họp dân để phổ biến quy định bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến hành thực hiện dự án.
Khi đó, người dân mới “ngã ngửa”. Người dân sống hai bên bờ dòng sông Ngàn Sâu đã trải qua nhiều năm chống bão lũ, hẳn sẽ có những ý kiến khách quan nhất, chính quyền cần lắng nghe ý kiến từ người dân.
Bà Trần Thị Khuyên lo lắng khi chặt cây lâu năm làm kè chống sạt lở nơi không bị sạt lở |
Tại buổi họp, nhiều người dân đã nêu rõ ý kiến không đồng tình xây dựng dự án và mong muốn để nguyên trạng hai bên bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Gia Phố bởi khu vực này không hề bị sạt lở, xói mòn bởi lũ lụt.
Xã cũng có đề xuất xây dựng bờ kè tại khu vực phía trên cầu từ Cầu Trộ đến cầu Đông Hải đoạn qua thôn Nhân Phố khoảng 800m hiện nay đã sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, kiến nghị của xã không được huyện đồng ý, và huyện vẫn tiếp tục hoàn thành các công đoạn để triển khai xây dựng dự án kè tại khu vực ban đầu.
Vườn cây của người dân sắp phải chặt bỏ |
Điều đáng lo lắng nhất là hàng cây mà người dân đã trồng hàng trăm năm nay giúp ngăn lũ, chống bão, chống dòng chảy, chống xói lở có nguy cơ bị chặt bỏ, đến bù, giải tỏa để đưa vào thực hiện Dự án.
Người dân đang rất lo lắng việc mất đất, mất hoa màu, mất việc làm, mất thu nhập, mất những rừng cây đã gắn chặt với đời sống của họ hàng trăm năm nay và đặc biệt tiêu tốn hàng chục tỷ đồng của Nhà nước lấy từ thuế của nhân dân.
Cây cối từ lâu đời nay chắn gió bão |
Nhiều người dân khẳng định nếu Dự án này được thực hiện có thể de dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Không ai hiểu sự “giận dữ" của dòng sông bằng chính những người dân dã gắn chặt cuộc sống ở đó hàng trăm năm nay. Chính những người dân hiểu rõ nhất đặc điểm của sông Ngàn Sâu chạy dọc theo huyện Hương Khê cả hàng trăm km, bên lở, bên bồi theo quy luật của tự nhiên.
Mốc cắm khi chưa được sự đồng thuận của người dân |
Từ những khúc mắc lớn tại dự án trên, có một dấu chấm hỏi rất lớn rằng phải chăng có hành vi cấu kết giữa Chủ đầu tư với cơ quan tư vấn, thẩm định “không lở vẫn làm kè chống sạt lở” để thực hiện những Dự án đi ngược lại với mục tiêu của Dự án.
Tác giả: Danh Tạo - Hạ Trang - Đình Sang
Nguồn tin: Báo PLVN