Dự án thủy lợi xã hội hóa đầu tiên
Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư là dự án thủy lợi và cấp nước được đầu tư theo phương thức xã hội hóa đầu tiên tại Việt Nam. Dự án do Cty CP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 4.500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2016, công suất hơn 1 triệu m3 nước/ngày đêm và có tổng diện tích đất sử dụng trên 3.000 ha.
Đập dâng Lạc Tiến là một hạng mục thuộc dự án. Theo yêu cầu tiến độ cấp nước cho KKT Vũng Áng, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian thi công từ 3 năm xuống còn 2 năm. Đến nay, công trình vẫn trong giai đoạn thi công một số chi tiết và hoàn thiện hồ sơ thủ tục để nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng.
Không có sự cố tại đập dâng Lạc Tiến
Sau khi có thông tin về “sự cố lớn” tại công trình đập dâng Lạc Tiến (được gọi là công trình “nghìn tỉ”), các cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định không có sự cố tại công trình này. Ngày 28.5, đoàn công tác của Bộ Xây dựng do ông Phạm Tiến Văn – Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – dẫn đầu về kiểm tra thực tế tại công trình và làm việc với các cơ quan liên quan. Kết luận buổi làm việc, ông Phạm Tiến Văn khẳng định: “Hiện tượng phần mái sàn nhà điều hành bị võng đã được phát hiện từ trước, nhưng tiến độ xử lý của chủ đầu tư còn chậm. Hiện tượng này không ảnh hưởng đến chất lượng, vận hành của công trình”. Tại buổi làm việc với các cơ quan hữu quan ngày 29.5, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình, Bộ NNPTNT – nói: “Hiện tượng mái nhà điều hành bị võng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của công trình. Nếu nói “sự cố” là cách nói không chính xác, không đúng theo quy định tại Nghị định 15/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tuy nhiên, hiện tượng này cần tập trung xử lý sớm, tránh kéo dài gây hậu quả”. Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng lưu ý cần tham vấn các chuyên gia về xây dựng để đưa ra phương án khắc phục tối ưu, không những đảm bảo về chất lượng mà còn có tính thẩm mỹ.
Để hiểu rõ hơn về tính chất, mức độ của hiện tượng võng dầm mái nhà điều hành của công trình, chúng tôi đã trao đổi với GS-TS Phan Sỹ Kỳ – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Tổ trưởng tổ Tư vấn của dự án. Ông Kỳ cho biết: “Thực ra hạng mục nhà điều hành là hạng mục phụ, có thể không có, một số công trình khác có thể thiết kế dạng mái che cho máy móc và người vận hành. Mặt khác, đây là đập dâng với mục đích dâng nước lên độ cao 37m nước vào mùa khô, giữ nước phục vụ tưới tiêu, vào mùa mưa thì mở cửa tràn cho nước chảy tự nhiên”.
Về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng võng mái nhà điều hành, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế thừa nhận có sai sót trong khâu thiết kế, đúng ra dầm mái cần có độ dày lớn hơn hiện tại. Đơn vị này cũng cho biết đã xây dựng các phương án giải quyết, trong đó phương án dùng các trụ, khung đỡ bằng thép là có tính khả thi cao nhất. Đại diện chủ đầu tư, Giám đốc Cty CP Đầu tư Phát triển Vũng Áng Trần Quang Thưởng cho biết: “Tổng chi phí xây dựng hạng mục đập dâng Lạc Tiến là 357 tỉ đồng, trong đó nhà điều hành có giá trị xây lắp gần 5 tỉ đồng. Kết cấu nhà vận hành được chia thành 5 khoang, giữa các khoang là các khe co giãn theo thiết kế. Vì vậy, việc giữa các khe này có “khoảng cách” là điều bình thường, chứ không phải là vết nứt giữa các thân trụ. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung khắc phục hiện tượng mái dầm nhà điều hành bị võng trong thời gian sớm nhất”.
Nhóm PV/ Báo Lao Động