Từ thủ khoa nghèo – đến gia đình “giàu” đại học
Gia đình em Đậu Thị Thu ở xã Đức Thịnh (Đức Thọ) – thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm học 2011-2012 nuôi 3 con học đại học bằng nghề làm kẹo cu đơ truyền thống. Năm Thu vào trường y, chị gái của em đang học Đại học Kinh tế Quốc dân. Nuôi 2 con học đại học với gia đình sống ở nông thôn, dẫu có tiếng giỏi làm ăn, nhưng bố mẹ Thu cũng không xoay nổi. “Trong giai đoạn khó khăn nhất, gia đình tôi may mắn được vay vốn lãi suất thấp để có thêm chi phí học hành cho các cháu. Giờ thì cháu lớn đã ra trường, Thu đã hoàn thành năm học thứ 3, cháu út vừa đậu Đại học Xây dựng. Gia đình đang nợ chương trình vay vốn này hơn 37 triệu đồng và sắp tới số tiền nợ còn tăng lên, nhưng chúng tôi không phải lo lắng nhiều” – chị Bùi Thị Thược, mẹ của Thu vui vẻ nói.
Công tác giải ngân, thu nợ, thu lãi của chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tại các điểm giao dịch xã, tạo thuận lợi tối đa cho người vay. |
Kỳ thi đại học năm nay, trong số những học sinh xuất sắc ở Đức Thọ, em Trần Văn Cường ở xã Trung Lễ – thủ khoa Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đồng thời là á khoa Đại học Y Hà Nội có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bố Cường ốm nặng nhiều năm nay, mọi gánh nặng dồn lên vai người mẹ nông dân nghèo với 2 sào ruộng và 1 con bò cày. Mẹ Cường – bà Nguyễn Thị Trung người phụ nữ khắc khổ với nụ cười xen lẫn nước mắt trong những ngày vui đón nhận thành quả học tập của cậu con trai út, nói với chúng tôi: “Nghe xã, tổ vay vốn rồi cả cán bộ Ngân hàng CSXH đến động viên, hướng dẫn các thủ tục để vay vốn cho con đi học, tôi nhẹ cả người vì trút bớt được nỗi lo. Vậy là đã có nguồn lực hỗ trợ cho con tôi đi tiếp chặng đường học tập mới”.
Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng bởi những thủ khoa mà còn là nơi nuôi dưỡng ý chí của rất nhiều gia đình “giàu” đại học. Những gia đình có 3-5 con học đại học rất nhiều, thậm chí có nhà dám vay tiền nuôi cả 6 con đại học. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Duyên (Quang Lộc – Can Lộc) có 6 con học đại học, cao đẳng thì 5 người đang có tên trong danh sách sinh viên vay vốn ưu đãi. “Nếu đi vay lãi suất thông thường thì dù có thương con mấy, chúng tôi cũng chẳng thể liều. May sao, ngay khi các cháu lần lượt vào đại học thì chương trình cho sinh viên nghèo vay vốn bắt đầu được triển khai. Hiện gia đình tôi đã vay trên 200 triệu đồng, nhiều lúc cũng lo. Nhưng 3 đứa giờ đã ra trường, có việc làm, chúng đều động viên bố mẹ yên tâm vì có trí thức, việc làm thì sẽ trả được nợ” – ông Duyên chia sẻ.
Niềm hạnh phúc nối những bờ vui
Hà Tĩnh là một trong 3 tỉnh có dư nợ chương trình cho vay HSSV hoàn cảnh khó khăn lớn nhất cả nước. Số lượng cán bộ có hạn, địa bàn chia cắt, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên phải gồng mình trước áp lực khối lượng công việc lớn với hàng trăm ngàn món vay. Thế nhưng, trách nhiệm làm cầu nối đưa nguồn vốn ưu đãi đến với những gia đình nghèo hiếu học luôn tạo động lực lớn để cán bộ, nhân viên chi nhánh nỗ lực, sáng tạo, phối hợp hiệu quả với chính quyền các cấp và các tổ chức hội ủy thác, thực hiện tốt chương trình.
Cùng với việc làm tốt vai trò tham mưu các cấp chính quyền chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan vào cuộc, Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn cơ chế, chính sách cho vay đến cán bộ chủ chốt của UBND cấp xã, các hội đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện công khai quy trình, thủ tục cho vay tại trụ sở UBND xã để nhân dân tìm hiểu; tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn từ các tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện giải ngân trực tiếp đến hộ vay tại điểm giao dịch xã; phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền phổ biến nội dung chính sách cho vay đến nhân dân và các cấp, ngành, vừa phối hợp thực hiện, vừa giám sát lẫn nhau, đảm bảo chương trình dân chủ, công khai.
Dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn lớn cũng là áp lực để Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh sớm triển khai công tác quản lý và thu hồi nợ đến hạn nhằm giảm gánh nặng cho cả người vay và ngân hàng. Việc phân kỳ hạn trả nợ với hộ vay vốn khi HSSV nhận tiền vay học kỳ cuối cùng và tổ chức thu nợ, lãi hàng tháng tại các điểm giao dịch đối với các hộ có điều kiện, tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn được thực hiện tốt, tạo ý thức chủ động trả nợ và sự thuận lợi cho người dân khi thực hiện các giao dịch ngân hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò trách nhiệm trong việc động viên người vay tiết kiệm chi tiêu, huy động mọi nguồn lực từ thu nhập của gia đình để trả nợ ngân hàng. Nhờ đó, đến thời điểm cuối tháng 6/2014, nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm tỷ lệ 0,062% trong tổng dư nợ 1.145 tỷ đồng.
Một năm học mới đang đến gần với những cánh cửa rộng mở từ các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề khắp cả nước. Và chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn như dòng suối mát khơi những mạch nguồn tri thức mới trên vùng đất học Hà Tĩnh.
Mai Thủy