Văn hoá Dân gian

Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh…

Làng Phú Lạp, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, là một trong những cái nôi ca trù của nước ta. Ca trù Cổ Đạm có nét độc đáo riêng nên được triều đình nhà Nguyễn ở Huế rất ưa chuộng.

Cổ Đạm, cái nôi của ca trù

Tương truyền, ngày xưa, ở làng Tiên Cầu (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân) có dòng họ Phan, con trai, con gái sinh ra đều biết hát ca trù. Nhưng buồn thay, con gái ở đây lại kém nhan sắc, rất mong được ông thầy địa lý nổi tiếng Tả Ao lấy cho huyệt đất táng mộ tổ ở Phú Lạp, khuyên con cháu nên về dưới đó. Quả thực khi mộ Tổ đem về táng ở Phú Lạp thì con gái họ Phan xinh hẳn ra.

Khi về ở Phú Lạp, con cháu họ Phan truyền hát ca trù cho các dòng họ như: họ Hà, họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Dương. Những người hát hay được chọn vào phường. Mỗi phường có một người phụ trách. Các gia đình chức sắc, quan lại, giàu có mời đến hát chầu, hát mừng, còn đến ngày lễ, hội các địa phương mời các phường hát tế tụng, hát chầu.

Ca trù Cổ Đạm có hàng trăm làn điệu, nhưng các phường thường hát khoảng 80 làn điệu. Vào thời Lê, ca trù phát triển mạnh ra các huyện trong vùng như: Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Vinh, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) và ra đến tận Thanh Hóa. Ca trù Cổ Đạm có từ bao giờ đến nay chưa ai khẳng định được, nhưng có sổ sách ghi có từ thời nhà Lê, có sách ghi có từ thời nhà Lý. Nhưng các sách đều ghi thế kỷ 17, hát ả đào rất thịnh hành, sang thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, hát ả đào ở huyện Nghi Xuân nổi tiếng thiên hạ. Cổ Đạm có đền thờ và bức tượng tổ sư nghề hát và hàng năm, cứ đến ngày 11 tháng Chạp (Âm lịch), ở đây lại tổ chức ngày giổ Tổ nghề hát ca trù Cổ Đạm. Các phường khắp nơi trong vùng đều tập trung về đây đàn hát. Tao nhân mặc khách đổ về Cổ Đạm thưởng thức. Những người nổi tiếng như quan Đại thần Nguyễn Khản, Đại thi hào Nguyễn Du, Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đều rất mê ca trù Cổ Đạm. Dân gian xứ Nghệ có câu: “Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh, đưa với đón trọn tình chung với thủy”.
Ca trù Cổ Đạm khác biệt với ca trù ở trong Nam, ngoài Bắc, phách đánh chìm, đàn lửng, róc đánh ngắn hơn. Lối xòe đàn, lối rung, lối nhấn cũng khác nhiều so với ca trù ngoài Bắc. Lời ca trù ngoài Bắc phần lớn lấy từ các câu dân ca, những câu thơ lục bát, lục bát biến thể hay song thất lục bát, còn ca trù Cổ Đạm lời phóng túng. Nguyễn Công Trứ là người có công sáng tác lối “hát nói” cho ca trù Cổ Đạm.

Triều đình Huế mê ca trù Cổ Đạm

Những nghệ nhân nổi tiếng của ca trù Cổ Đạm.
Những nghệ nhân nổi tiếng của ca trù Cổ Đạm.

Ông Phan Phú Giai, một ca công đóng vai hề nổi tiếng và hát điệu trào lộng rất hay. Ông được vua Gia Long mời vào cung đình hát cho Vua và các quan nghe. Mỗi lần xem Phan Phú Giai biểu diễn, nhà Vua không nín nổi cười. Ông được ngợi khen và ban thưởng, tin tưởng cử làm Cai ty giáo phường. Con trai của ông là Phan Phú Truyền cũng hát ca trù nổi tiếng được bổ làm chức thị xướng, hầu hát trong nội điện. Từ đó, chức Cai ty giáo phường xứ Nghệ được giao cho giáo phường Phú Lạp cha truyền, con nối. Đến đời Minh Mạng, Cai ty giáo phường được đổi tên Thanh Bình đội. Chức đứng đầu Thanh Bình đội vẫn giao cho giáo phường Phú Lạp đảm nhiệm. Triều đình nhà Nguyễn đặt cho làng Phú Lạp 4 chữ: “Mĩ tục khả gia”. Trong thời Nguyễn có 4 cô đào bước chân vào Hoàng tộc: Ngự ca Nguyễn Thị Bính, vợ ông Tôn Thất Hân một người học rộng, tài cao, một trọng thần đầu triều; Danh ca Phan Thị Xuân lấy em Tôn Thất Hân; Ngự ca Nguyễn Thị Thư lấy con trai Tôn Thất Hân; Ngự ca Trần Thị Khang thế hệ ngự ca cuối cùng của ca trù Cổ Đạm. Bà có nhan sắc hiếm có, hát hay đàn giỏi, sành âm luật trong xướng họa, tính tình thùy mị, nết na. Bà lấy em trai Vua Khải Định. Không may chồng mất sớm. Sau khi chồng mất một thời gian, bà bế con về quê. Rời cung đình Huế nhưng tài năng, nhan sắc của bà làm cho nhiều vị quan mê mẩn. Có một vị quan Thượng thư từ Huế gửi thư cho bà. Nhận được thư bà viết thư họa lại. Thư của bà viết sâu sắc, kín đáo, chối từ khéo léo, làm xao xuyến người đọc:

Từ buổi chia tay khách đế đình
Việc nhà cô quả thiếp về Vinh
Ngửa hai tay trắng cười duyên phận
Cầm bốn tao nôi kể sự tình
Đàn phách hãy còn theo dặm tía
Phấn son chưa dễ phụ mày xanh
Gửi người quân tử thơ đề tặng
Nhớ mãi Hương Giang nhớ Ngự Bình.           

Trong suốt 140 năm, ca trù giáo phường Phú Lạp được triều đình Huế gọi là “Đội quốc nhạc”. Mỗi khi triều đình có lễ lạt, khánh tiết lớn, Phú Lạp cử một đoàn vào phục vụ. Lúc ra về, đoàn chọn một tốp ở lại phục vụ thường xuyên cung đình trong suốt kỳ lễ.

Sau năm 1945, ca trù Cổ Đạm mai một dần. Nhiều người đam mê, hiểu biết ca trù Cổ Đạm thấy không thể để mất đi một dòng thi ca bác học, đã có trên đất Nghi Xuân nhiều thế kỷ, nên đề nghị với huyện, với Phòng Văn hóa có giải pháp để hồi sinh ca trù. Tháng 12/1998, UBND huyện Nghi Xuân cùng với Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo ca trù Cổ Đạm. Sau khi Hội thảo được lãnh đạo tỉnh đồng tình, các nhà nghiên cứu khẩn thiết yêu cầu phải làm sống lại ca trù Cổ Đạm. Phòng Văn hóa huyện cho cán bộ xuống Cổ Đạm tìm được một số nghệ nhân ca trù đang còn sống nhưng tuổi đều đã trên 80. Đó là bà Phan Thị Mơn, Nguyễn Thi Nga, Trần Thị Gia, Hà Thị Bình, Phan Thị Lý và ông Nguyễn Phùng. Từ đó, Phòng Văn hóa huyện cùng với xã thành lập Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm. Chủ nhiệm Câu lạc bộ do ông Nguyễn Phùng, một giáo viên về hưu rất hiểu biết về ca trù Cổ Đạm đảm nhiệm. Câu lạc bộ đã đào tạo được nhiều tài năng trẻ như: đào nương Nguyễn Thị Loan, Cao Thị Hà, Dương Thị Xanh, Dương Thị Nết. Tiếp sau đó, huyện đã cho thành lập Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ, đưa ca trù vào trường học, hàng năm tổ chức hội diễn. Nhờ vậy, ca trù Cổ Đạm đã hồi sinh. Tháng 6 năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin lập hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm đảm nhiệm nội dung hát múa Cửa đình. Trong những năm qua, lần nào dự Hội diễn ca trù toàn quốc, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm và Câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ cũng đạt giải. Hội diễn ca trù toàn quốc năm 2014, Nghi Xuân cũng đạt thành tích cao. Tiết mục hát múa Tứ quý đạt Huy chương Vàng. Ca nương Dương Thị Xanh là 1 trong 9 giọng ca trù xuất sắc toàn quốc. Trần Văn Đài cũng là 1 trong 9 người xuất sắc kép đàn hay toàn quốc. Em Nguyễn Thị Hà mới 12 tuổi nhưng là 1 trong 2 giọng ca trù triển vọng của đất nước…
Xuân này, chúng tôi lại cùng nhau về Cổ Đạm nghe hát ca trù.

Hải Hưng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP