Làng Động Gián hình thành vào đời Trần, cách ngày nay chừng 700 năm. Câu truyền miệng “bất hành Cương Gián lộ” (chớ đi đường Cương Gián) nói về sự hẻo lánh, hiểm trở và hoang vắng của vùng đất xưa kia. Nhưng, ví như cây kia bám vào vách núi, như sóng nọ biết ôm bờ, lớp lớp nối nhau, người Cương Gián kiên gan gây dựng cơ đồ, xóm mạc và biết ghi tên tuổi của mình để lưu danh cùng sử sách. Thời gian như tấm bia đá để con người nơi đây viết nên hành trang của mình. Trong tiến trình phát triển của quê hương, đất nước có ánh sáng lấp lánh từ miền quê bên đầu ngọn sóng. Lưng tựa vào sườn núi, mặt hướng ra đại dương đã tạo nên tính cách kiên gan vượt khó, vươn lên của người dân Cương Gián bao đời nay.
Đây đỉnh núi Am, kia đồi Hỏa Hiệu, rồi đỉnh Hàm Sơn, Đá Bạc, Hàm Rồng… Bao nhiêu địa danh là bấy nhiêu sự tích. Mới hay, núi sông hiểm trở cũng sinh người khác thường. Mạch đất Hoàng Long – Cương Gián tự hào là xuất quê, bản quán của vị khai quốc công thần Lê Triều cương quốc công Nguyễn Xí từ buổi nhà tan, nước mất đầu thế kỷ XV; khi giặc Minh thôn tính Đại Việt, người con ưu tú đất Động Gián đã theo phù chủ soái khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi. Trải bao “nếm mật, nằm gai”, qua nhiều chiến chinh trận mạc, Nguyễn Xí là dũng tướng tiên phong vào sinh, ra tử vì nền độc lập của giang sơn và rửa nhục nô vong cho giống nòi dân Việt.
Lễ hội đua thuyền ở Cương Gián. Ảnh: Quang Vinh |
“Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/Miền trà lân trúc chẻ tro bay” là những chiến công chói lọi trong trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, dựng nền độc lập năm 1428. Công lao to lớn của danh thần Nguyễn Xí được ghi nhận như một ân điển đặc biệt khi Thái tổ Lê Lợi xếp vào hạng khai quốc công thần. Người con mang dòng máu dải Hoàng Long lại vung gươm dẹp loạn nghi dân để lập lại kỷ cương xã tắc cho vương triều, nối dòng đại thống với minh quân Lê Thánh Tông, đưa nước nhà lên đỉnh cao của chế độ phong kiến ở thế kỷ XV. Từ Động Gián, tên đất đổi thành Cương Gián phải chăng là lấy tên uy danh và công đức mở nước của Cương quốc công Nguyễn Xí?
Một dải Phượng Giang đổ ra Lạch Kèn. Lạch Kèn xưa là điểm dừng trên đường hải đạo của những cuộc viễn chinh về phương Nam hay phân tranh Trịnh – Nguyễn. Bởi vậy, mới có chuyện hai anh em họ Nguyễn bỏ mình vì nước trên đầu ngọn sóng. Người Cương Gián tưởng nhớ công đức những danh thần có công với nước bằng việc lập đền thờ, quanh năm hương khói. Khói hương chính là niềm thành kính, là nhịp cầu vô hình nối quá khứ với hiện tại, bởi con người luôn có đức tin về những giá trị văn hóa tinh thần đáng trân trọng.
Nhân dân Cương Gián tổ chức lễ đón nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Núi Trúc. |
Người Cương Gián luôn tự hào và ghi nhận ân đức của tiền nhân đã khai phá, tạo dựng nên quê hương mình. Trong miền tâm tưởng, người ta luôn cầu mong cho bản thân, gia đình bình yên, khang thái; cho quê hương, đất nước ngày càng ổn định, phồn vinh. Âu đó cũng là đạo lý ở đời.
Cương Gián hôm nay đổi thay nhiều lắm. Sự đói nghèo, heo hút đã chìm vào dĩ vãng. Từ cái khó, ló cái khôn, đó là tính cách mạnh mẽ để người Cương Gián vươn ra biển lớn, hội nhập và phát triển. Gần 30 năm đổi mới, người dân nơi đây biết phát huy nội lực để giao lưu, nhập cuộc kinh tế với khu vực và quốc tế. Từ một làng quê hẻo lánh, bước chân người Cương Gián trải khắp những quốc gia hợp tác kinh tế với Việt Nam. Từ Hàn Quốc, Nhật Bản, hay nước Úc xa xôi rồi Malaysia, Anh Quốc đều có người Cương Gián sinh cơ lập nghiệp, hợp tác lao động. Chính nguồn lợi từ xuất khẩu lao động đã mang lại giá trị kinh tế lớn, là động lực làm đổi thay từng ngày bộ mặt của làng.
Ngày nay, nói đến Cương Gián là nói đến một miền quê giàu có bởi sự mạnh dạn tiên phong hội nhập quốc tế; bởi biết khai thác thế mạnh của một vùng quê biển và đi lên bằng chính sức mình để không thua em, kém chị của mỗi người dân. Cương Gián là điểm sáng của công cuộc đổi mới, bắt kịp trào lưu hội nhập để phát triển vững mạnh.
Cuộc sống vẫn thanh bình như dòng Phượng Giang trong xanh. Dòng sông có ngọn nguồn từ non cao hùng vĩ. Cuộc sống dọc miền Cương Gián có cội nguồn của ông cha xưa đổ bao công sức và máu xương mải miết dựng cơ đồ. Miền đất Cương Gián tươi tắn trong nắng mùa xuân. Những sắc thái đời thường chứng tỏ một miền quê đầy sinh lực, vững bước đi lên.
Trương ngọc ánh